Chiều 24/6, Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM. Bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã chia sẻ với báo chí về xoay quanh kỳ vọng của mình về Nghị quyết này.
Tp.HCM đang bị hụt hơi
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM, thay thế Nghị quyết 54?
Ông Vũ Hồng Thanh: Qua tổng kết đánh giá, có một số cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù cho Tp.HCM triển khai chưa được nhiều, chưa thực sự hiệu quả để phát huy chính sách tạo thêm động lực cho Tp.HCM phát triển, lý do khách quan bởi đại dịch Covid-19. Do đó, chúng tôi rất kỳ vọng Nghị quyết sửa đổi bổ sung Nghị quyết 54 cho Tp. HCM sẽ tạo ra động lực, nguồn lực mới cho thành phố.
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy thành phố đang hơi bị “hụt hơi”. Từ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng GDP, thu nộp ngân sách cho đất nước trong thời gian vừa qua mặc dù giá trị tuyệt đối vẫn cao, nhưng giá trị tỉ trọng đang có xu hướng giảm dần. Trong khi, đây là địa bàn tạo ra động lực tăng trưởng cho nên rất cần có chính sách đặc biệt, đặc thù.
Mặc dù, Quốc hội ủng hộ Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM, nhưng chúng tôi vẫn thấy có “điều gì đó” trong quá trình tổ chức thực hiện Chính phủ và Tp.HCM cần khai thác thêm tốt hơn.
Đơn cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đề cập đến hình thức TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) cần phải mở rộng thêm, vì trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có cơ chế chính sách cho mở rộng thêm diện tích thu hồi đất bồi thường hỗ trợ tái định cư, các công trình ngoài các điểm kết nối công trình giao thông theo đường sắt tốc độ cao, đường vành đai 3 có thể thêm những hạng mục gì nữa để mở rộng?
Giải quyết như thế nào với Nghị quyết 18 là hài hoà lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư với người dân và dùng nguồn lực đó để tạo động lực phát triển cho đất nước, cho Tp.HCM.
Vì dư địa chênh lệch địa tô của Tp.HCM rất cao, nếu mở rộng thêm phạm vi thực hiện cơ chế thì sẽ tăng thêm được nguồn lực. Thành phố có thể mở rộng hình thức đấu giá, đấu thầu, thực hiện các dự án phát triển đô thị, du lịch, thương mại, tạo thêm nguồn ngân sách và giải quyết việc làm, các doanh nghiệp nộp ngân sách cho thành phố trong thời gian tới.
Phải sử dụng nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm
PV: Ở đây, có một vấn đề đó là xử lý BT cũ và bây giờ cho thực hiện BT mới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Vũ Hồng Thanh: Quan điểm của chúng tôi là do trong quá trình tổ chức thực hiện thời gian vừa qua chưa chuẩn và có thể bị trục lợi. Trong khi các nước trên thế giới áp dụng hình thức BT rất thành công.
Còn ở Việt Nam tính chi phí đầu vào công trình xác định giá cao, chi phí trả lại cho doanh nghiệp trước đây theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng thì giá đất chúng ta tính thấp, cho nên doanh nghiệp được hưởng lợi còn nhà nước bị thiệt cả đầu vào và đầu ra. Do đó, chúng ta phải khắc phục cơ chế này. Nghị quyết 31 cũng đã có cơ sở chính trị để cho triển khai các dự án BT của Tp.HCM cũ trước đây.
Qua theo dõi, chúng tôi thấy có một số dự án cũng đã xác định được quỹ đất để thành phố xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp có thể chưa xác định được quỹ đất.
Trong thời gian tới, cần xử lý được vấn đề xác định quỹ đất để thành phố thanh toán lại các dự án BT bị dừng trước khi Luật PPP có hiệu lực. Quan trọng là phải xác định giá trị quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư nhưng phải bảo đảm đúng thời điểm, đúng giá trị để tránh thiệt hại cho nhà nước.
Trong nội dung này tôi cũng thấy có một vấn đề cần quan tâm, đó là trong Nghị quyết 437 trước đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau này đưa vào Luật PPP là không đầu tư các công trình giao thông trên đường hiện hữu. Chỗ này thành phố phải chọn và có cơ chế chính sách phù hợp để xử lý vấn đề này.
Tất nhiên, nhu cầu để chúng ta thu hút xã hội để đầu tư các tuyến đường này vì nguồn lực của thành phố nhiều nhưng nhu cầu lại rất lớn, cho nên thành phố cũng rất khó đáp ứng. Như vậy, rất cần cơ chế chính sách mang tính đột phá.
Thực tiễn chúng tôi đi giám sát sau đó tham mưu Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437 thì có rất nhiều trạm đặt không đúng chỗ, người dân ở trên trạm đó bị ảnh hưởng tiêu cực như phải mất thời gian, phải trả thêm tiền để đi trên chính đoạn đường mà trước đây hàng ngày vẫn đi.
Do đó, phải chọn lựa dự án, cơ chế chính sách đối với người dân như chỗ nào được giảm, miễn, khu vực nào phải giảm không làm ảnh hưởng đến người dân để tránh xảy ra khiếu kiện, mâu thuẫn xã hội, mất an ninh trật tự ở trong các dự án mà sau này thành phố được thực hiện xây dựng các công trình giao thông trên tuyến đường hiện hữu.
PV: Tp.HCM cũng rất kỳ vọng về công ty đầu tư tài chính Nhà nước Tp.HCM. Vậy, Quốc hội thông qua Nghị quyết mới này, theo ông thành phố cần tận dụng như thế nào để khai thác được nguồn lực ở đây?
Ông Vũ Hồng Thanh: Đây cũng là mô hình rất đặc thù, trước đây cũng đã cho cơ chế Tp.HCM và Hà Nội trong quá trình các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá, thoái vốn thì thành phố được sử dụng nguồn này, vì đây cũng là nguồn rất quan trọng. Khi có được nguồn này vấn đề làm sao sử dụng hiệu quả cũng là điều chúng tôi mong muốn.
Chúng tôi được biết, các nhà đất, tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn thành phố có rất nhiều và rất lớn. Do đó, cần có phương án cổ phần hoá, thoái vốn, bán, thanh lý các nhà đất thì thành phố sẽ có thêm nguồn lực rất nhiều.
Quan trọng là phải sử dụng nguồn lực này có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra động lực lan toả phát triển cho thành phố. Tôi hy vọng thành phố sẽ có thêm nguồn lực để phát triển trong giai thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Hoàng Bích – Thu Huyền
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chu-nhiem-uy-ban-kinh-te-noi-ve-dong-luc-lon-thuc-day-tphcm-phat-trien-a614016.html