noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThế giớiLý do đằng sau quyết định hạn chế ngân hàng Nga của...

    Lý do đằng sau quyết định hạn chế ngân hàng Nga của Trung Quốc

    Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế các giao dịch sử dụng đồng nhân dân tệ giữa khách hàng Nga và phương Tây kể từ ngày 13/6, theo truyền thông Nga.

    Quyết định của ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) nhằm hạn chế các giao dịch của khách hàng ngân hàng Nga liên quan đến các ngân hàng ở EU, Mỹ, Thụy Sĩ và vương quốc Anh sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

    Mặt khác, nó cũng có thể là một kịch bản được Bắc Kinh dàn dựng để xoa dịu ông Blinken về cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, hoặc là sự phản ánh đơn giản về vai trò đang giảm dần của Nga trong tư duy chiến lược và kinh tế của Trung Quốc.

    Ngân hàng Trung Quốc đã bắt đầu chấm dứt các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, USD, đô la Hồng Kông (HKD) và Euro của Nga thông qua các tài khoản đại lý của mình kể từ ngày 13/6, Đài truyền hình nhà nước Nga RBC và công ty truyền thông Nga Frank Media đưa tin, trích dẫn đại diện ngân hàng Finam của Nga. 2 ngân hàng Nga khác là UniCredit và Akibank cũng đã có thông báo tương tự. 

    Trừng phạt thứ cấp

    Theo các biện pháp trừng phạt hiện hành, các ngân hàng ở các quốc gia bị trừng phạt bị cấm giao dịch trực tiếp với các thực thể của Nga bị trừng phạt. Tuy nhiên, các ngân hàng và công ty ở các quốc gia bên thứ ba như Trung Quốc không bị cấm kinh doanh rõ ràng với người Nga.

    Thế giới - Lý do đằng sau quyết định hạn chế ngân hàng Nga của Trung Quốc

    Các biện pháp hạn chế mới nhất của ngân hàng Bank of China, một trong 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc, có thể cho thấy vai trò đang giảm dần của Nga trong tư duy chiến lược và kinh tế của Trung Quốc Ảnh: Fortune

    Phương Tây cho đến nay vẫn chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp hay cấm các giao dịch giữa các thực thể Nga bị trừng phạt và các thực thể có trụ sở tại các quốc gia không thuộc phương Tây.

    Trung Quốc rõ ràng không muốn bị lôi kéo sâu hơn vào cuộc chiến ngoại giao và hùng biện về Ukraine, điều này có thể giải thích phần nào động thái hỗ trợ Mỹ và EU thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

    Nga, tất nhiên, đổ lỗi cho phương Tây. “Quyết định không phải do Trung Quốc đưa ra, mà là do EU và Mỹ. Đó là cách họ đang cố gắng tăng áp lực trừng phạt bằng cách bóp nghẹt các kênh thay thế dưới dạng nhân dân tệ”, Pavel Semyonov, chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng Modulbank cho biết.

    Quan điểm của ông Semyonov không phải là không có lý. Brussels vào tháng 4 đã đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc vì đã hỗ trợ “cỗ máy chiến tranh của Nga” lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Một số công ty Trung Quốc trong danh sách của EU, chẳng hạn như nhà sản xuất thiết bị điện tử King-Pai Technology, đã bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt.

    Thế giới - Lý do đằng sau quyết định hạn chế ngân hàng Nga của Trung Quốc (Hình 2).

    Quyết định áp đặt các biện pháp hạn chế của ngân hàng Trung Quốc được đưa ra ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: CNN

    Đầu tháng 6, Bắc Kinh cho biết, họ sẽ “theo sát” các cuộc thảo luận của EU về đợt trừng phạt thứ 11 đối với Nga sau khi Ủy ban châu Âu đề xuất các giới hạn về thương mại với các nước thứ ba được coi là bỏ qua các biện pháp trừng phạt hiện có.

    “Tôi lưu ý rằng ngân hàng Trung Quốc không nói không với các tài khoản của Nga, mà chỉ hạn chế một số hoạt động khi các ngân hàng phương Tây tham gia”, ông Eric Hontz, Giám đốc Trung tâm Đầu tư có trách nhiệm ở Washington, cho biết.

    Robert Person, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Học viện Quân sự Mỹ tin rằng đó cũng là một động thái phòng ngừa. “Điều đó cho thấy Trung Quốc lo ngại về mối đe dọa có thể có của các lệnh trừng phạt thứ cấp”, ông nhận định. 

    Lợi ích chiến lược

    Trong khi đó, những người khác lại cảm nhận được một động cơ chiến lược sâu sắc hơn từ động thái mới đây của Trung Quốc.

    “Điều này rất có ý nghĩa. Nó báo hiệu một xu hướng đáng lo ngại đối với ông Putin vì ông ấy có khả năng mất đi một trong những người ủng hộ lớn nhất của mình”, CEO và đồng sáng lập Hermitage Capital Bill Browder cho biết.

    Theo nhà ngoại giao EU Albrecht Rothacher, Bắc Kinh đang bắt đầu nhận ra rằng cuộc xung đột ở Ukraine không mang lại lợi ích tốt nhất cho họ, do sự đình trệ kinh tế ở châu Âu và sức mua giảm ở Nga.

    “Xét cho cùng, hoạt động kinh doanh tại Mỹ, EU và Vương quốc Anh đối với Trung Quốc quan trọng hơn rất nhiều so với hoạt động kinh doanh của Nga, ngoại trừ các lô hàng dầu, khí đốt, gỗ và khoáng sản”, ông Rothacher nhận định.

    Ông Rothacher tin rằng các thực thể Nga bị trừng phạt có thể sẽ sử dụng dịch vụ của các ngân hàng nhỏ khác ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Áo, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nam Phi và Brazil, v.v. Những ngân hàng này sẽ nằm ngoài tầm ngắm của các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, việc giao dịch với các ngân hàng này có thể trở nên tốn kém và phức tạp hơn.

    Thế giới - Lý do đằng sau quyết định hạn chế ngân hàng Nga của Trung Quốc (Hình 3).

    Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay sau cuộc hội đàm tại Moscow hồi tháng 3/2023. Ảnh: NPR

    Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nga đã phát tín hiệu về một mối quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược ngày càng sâu sắc. Tuy nhiên, mối quan hệ này thực ra lại bị hạn chế bởi các lợi ích chiến lược của Bắc Kinh, bà Maia Nikoladze, trợ lý giám đốc của tổ chức Economic Statecraft Initiative, viết trong một bài blog gần đây của Hội đồng Đại Tây Dương.

    Điều này được chứng minh trong một loạt các động thái. UnionPay, một hệ thống thanh toán của Trung Quốc từng là “cứu cánh” cho người Nga sau khi Visa và MasterCard rời khỏi thị tường này vào tháng 3/2022, đã cắt giảm tiếp xúc với các ngân hàng bị trừng phạt ở Nga.

    Bên cạnh đó, lãnh đạo ngân hàng Trung Quốc ICBC và hai tổ chức phát triển do Trung Quốc dẫn đầu là ngân hàng phát triển mới (NDB) và ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã cắt quyền tiếp cận của Nga đối với nguồn tài chính của họ vào năm 2022.

    Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc cũng không cho chính phủ Nga vay tiền. Quốc gia châu Á cũng đã ngăn chặn sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga và đã hạn chế dòng công nghệ tiên tiến đến Nga.

    “Mối quan hệ đối tác không giới hạn vẫn chỉ là lời nói khoa trương. Ngay cả khi Trung Quốc giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt đối với Nga, các hành động của Bắc Kinh luôn bị hạn chế bởi lợi ích chiến lược của họ và nỗi sợ kích hoạt các lệnh trừng phạt thứ cấp từ Mỹ”, bà Nikoladze nhận định.

    Nguyễn Tuyết (Theo DW, meduza.io)

     

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU