Hôm nay (3/8), đoàn công tác của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng đoàn công tác chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu chào mừng tại buổi làm việc, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Tào Đức Thắng bày tỏ vui mừng được đón đoàn công tác đến làm việc.
Đây là cơ hội để tập đoàn được báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những khó khăn, tồn tại hiện nay của tập đoàn, đồng thời cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách mới cho phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số, đầu tư ra nước ngoài.
Tại hội nghị lần này, ông Trần Tuấn Anh mong muốn được lắng nghe báo cáo trực tiếp của các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là của Tập đoàn Viettel về những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện CNH, HĐH trong thời gian qua; những kiến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách phù hợp trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó lắng nghe quan điểm của Tập đoàn Viettel về xác định các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn trong thời gian tới; cũng như đề xuất các cơ chế, chính sách xác định các doanh nghiệp dẫn dắt nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước để thực hiện vai trò dẫn dắt CNH, HĐH trong các lĩnh vực.
Cũng như các đề xuất để cụ thể hóa chủ trương về tăng cường liên kết giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng; cần những cơ chế, chính sách, tiếp cận và hỗ trợ thế nào để phát huy hiệu quả thực chất và nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay.
Đặc biệt, nếu mô hình CNH, HĐH trong thời gian tới của nước ta là “Mô hình CNH, HĐH dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi với sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bao trùm” thì cần thêm, bớt thành tố gì hoặc cần thay đổi thế nào? Luận cứ cho những đề xuất là gì?.
Trước những câu hỏi này, các đại biểu đã thảo luận, đề cập tới những vấn đề cần quyết sách chính trị của BCH Trung ương để tháo gỡ hoặc định hướng phát triển trong thời gian tới; đề xuất góp ý vào nội dung Đề án và những điểm cần làm rõ; những điểm mới đề án như: cần nghiên cứu, xem xét về khái niệm và nội hàm của khái niệm CNH, HĐH; xác định các lĩnh vực chú trọng như công nghiệp nền tảng,…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả, thành tựu tích cực mà Tập đoàn Viettel đã đạt được trong những năm qua.
Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp đầu tiên Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án tới làm việc trực tiếp, điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của Tập đoàn trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về CNH, HĐH, nhất là trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.
Bên cạnh đó, xây dựng hạ tầng số; phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, liên kết chặt chẽ, hiệu quả với công nghiệp dân sinh; phát triển các ngành nghề mới như ngành công nghiệp vũ khí công nghệ cao, ngành công nghiệp an ninh mạng.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vai-tro-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-trong-viec-dan-dat-cong-nghiep-hoa-a562927.html