Sầu riêng Việt Nam rộ mùa, được giá bởi Trung Quốc mua tới 95% lượng sầu riêng xuất khẩu của nước ta
Theo số liệu thống kê hải quan cho thấy, xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến trong tháng 5, lũy kế 5 tháng đầu năm xuất khẩu mặt hàng này đã đạt hơn nửa tỷ USD.
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 5 và 5 tháng năm 2023. Trong đó, ngành hàng rau quả trong tháng 5 mang về tới 656 triệu USD, tăng 67,7% so với tháng trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt tới 2,03 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 42,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 608 triệu USD.
Theo Tổng cục Hải quan, đóng góp chính cho nhóm hàng rau quả là sầu riêng (mã HS 0810.60.00), tăng cao đột biến. Trong tháng 5, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 332 triệu USD, gấp hơn 10 lần so với tháng trước.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt tới hơn nửa tỷ USD (503,4 triệu USD), tăng 475,8 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với con số 27,6 triệu USD của cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý là Trung Quốc mua gần như toàn bộ lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, với giá trị kim ngạch lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này.
Thông tin trên báo Thanh Niên, cuối tháng 5 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 47 mã số vùng và 18 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đạt yêu cầu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nâng tổng số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên con số tương ứng là 293 và 115 cơ sở đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính ngạch. Đây là những điều kiện để có thể tin tưởng xuất khẩu sầu riêng vẫn còn nhiều cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu.
Theo Người Lao Động, sầu riêng xuất khẩu tăng đột biến là tin vui lớn cho nhà vườn, thương lái, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu và các dịch vụ phụ trợ. Tuy nhiên, việc sầu riêng tăng trưởng quá “nóng” cũng dấy lên nhiều lo ngại về tính bền vững khi các nhà cung cấp chạy đua theo số lượng mà không tự kiểm soát chặt về chất lượng – sẽ ảnh hưởng đến uy tín sau này.
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để cấp phép thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho sầu riêng Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần làm tốt công tác quản lý vùng trồng, đặc biệt là kiểm soát sinh vật gây hại trên sản phẩm.
Trung Quốc xây kho lạnh và cơ sở chế biến sầu riêng gần biên giới Việt Nam
Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc đang cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm nay kể từ khi nước này mở cửa trở lại sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch Covid-19.
Thông tin trên VOV, thời gian qua, sầu riêng các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, khiến nước này đang đẩy nhanh xây dựng kho lạnh bảo quản và các cơ sở chế biến tại thành phố Sủng Tả, cách biên giới với Việt Nam khoảng 100km.
Kể từ sau khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 9/2022, sầu riêng Việt Nam nhanh chóng xâm nhập thị trường này. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hầu hết chủng loại rau quả xuất khẩu của nước ta đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt trong 4 tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng đạt 190,5 triệu USD, tăng đột biến 573,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tới 84,5%.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn cũng đã làm thủ tục thông quan cho hơn 1.600 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60.000 tấn. Trong đó, riêng tháng 5/2023 đã đạt trên 17.500 tấn. Điều này cũng được ghi nhận tại các cửa khẩu đường bộ của Trung Quốc, đặc biệt là Hữu Nghị Quan và Đông Hưng ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Nông Úy Bằng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xuyên biên giới thuộc Ban Quản lý Khu vực Sùng Tả của Khu Thương mại Tự do thí điểm Quảng Tây Trung Quốc – nơi có cửa khẩu Hữu Nghị Quan, tình hình nhập khẩu sầu riêng Việt Nam năm nay tương đối khả quan. “Theo thống kê, 95% sầu riêng nhập từ Việt Nam là qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Với quy trình hẹn trước 24 giờ và dành riêng một số điểm kiểm tra chuyên dụng, chúng tôi có thể đảm bảo sầu riêng Việt Nam và các loại trái cây khác như thanh long, dừa, nhãn, vải, dưa hấu được thông quan nhanh chóng”, ông Bằng cho biết.
“Sầu riêng của Việt Nam mới được nhập khẩu qua Trung Quốc từ năm ngoái, chủ yếu ở cầu Bắc Luân 2 và một số chợ biên giới. Do mới nhập nên hiện nay lượng sầu riêng của Việt Nam tương đương với Thái Lan. Tuy nhiên, với xu thế này tại cửa khẩu Đông Hưng, sầu riêng Việt Nam có thể vượt Thái Lan, do nhu cầu trong nước tương đối lớn”, bà Trần Hiểu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ cửa khẩu Đông Hưng có chung nhận xét.
Được biết ngoài đường bộ, sầu riêng Việt còn được nhập vào Trung Quốc qua đường sắt và đường biển, dù số lượng khiêm tốn. Theo anh Hoàng Văn Hàn, cán bộ Phòng kinh doanh Bằng Tường, thuộc Trung tâm vận chuyển hàng hóa Nam Ninh của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc chi nhánh Nam Ninh, thời kỳ đầu mới xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, lượng sầu riêng của Việt Nam và Thái Lan là tương đương, mỗi nước chiếm khoảng 50%. Tuy nhiên, nay con số này đã giảm đáng kể. “Hiện tại, trái cây nhập khẩu qua cửa khẩu đường sắt Bằng Tường chủ yếu là từ Thái Lan với hơn 90%, chỉ có khoảng 5% từ Việt Nam”, anh Hoàng Văn Hàn, cán bộ Phòng kinh doanh Bằng Tường thuộc Trung tâm vận chuyển hàng hóa Nam Ninh của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc chi nhánh Nam Ninh cho biết.
Trước nhu cầu nhập khẩu sầu riêng tươi hiện vẫn khá lớn, theo tiết lộ của ông Lưu Nghiệp Khoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển thành phố Sùng Tả, Trung Quốc đang tập trung xây dựng một khu kho lạnh kết hợp chế biến tại đây, nơi chỉ cách biên giới với Việt Nam gần 100km.
Ông Khoa nhấn mạnh, thương mại hoa quả, đặc biệt sầu riêng là một mảng rất quan trọng trong các loại hàng hóa xuất nhập khẩu của Sùng Tả. “Để tăng thương mại xuất nhập khẩu trái cây, thành phố Bằng Tường thuộc Sùng Tả đang xây dựng khu công nghiệp hậu cần. Trong đó, Sùng Tả sẽ thiết lập một số cơ sở chuỗi lạnh, kho chứa, bán buôn bán lẻ. Ngoài cơ sở này còn có các khu chế biến để nâng cao giá trị và chất lượng đầu ra”, ông Khoa thông tin thêm.
Theo quan chức này, đầu tư trong giai đoạn I cho cơ sở này sẽ vào khoảng 1,8 tỷ DNT (254 triệu USD) và thời điểm đưa vào sử dụng dự kiến là khoảng năm 2025. Hiện, chính quyền Sùng Tả và Quảng Tây đang cùng phía Việt Nam bàn bạc cùng nhau phát triển cơ sở này.
Với kỳ vọng tiêu thụ sầu riêng sẽ tiếp tục tăng, các quan chức địa phương và thương nhân Trung Quốc cho biết, các cải tiến trong phương thức vận tải và thông quan hàng hóa sẽ cho phép sầu riêng Việt Nam đến tất cả các vùng ở nước này trong vòng từ 1 – 3 ngày.
Năm 2023, ngành hàng trái cây chinh phục mục tiêu 4 tỷ USD
Dự báo, năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành hàng lợi thế này và con số 4 tỷ USD là mục tiêu hoàn toàn có thể chinh phục.
Theo báo Công Thương, 5 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 466 triệu USD, tăng 80,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, trong TOP 10 thị trường xuất khẩu rau quả, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Malaysia có mức tăng trưởng mạnh nhất. Riêng Trung Quốc mua rau quả của Việt Nam đạt 805 triệu USD, chiếm 59% về thị phần (năm ngoái chiếm 53%).
Về mặt hàng, tính đến hết tháng 4/2023, giá trị xuất khẩu thanh long và sầu riêng đang tương đương nhau với tỉ lệ khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành rau quả. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu thanh long đang chậm lại do Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch và sức tiêu thụ kém.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, những tháng đầu năm, mặc dù bị cạnh tranh với hàng Thái Lan, Campuchia, Philippines, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam vẫn bứt phá. Như tại Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, trong khi kim ngạch các thị trường Mỹ, Canada sụt giảm, Trung Quốc là “bệ đỡ” giúp hoạt động xuất khẩu tăng trưởng 20% doanh số 4 tháng đầu năm 2023.
Triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn khi nông sản Việt đang được nhiều quốc gia ưa chuộng. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) – nhận định, dự báo xuất khẩu rau quả trong những tháng tới tiếp tục khả quan khi bước vào mùa trái cây, đặc biệt là vải thiều rộ mùa vào tháng 6 và 7. Bên cạnh đó, sầu riêng có cơ hội vươn lên trở thành mặt hàng tỷ USD khi vừa có thêm nhiều vùng trồng được cấp mã xuất khẩu vào Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu rau quả năm nay của Việt Nam có thể cán mốc 4 tỷ USD.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tang-18-lan-sau-rieng-se-dan-dat-rau-qua-can-dich-xuat-khau-4-ty-usd-a612980.html