noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủThế giớiThái Lan đứng trước nguy cơ hạn hán

    Thái Lan đứng trước nguy cơ hạn hán

    Theo báo cáo của Trung tâm Dữ liệu Nước và Khí hậu Quốc gia Thái Lan, lượng nước trong các hồ chứa lớn của nước này đang ở mức thấp đáng lo ngại.

    Lượng nước trong các hồ chứa lớn của Thái Lan đang ở mức thấp đáng lo ngại, với chỉ 19% có thể sử dụng được cho sinh hoạt, nông nghiệp và bảo vệ hệ sinh thái.

    Đây là nội dung báo cáo vừa được Trung tâm Dữ liệu Nước và Khí hậu Quốc gia Thái Lan công bố mới đây.

    Theo báo cáo, tình hình ở miền Tây Thái Lan đáng lo ngại nhất vì chỉ có 13% lượng nước trong các hồ chứa hiện có thể sử dụng.

    Cũng theo báo cáo, lưu vực sông Chao Phraya cần 12 tỷ mét khối nước trong mùa khô và đầu mùa mưa, song hiện tổng lượng nước ở 4 hồ chứa chính của Thái Lan chỉ cung cấp được khoảng 4,5 tỷ mét khối nước. Giới chức Thái Lan kỳ vọng có thể được bù đắp được khoảng 7,5 tỷ mét khối nước trong thời gian 140 ngày còn lại của mùa mưa năm nay.

    Thái Lan chính thức bước vào mùa mưa từ ngày 23/5 nhưng nhiều tỉnh phía Bắc và Đông Bắc nước này vẫn đang phải đối mặt với hạn hán.

    Trong khi đó, theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ hỗn hợp Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan (JSCCIB), hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác do biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến nền kinh tế Thái Lan thiệt hại 36 tỷ bạt (hơn 1 tỷ USD) trong năm 2023.

    Ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, một thành viên của JSCCIB cho biết, khan hiếm nước do hạn hán là lo ngại hàng đầu của ủy ban này, do có thể gây ra những tác động rất lớn cho các ngành nông nghiệp và sản xuất cũng như xuất khẩu.

    Ông nói: “Các nhà sản xuất đang rất lo ngại về nguy cơ hạn hán, bởi nó có thể gây giảm năng lực sản xuất và ảnh hưởng tới xuất khẩu, vốn đang lâm vào tình trạng trì trệ”.

    Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan đã giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 92 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 2,2% xuống còn 96,5 tỷ USD và gây ra thâm hụt thương mại 4,51 tỷ USD.

    Những dấu hiệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giảm sút đã xuất hiện từ cuối năm 2022, khi các chỉ số kinh tế quan trọng cho thấy lượng hàng hóa xuất khẩu giảm trong bối cảnh những lo ngại về nguy cơ suy thoái trong năm 2023.

    Trước đó, vào ngày 31/5, JSCCIB đã gửi tới Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha một đề xuất nhằm đối phó với tình trạng hạn hán. Ủy ban này hy vọng sẽ cùng với Chính phủ Thái Lan tìm cách ngăn chặn các tác động nghiêm trọng do thiếu nước gây ra.

    Các doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan chức năng chuẩn bị các giải pháp trung và dài hạn nhằm bảo đảm cho các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án ở Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), có thể tiếp tục hoạt động.

    Khu vực EEC, với quy mô trải qua 3 tỉnh Chon Buri, Rayong và Chachoengsao, là nơi quy tụ nhiều nhà máy thuộc 12 ngành công nghiệp quan trọng, được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao của đất nước và là động lực thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan.

    Theo ông Kriengkrai, các doanh nghiệp đã chuẩn bị các kế hoạch xử lý rủi ro nhằm đối phó các vấn đề lũ lụt và hạn hán. Trong ngành công nghiệp sản xuất, các công ty đang áp dụng các biện pháp 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế nước) nhằm bảo đảm có đủ nước để sử dụng trong quá trình sản xuất. Các công ty cũng đang thuyết phục người nông dân sử dụng nhiều hơn nữa các công nghệ sáng tạo nhằm giúp họ bảo tồn các nguồn cung cấp nước quý giá.

    Tuy nhiên, theo ông Kriengkrai, về mặt lâu dài, Chính phủ Thái Lan cần đóng một vai trò quan trọng trong đối phó với các vấn đề liên quan tới hạn hán và lũ lụt.

    M.H (t/h theo VTV, Nhân Dân)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU