noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngDu lịch hè: Giá vé máy bay neo cao, doanh nghiệp lữ...

    Du lịch hè: Giá vé máy bay neo cao, doanh nghiệp lữ hành tìm cách vượt khó

    Tốc độ phục hồi phát triển ngành du lịch vào mùa hè năm nay vẫn gặp khó bởi giá vé máy bay, doanh nghiệp lo ngại doanh thu sụt giảm.

    Nỗi lo bán tour du lịch theo giá vé máy bay

    Giữa tháng 6/2023, ghi nhận của Người Đưa Tin, theo đại diện các doanh nghiệp lữ hành, giá tour hè đến thời điểm này chưa biến động lớn. Nhiều đường tour ổn định khi các công ty đã ký hợp đồng vé máy bay, dịch vụ nhà hàng, khách sạn… từ sớm. Dù vậy, yếu tố khiến thị trường “hạ nhiệt” có thể là giá vé máy bay.

    “Với các tour trong nước, do giá vé máy bay tăng cao, dẫn đến giá tour khá cao và chịu áp lực cạnh tranh từ các điểm đến trong khu vực nên bị giảm nhiệt. Giá vé máy bay cao khiến giá các tour du lịch nội địa sử dụng dịch vụ hàng không có thể tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước”, đại diện một công ty du lịch cho biết.

    Thực tế cho thấy, dù du khách có chủ động “săn” vé chơi hè tại các điểm đến trong nước từ trước từ 1 – 2 tháng thì vẫn phải chịu mức giá cao chót vót. Hiện loạt chuyến bay đến các “thủ phủ” du lịch của Việt Nam giai đoạn cao điểm hè từ tháng 6 – 8, chuyến bay không nhiều và giá cũng đã bắt đầu tăng.

    Ví dụ, ngày 23/6, chuyến bay có giá thấp nhất trên chặng Hà Nội – Phú Quốc hơn 2 triệu đồng/chiều, của hãng Bamboo Airways và cũng chỉ có 2 chuyến giá đó bay buổi tối.

    Hay như Vietnam Airlines chỉ còn 2 chuyến bay có vé phổ thông, giá hơn 3,1 và hơn 3,5 triệu đồng/chiều. Chặng “hot” nhất Tp.HCM – Hà Nội vào đầu tháng 7, vé khứ hồi rẻ nhất của hãng Vietjet đã gần 3,4 triệu đồng; vé cao nhất của hãng Vietnam Airlines gần 5,3 triệu đồng.

    Trong khi đó, cùng thời điểm, nếu bay sang Bangkok (Thái Lan) rẻ nhất của hãng Air Asia chỉ hơn 1,4 triệu đồng/chiều, Vietjet từ 1,3 – 2 triệu đồng/chiều tùy chuyến. Chưa kể, tăng cường mở đường bay quốc tế, các hãng hàng không đang triển khai rất nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

    Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện TSTtourist cho biết, các doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị khá kỹ trong sản phẩm, xây dựng kế hoạch đón du khách. Tuy nhiên, sự điều chỉnh giá hàng không tăng cao giai đoạn đầu quý 2 và giảm giá cận lễ 30/4 đã tạo tâm lý ngần ngại đặt tour sớm của du khách, vì vậy cơ hội gia tăng lượng khách sớm của công ty du lịch cũng bị ảnh hưởng.

    “Dù có nhiều ý kiến trái chiều về giá vé máy bay nhưng xu hướng chọn du lịch nước ngoài ngày càng tăng chính là điều dễ thấy nhất trong giai đoạn trước hè, và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong những tháng kế tiếp”, ông Mẫn nhận định.

    Còn ông Trần Đăng Thành, Giám đốc Orion Travel cho hay, việc giá vé máy bay đẩy giá các tour du lịch trong nước tăng cao đang có tác động không tốt tới du lịch nội địa. Do đó, cần có biện pháp để mỗi khi mùa cao điểm, giá vé máy bay không tăng mạnh như hiện nay.

    “Vào mùa cao điểm, nếu giá vé máy bay nội địa quá cao, khách Việt sẽ lựa chọn đi du lịch nước ngoài, với điểm đến là những thị trường gần và không tốn kém nhiều chi phí. Hiện giá tour đi Thái Lan có khi còn rẻ hơn đi Phú Quốc”, ông Thành nói.

    Sức mua chậm hơn, khó đạt kế hoạch

    Theo các đơn vị lữ hành, thường là sau kỳ nghỉ 30/4-1/5, các đoàn khách bắt đầu tìm hiểu thông tin tour hè, chuẩn bị đặt trong tháng 6 và 7. Tuy nhiên, hè này, thời gian khách ra quyết định lâu hơn, cận ngày đi hơn, số lượng đoàn nhỏ và chi phí hợp lý.

    Ông Lê Công Năng, Tổng giám đốc Công ty Wondertour Việt Nam lo ngại, tình hình đặt tour hè năm nay tại nhiều doanh nghiệp lữ hành không đạt kế hoạch. Sức mua giảm mạnh ở tour đường bay trong nước, trong khi nhiều tour quốc tế đường xa như tuyến Âu, Úc, Mỹ, Phi khởi hành với số chỗ không lấp đầy.

    Còn ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty du lịch Best Price thừa nhận, lượng khách du lịch của công ty hè này chỉ bằng 30-40% mọi năm, khách đoàn cũng kém so với năm ngoái. Khách lại đặt rất sát ngày, như chỉ trước 2-3 ngày với dịch vụ du thuyền, khách sạn,… hoặc trước một tuần nếu mua tour, trong khi trước đây khách thường đặt trước 3-5 tuần, tour đi Hàn Quốc, Nhật Bản sớm tới 2-3 tháng. Điều đó cho thấy thị trường du lịch hè năm nay sẽ kém sôi động.

    Lãnh đạo một công ty du lịch tại Tp.HCM đánh giá, năm nay du lịch hè dự báo khó khăn hơn nhiều đối với các đơn vị lữ hành. Trước kỳ nghỉ lễ 30/4 một tháng, giá vé máy bay đã đắt đỏ và vào hè nhiều khả năng sẽ tăng cao. Các tour đoàn khách ngâm hợp đồng không dám ký, tour lẻ thì vất vả, chỉ có tour outbound là khả quan hơn.

    “Công ty đã ký được một số hợp đồng tour khách đoàn đến cuối tháng 8, chủ yếu là nhờ khách quen. Chắc chắn lượng tour năm nay sẽ ít hơn mọi năm do suy thoái kinh tế”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

    Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị và Công nghệ của Benthanh Tourist, nhận xét khách không còn chốt mua tour sớm như trước.

    “Khao khát du lịch sau khi bị Covid-19 là một trong những lý do quan trọng để du lịch năm 2022 bùng nổ mạnh mẽ. Tuy nhiên, thị trường du lịch năm nay sẽ không còn ưu thế này, sau khi các thị trường du lịch trong và ngoài nước đã mở cửa hoàn toàn, nên rất khó để đạt được đỉnh cao như năm trước”, bà Linh nói.

    Tiêu dùng & Dư luận - Du lịch hè: Giá vé máy bay neo cao, doanh nghiệp lữ hành tìm cách vượt khó

    Kế hoạch kinh doanh mùa hè cao điểm của doanh nghiệp du lịch tiếp tục loay hoay vì giá vé máy bay.

    Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, phân tích năm 2022 là năm bùng nổ của du lịch nội địa và năm 2023, rất nhiều thị trường du lịch nước ngoài đã có những chương trình kích cầu, thu hút khách Việt với xu hướng đi tour nước ngoài mới mẻ, ưu đãi về giá, mua sắm…

    Do đó, bên cạnh nhu cầu đi nghỉ dưỡng trong nước cho gia đình, tour nước ngoài cũng là một ưu tiên lựa chọn của nhiều du khách. Đặc biệt, trong bối cảnh các điểm đến như Thái Lan, Bali (Indonesia), Trung Quốc đang “đua nhau” kích cầu, giảm giá để kéo khách Việt thì du lịch trong nước bị cạnh tranh rất nhiều.

    “Để du lịch trong nước không mất lợi thế, việc duy trì ổn định giá tour mà quan trọng là ổn định giá vé máy bay rất cần thiết. Bởi nếu giá vé máy bay tăng cao, du khách sẽ so sánh và lựa chọn… đi tour nước ngoài. Cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa hãng hàng không, công ty du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch và cao hơn là chính sách chung của nhà nước hỗ trợ cho ngành du lịch để có chương trình kích cầu du lịch quy mô đủ lớn, đủ hấp dẫn”, ông An đề xuất.

    Báo cáo của Tổng cục Du lịch công bố đầu tháng 5/2023 nhận định, giá vé máy bay tăng có thể đẩy giá tour tăng đến 30 – 40%, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đi du lịch của du khách. Bởi lẽ, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỉ lệ cao nhất (hơn 80% vào năm 2019) so với đường bộ, đường biển.

    Do vậy, hàng không luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Hàng không và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển của cả hai bên.

    Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, ngành du lịch sẽ gặp một số khó khăn, thách thức. Du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019. Du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU