Theo ghi nhận, vị trí nước thải tràn ra sông tại 3 cửa xả sau lưng Hội chợ triển lãm, tại chân cầu Nguyễn Tri Phương và dưới cầu băng đường Thăng Long. Cả 3 cửa xả này đều có khu vực xả ra sông Cẩm Lệ.
Người dân cho hay, nước thải chảy ra từ các cửa xả này có màu đen kịt kèm bọt trắng xóa, mùi hôi thối rất khó chịu.
“Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng xem xét nguồn nước thải này chảy ra từ đâu và hướng xử lý dứt điểm như thế nào. Nếu, cứ để tình trạng nước thải tràn ra sông tự nhiên như thế này chắc chắn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng về lâu dài”, ông Nguyễn Văn Huệ, sống trên địa bàn chia sẻ.
Ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Tp.Đà Nẵng thừa nhận đã kiểm tra và xác định có tình trạng nước thải tràn tại 3 cống xả trên, trong khi các máy bơm tại trạm bơm HC3 vẫn vận hành hết công suất.
Trong khi đó, theo ông Đặng Minh Dũng, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Tp.Đà Nẵng lý giải, về nguyên nhân phát sinh tình trạng nước thải tràn, ngày 20/4/2023, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tiến hành đấu nối tuyến thu gom nước thải đường 2 tháng 9, đoạn từ đường Phan Thành Tài đến đường Thăng Long, vào hệ thống thu gom nước thải hiện trạng trên đường Thăng Long về trạm bơm nước thải HC3, sau đó bơm chuyển về trạm xử lý nước thải Hòa Xuân.
Sau khi đấu nối tuyến thu gom mới, đã khắc phục được tình trạng nước thải tràn vào một số giờ cao điểm tại cửa xả đường Bình Minh 6 và cửa xả chân cầu Trần Thị Lý, do tình trạng hư hỏng, xuống cấp tuyến ông trên đường 2/9.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận thêm lưu lượng nước thải từ tuyến thu gom mới đã làm tăng lưu lượng và quá tải tại trạm bơm HC3, dẫn đến xuất hiện tình trạng tràn sau lưng Hội chợ triển lãm và chân cầu Nguyễn Tri Phương.
Công ty đã thực hiện các biện pháp trước mắt, đắp đập tạm bằng bao cát nhằm tăng khả năng lưu chứa nước trong cống, đồng thời điều tiết giữa các trạm bơm nước thải nhằm thu gom tối đa lượng nước vào các giờ cao điểm.
Cho vận hành thêm 1 máy bơm dự phòng tại trạm bơm HC3. Như vậy, hiện nay, trạm bơm HC3 đang hoạt động thường xuyên và liên tục 3 bơm, kể cả bơm dự phòng.
Công ty cũng rải khoáng hóa bên trong cống thu gom để giảm thiểu mùi hôi trước khi nước tràn ra sông. Đồng thời, thực hiện công tác phun chế phẩm sinh học trong trường hợp phát sinh mùi hôi.
Với các biện pháp này, đã hạn chế được tình trạng nước tràn vào các giờ cao điểm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện các trận mưa dông, mưa trái mùa vào chiều tối và ban đêm góp phần tăng thêm lưu lượng nước thải từ các tuyến thu gom đổ về trạm bơm HC3, gây quá tải tiếp tục và xuất hiện tình trạng tràn nước thải ra môi trường vào các giờ cao điểm.
Đối với vị trí xả thải nước thải sau xử lý của Trạm xử lý nước thải Hòa Cường, được đầu tư và đưa vào vận hành 2007 với công nghệ xử lý sinh học kỵ khí bậc 1, không có công đoạn khử trùng. Với đặc trưng của công nghệ yếm khí, nước thải sau xử lý thường có màu xám. Khi giao với nước sông Cẩm Lệ có màu vàng càng tạo sự tương phản giữa hai màu nước.
Việc vận hành được Công ty thực hiện theo sổ tay hướng dẫn vận hành, định kỳ quan trắc và phân tích chất lượng nước thải đầu vào, đầu ra và nước tại thượng lưu và hạ lưu điểm xả trên sông Cẩm Lệ để theo dõi đánh giá chất lượng nước tại sông Cẩm Lệ.
Trong tương lai, trạm xử lý này sẽ được chuyển toàn bộ nước thải về trạm xử lý nước thải Hòa Xuân để xử lý với công nghệ tiên tiến hơn, nước thải sẽ được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.
Ông Dũng cũng cho biết, dựa vào tình hình thực tế, Công ty đề xuất với sở Xây dựng cho phép tiếp tục chủ động thực hiện đắp đập cát, gia cố đập cát khi bị vỡ do mưa. Đồng thời, giảm thiểu mùi hôi bằng chế phẩm sinh học.
Việc vận hành liên tục 3 máy bơm tại trạm bơm HC3 sẽ dẫn đến việc nhanh hao mòn các cánh bơm sẽ dần làm giảm hiệu suất các máy bơm, đồng thời có thể dẫn đến những hư hỏng, sự cố đối với máy móc, thiết bị tại trạm bơm. Vì vậy, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Tp.Đà Nẵng đã có đề nghị với Sở Xây dựng đầu tư bổ sung 1 máy bơm dự phòng các các thiết bị đi kèm để tăng hiệu suất cũng như chủ động thay thế khi có sự cố xảy ra.
“Về lâu dài, Công ty đề nghị Sở Xây dựng đôn đốc Ban quản lý dự án Hạ tầng ưu tiên sớm triển khai để nâng cấp công suất trạm bơm HC3 cũng như tuyến ống thu gom nhằm đồng bộ hạ tầng thoát nước của lưu vực, xử lý dứt điểm tình trạng quá tải lưu lượng tại trạm bơm HC3 như hiện nay”, ông Dũng nhấn mạnh.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/da-nang-vi-sao-nuoc-thai-tran-ra-song-cam-le-tai-cac-cua-xa-a612234.html