Lô vải u hồng xuất chính ngạch đầu tiên sang Anh
Một tấn vải u hồng Việt Nam (vải chín sớm) vừa được Công ty TT Meridian nhập khẩu vào Anh, trở thành lô vải xuất chính ngạch đầu tiên của Việt Nam đến Anh trong năm nay.
Ông Thái Trần, Giám đốc điều hành Công ty TT Meridian, doanh nghiệp chuyên phân phối vải thiều và nông sản Việt Nam tại Anh, cho biết, năm nay, công ty lần đầu tiên nhập vải u hồng nhằm tận dụng lợi thế của giống vải này là chín sớm hơn vải thiều khoảng 1 tháng để cạnh tranh với vải Mexico (Mê-hi-cô) và Trung Quốc hiện có bán tại thị trường Anh.
“Lô vải u hồng sẽ được phân phối cho các siêu thị châu Á và bản địa. Dự kiến, mỗi tuần công ty sẽ nhập từ 3 – 5 tấn vải sang Anh tùy theo nhu cầu tiêu thụ”, ông Thái Trần thông tin với VTV.
Theo ông Thái Trần, TT Meridian nhập khẩu vải u hồng trước khi vải Mexico và Trung Quốc được thu hoạch và nhập khẩu sang Anh nhằm khai thác thị thường sớm, tạo cơ hội để vải Việt Nam với chất lượng tốt, vị ngọt và thơm, tiếp cận và chinh phục người tiêu dùng tại Anh.
Ông Thái Trần cho biết thêm nhu cầu đối với vải Việt Nam tại Anh đang tăng nhờ chất lượng ngon và mùa vải ngắn (người tiêu dùng tranh thủ mua trước khi hết mùa), cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước, nỗ lực xúc tiến thương mại của các cơ quan quản lý và hoạt động marketing của doanh nghiệp xuất khẩu.
Xây dựng thương hiệu trái vải Việt Nam
Theo TTXVN, sản phẩm vải u hồng phân phối tại thị trường Anh năm nay có bao bì mang hình ảnh cờ đỏ sao vàng Việt Nam nhằm giúp người tiêu dùng Anh nhận diện thương hiệu quốc gia, tạo ấn tượng trái vải là một đặc sản riêng của Việt Nam.
Ông Thái Trần cho biết, bắt đầu từ năm nay, TT Meridian sẽ sử dụng bao bì sản phẩm Việt Nam phân phối tại Anh với hình ảnh cờ đỏ sao vàng nhằm xây dựng và quảng bá thương hiệu Việt Nam như một nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn của thế giới, giúp người tiêu dùng dễ dàng và nhanh chóng nhận diện sản phẩm Việt Nam trên kệ hàng siêu thị tại Anh.
Ông Thái Trần cho biết sáng kiến nhận diện thương hiệu Việt Nam qua hình ảnh cờ đỏ sao vàng là một trong những nỗ lực của TT Meridian và các đối tác tại Việt Nam, trong đó có Hợp tác xã Chế biến Hoa quả Kim Biên (Bắc Giang), nhằm đổi mới, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của thị trường cũng như thói quen và hành vi người tiêu dùng.
Giám đốc TT Meridian chia sẻ, để đảm bảo độ tươi ngon và chất lượng của trái cây Việt Nam, năm nay công ty đặt mục tiêu áp dụng quy trình Just in Time (quy trình cung cấp sản phẩm với số lượng, thời gian, địa điểm theo đúng yêu cầu của khách hàng) trong nhập khẩu trái cây tươi Việt Nam, theo đó toàn bộ quá trình từ lúc xuất hàng tại vườn ở Việt Nam đến khi bày bán sản phẩm tại siêu thị ở Anh chỉ kéo dài 36 giờ, gồm thời gian đóng gói hàng và vận chuyển từ Việt Nam, thông quan và phân phối đến nhà bán lẻ ở Anh.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh, một thách thức lớn đối với xuất khẩu vải Việt Nam sang Anh là việc bảo quản sản phẩm do đặc thù của trái vải phải tiêu thụ trong vòng 3 ngày kể từ lúc thu hoạch để đảm bảo độ tươi ngon, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần làm chủ công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
So với sản phẩm nhập khẩu cùng loại cũng như các loại trái cây nhập khẩu khác, vải Việt Nam hiện có giá bán khá cao tại Anh (15 bảng/kg, tương đương 435,000 VND). Theo ông Cường, giá vải cao một phần do loại quả này phải vận chuyển bằng đường hàng không với cước phí 3-4 bảng/kg để đảm bảo độ tươi. “Việc làm chủ công nghệ bảo quản sẽ cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu vận chuyển vải bằng đường biển, giúp giảm giá sản phẩm”, báo Công Thương dẫn lời ông Nguyễn Cảnh Cường.
Ông Thái Trần cũng đồng tình rằng các nhà sản xuất và xuất khẩu trái cây Việt Nam cần chú trọng cắt giảm tối đa chi phí logistics và chi phí trung gian, tăng hiệu quả hoạt động thông qua cải tiến quy trình, áp dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh lạm phát cao tại Anh khiến giá sản phẩm trở thành mối quan tâm lớn đối với các nhà nhập khẩu, phân phối cũng như người tiêu dùng.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Vải thiều được xuất khẩu đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mỗi năm đạt khoảng 80.000-120.000 tấn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm 2023, ngoài 84.000 tấn vải thiều được tiêu thụ tại thị trường nội địa (chiếm khoảng 46,7% tổng sản lượng, giảm 15,2% so với năm 2022), tỉnh Bắc Giang cũng đã chủ động kế hoạch để tiêu thụ 96.000 tấn xuất khẩu đi các nước (chiếm khoảng 53,3% tổng sản lượng, tăng 15,2% so với năm 2022).
Thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: châu Âu (EU), Mỹ, Australian, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia và một số nước Đông Nam Á, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và một số nước khu vực Trung Đông…
Để giúp các địa phương trong tiêu thụ nông sản, đặc biệt sản phẩm vải thiều thời gian tới, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết sẽ hỗ trợ các thông tin về thị trường, trong đó có các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc. Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu hệ thống thương vụ tham gia vào việc hỗ trợ mở rộng thị trường để tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng cùng với Bộ Công Thương, các địa phương, doanh nghiệp cũng cần chủ động tham gia, đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại. Đồng thời, đầu tư cho chuyển đổi số, thương mại điện tử để quảng cáo bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung, vải thiều nói riêng.
Minh Hoa (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/1-tan-vai-u-hong-thuong-hieu-nhan-dien-co-viet-nam-cap-ben-nuoc-anh-a611400.html