Thúc đẩy du lịch và các lĩnh vực khác phát triển
Chiều 2/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đáng chú ý, dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi) sẽ nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Dự thảo Luật nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) ủng hộ với sự cần thiết sửa đổi 2 luật về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam.
Về cấp thị thực cho người nước ngoài và thời hạn thị thực. Đại biểu Thanh Phương thống nhất với việc tăng thời gian thị thực cho người nước ngoài được cấp mã thị thực EV, tức là thị thực điện tử từ 30 ngày sang 3 tháng.
Đại biểu Phương cũng thông tin, theo báo cáo của Bộ Công an, khi khôi phục lại chính sách xuất, nhập cảnh như trước Covid-19 thì từ ngày 15/3/2022 đến nay, số lượng cấp thị thực điện tử tăng gấp 46,6 lần so với cùng kỳ trước dịch Covid. Điều này cho thấy nhu cầu và tính thuận lợi về việc thêm thị thực điện tử cho người nước ngoài.
Chính phủ đã dự thảo Nghị quyết về danh sách 156 nước và vùng lãnh thổ cấp thị thực điện tử và danh sách 13 cửa khẩu đường sông, 13 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển cho phép người nước ngoài được nhập cảnh bằng thị thực điện tử kèm theo dự thảo luật này.
Như vậy, cho thấy chúng ta đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho người nước ngoài đến với Việt Nam về thời gian và giá trị của thị thực được gia hạn, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài hạn của khách du lịch nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư hoặc các hoạt động khác.
“Hy vọng nó sẽ tác động tích cực đến ngành du lịch và các hoạt động khác về giáo dục, khoa học và kinh tế của nước ta”, đại biểu Phương bày tỏ.
Dự thảo Luật cũng đề cập việc nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày đến 45 ngày. Tuy nhiên, đại biểu Phương cũng đưa ra lý do để đưa ra đề nghị nâng thời gian tạm trú lên 60 ngày.
“Đây là thời gian phù hợp đối với khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng đủ dài. Đồng thời phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp du lịch của Việt Nam và quốc tế. Vì vậy, nên xem xét thời gian tạm trú lên 60 ngày để chính sách Việt Nam tương đồng với các nước như Thái Lan hay Singapore”, đại biểu Phương nêu quan điểm.
Đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng việc Chính phủ đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng có giá trị một lần hoặc nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế từ thị trường xa.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá so sánh về khả năng mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam là rất phù hợp với tình hình thực tiễn.
Băn khoăn thời gian tạm trú của người nước ngoài
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) còn băn khoăn về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam trong dự thảo luật. Theo đại biểu, vấn đề này vẫn chưa nhiều so với các quốc gia trong khu vực, có một số quy định chưa rõ.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 2 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 Điều 19a của Luật về cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 45 ngày. Như vậy, trường hợp công dân của các nước khác thì sẽ được cấp tạm trú bao nhiêu ngày?
Mặt khác, qua nghiên cứu chính sách thị thực của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực, đại biểu cho biết so với một số nước thì thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam hiện thấp hơn một số nước trong khu vực, các nước cũng áp dụng đơn phương miễn thị thực khá nhiều.
Đại biểu dẫn chứng về chính sách thị thực trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam so với các nước khu vực Đông Nam Á.
Theo đại biểu, hiện nay, trong số 11 quốc gia Đông Nam Á chỉ còn Việt Nam và Myanmar yêu cầu phải xin thị thực trước khi đến đối với đa phần khách du lịch quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống; Campuchia, Lào và Đông Timor cũng đã ít nhất áp dụng chính sách cấp thị thực khi nhập cảnh cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống;
Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia đã miễn thị thực trong 30 đến 90 ngày với khách du lịch quốc tế từ hầu hết các thị trường chính của những nước này.
Hiện tại, Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn bằng 15 đến 50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Số lượng quốc gia có khách du lịch Việt Nam được miễn thị thực cũng chỉ bằng 5 đến 15% so với các nước ASEAN.
“Từ thực tiễn trên, đối chiếu với các điều khoản sửa đổi về thị thực trong dự thảo luật, tôi nhận thấy việc sửa đổi về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam cũng chưa tăng nhiều thời gian như các quốc gia trong khu vực.
Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm về nội dung này và cần tăng miễn thị thực, gia hạn, tăng cường thêm các mốc thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài trong dự thảo luật”, đại biểu Tâm Hùng nêu quan điểm.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/de-xuat-nang-thoi-gian-tam-tru-cho-khach-nhap-canh-len-60-ngay-a610871.html