PGS.TS Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức và định hướng trong thời gian tới trong hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Khẳng định vị thế của đại học vùng
NĐT: Ông có thể chia sẻ về công tác đào tạo của Đại học Thái Nguyên trong công cuộc phát triển nhân lực của tỉnh cũng như cả nước?
Ông Hoàng Văn Hùng: Là trung tâm lớn thứ 3 của đất nước về giáo dục đại học vì vậy số sinh viên tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên đã góp phần cung cấp nhân lực cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2017 – 2021, số lượng thí sinh trúng tuyển thạc sĩ vào Đại học Thái Nguyên của 15 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 5.924 người, chiếm trên 76,11% số người trúng tuyển vào học thạc sĩ tại nhà trường. Số liệu này đã thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của các cấp chính quyền, ban ngành địa phương, của cán bộ công chức, viên chức, người lao động đối với nhà trường.
Chúng tôi và các địa phương, trong đó có tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác khá chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, đặc biệt trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Cơ sở của sự hợp tác là tinh thần cộng đồng trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn về đào tạo và nghiên cứu khoa học với chất lượng là tiêu chí hàng đầu.
Hoạt động đào tạo này đã khẳng định vai trò và vị thế xương sống trong hệ thống ngành học và bậc học, có tác động lớn trong đời sống nhân dân và việc phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Các cơ sở đào tạo từng bước xây dựng, phát triển chuyên ngành đào tạo, không ngừng đổi mới, hoàn thiện nội dung chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng đa dạng hóa, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và sát thực tế.
NĐT: Trong quá trình khẳng định vai trò, vị thế của một đại học vùng, Đại học Thái Nguyên gặp những khó khăn, hạn chế gì?
Ông Hoàng Văn Hùng: Con đường để đạt những mục tiêu là không hề dễ dàng khi nhận thức của các trường đại học thành viên về sứ mạng, tầm nhìn chung của Đại học Thái Nguyên còn chưa thống nhất.
Cùng với đó thiết chế đại học vùng chưa hoàn thiện và chưa có những tổng kết đánh giá về mô hình quản trị đại học vùng. Những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về đại học vùng, về tự chủ đại học đang là những vướng mắc không thể giải quyết trong ngắn hạn.
Không thể phủ nhận việc mô hình đại học vùng được tổ chức theo mô hình 2 cấp như hiện nay có sự chồng chéo, trùng lặp dẫn đến bộ máy tổ chức cồng kềnh, gia tăng biên chế lao động gián tiếp. Khiến cho các bộ phận khó kết nối, chia sẻ nguồn lực với nhau dẫn đến việc sử dụng nguồn lực chưa phát huy được hiệu quả, gây thiệt thòi cho chính người học và lãng phí nguồn lực.
Khó khăn tiếp thep liên quan đến đội ngũ giảng viên còn mất cân đối giữa các ngành nghề đào tạo, số lượng cán bộ khoa học đầu ngành còn ít.
Thực tế hiện nay số lượng giảng viên, người lao động hiện có được tuyển dụng, hợp đồng ở giai đoạn trước vượt khá lớn so với quy mô đào tạo hiện nay điều này khiến chúng tôi phải đối mặt với việcnhững năm tiếp theo cần được sắp xếp vào vị trí phù hợp, điều này gây áp lực lớn về tâm lý, tư tưởng cho viên chức và người lao động.
Ưu tiên trong chiến lược phát triển
NĐT: Việc đào tạo nhân lực hiện nay cần gắn đào tạo tạo lý thuyết với thực tiễn, vậy sự hợp tác giữa các trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực cần được chú trọng những điểm nào, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Hùng: Về mặt vĩ mô, Chính phủ cần có những quy định, chính sách mang tính ràng buộc và bắt buộc hơn nữa cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường đặc biệt là về phía doanh nghiệp chẳng hạn như việc phải trả phí để quay lại đầu tư cho các trường khi tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội và doanh nghiệp.
Mặc dù về mặt lý thuyết, trường đại học và doanh nghiệp là đối tác có vị thế ngang bằng nhau và quan hệ hợp tác trường đại học và doanh nghiệp, nhưng hiện nay, các lợi ích thực tế mà doanh nghiệp đạt được qua mối quan hệ hợp tác này chủ yếu là quảng bá hình ảnh, tạo uy tín trong xã hội.
Đối với các trường đại học cần nâng cao chất lượng đầu ra các chương trình đào tạo trường đại học.Cần thể hiện rõ trong sứ mạng, tầm nhìn, giá trị rằng hợp tác với doanh nghiệp là một ưu tiên trong chiến lược phát triển của nhà trường, nhà trường luôn hoan nghênh và ủng hộ các hoạt động hợp tác.
NĐT: Trong thời gian tới, Đại học Thái Nguyên sẽ có những sự thay đổi gì trong kế hoạch nhằm tiếp tục dẫn đầu trong việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho vùng?
Ông Hoàng Văn Hùng: Chúng tôi định hướng điều chỉnh hợp lý theo lộ trình về cơ cấu đào tạo phù hợp với bộ tiêu chí phân loại trường đại học. Thiết kế lại khung thời gian đào tạo các cấp bậc học trong giáo dục đại học phù hợp với khung thời gian chung áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Đặc biệt, chú trọng hợp tác với doanh nghiệp ngay từ khâu lên khung chương trình đào tạo, đến việc thiết kế từng chương trình, rồi cử chuyên gia tham gia giảng dạy, hoặc trực tiếp giảng dạy sinh viên tại doang nghiệp trong một số lĩnh vực thế mạnh.
Mô hình đào tạo hiện nay phải gắn liền với nhu cầu xã hội, liên kết chặt chẽ hơn với nhà trường và doanh nghiệp, luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đổi mới giáo trình.
Song hành với đó là nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình, nhận diện những biến động về kinh tế – xã hội để lập dự báo nhu cầu nguồn nhân lực nhằm điều chỉnh và định hướng kế hoạch đào tạo của nhà trường nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực một cách kịp thời với chất lượng tốt cho nhu cầu phát triển của khu vực.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chu-trong-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-tai-thai-nguyen-a608044.html