noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThế giớiKhông thể hàn gắn, rạn nứt Mỹ-Trung đưa châu Á tiến gần...

    Không thể hàn gắn, rạn nứt Mỹ-Trung đưa châu Á tiến gần đến bờ vực

    Tình hình địa chính trị đã trở nên nguy hiểm hơn khi căng thẳng giữa hai bên liên quan đến eo biển Đài Loan trở thành “điểm nóng nguy hiểm nhất” của khu vực.

    Rạn nứt ngày càng lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc giờ đây có vẻ là không thể hàn gắn được.

    Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài) – người trong nay mai sẽ thay thế Thủ tướng Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long) dẫn dắt “đảo quốc sư tử”.

    Phát biểu tại Diễn đàn Nikkei Tương lai châu Á lần thứ 28 ở Tokyo, Nhật Bản, hôm 25/5, ông Wong cho rằng tình hình địa chính trị đã trở nên nguy hiểm hơn trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên liên quan đến eo biển Đài Loan trở thành “điểm nóng nguy hiểm nhất” của khu vực.

    Ông Wong cho rằng lo lắng là tâm lý phổ biến trong các nhà lãnh đạo châu Á khi đề cập đến tình hình căng thẳng dâng cao giữa Washington và Bắc Kinh.

    “Chúng ta đang tiến gần đến bờ vực”, ông nói, nhận định rằng một số khác biệt về chiến lược và ý thức hệ giữa hai siêu cường này dường như là “không thể vượt qua và không thể hòa giải được”.

    Thế giới - Không thể hàn gắn, rạn nứt Mỹ-Trung đưa châu Á tiến gần đến bờ vực

    Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong phát biểu tại Diễn đàn Nikkei Tương lai châu Á lần thứ 28 ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 25/5/2023. Ảnh: Nikkei Asia

    Các bình luận được đưa ra sau khi Đại sứ Trung Quốc Xie Feng (Tạ Phong) – người vừa đến Mỹ nhận nhiệm hôm 23/5 – cho biết mối quan hệ giữa 2 bên đang đối mặt với “những khó khăn và thách thức nghiêm trọng”.

    Washington đã nhắm đến việc ổn định mối quan hệ giữa hai đối thủ cạnh tranh toàn cầu sau khi mối quan hệ bị trật bánh trong những tháng gần đây trong bối cảnh có những tranh cãi về các cáo buộc gián điệp, vấn đề đảo Đài Loan và kiểm soát xuất khẩu công nghệ của Mỹ.

    Về phần mình, Singapore đang chuẩn bị tổ chức một trong những hội nghị quốc phòng quan trọng nhất của khu vực vào đầu tháng tới. Đó là Đối thoại Shangri-La, dự kiến diễn ra vào ngày 2-4/6.

    Vẫn chưa rõ liệu bên lề hội nghin có diễn ra cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Li Shangfu (Lý Thượng Phúc) và người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin khi hai bên vẫn còn vướng mắc về vấn đề liên quan đến lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt lên vị quan chức của Bắc Kinh từ năm 2018.

    Sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại kinh tế lớn hơn giữa các chính phủ trên thế giới khi các công ty của họ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh bị cuốn vào cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai siêu cường.

    Mặc dù ông Wong cho biết có thể hiểu được lý do tại sao họ đang tìm cách giảm thiểu rủi ro hoặc đa dạng hóa, nhưng thật khó để thấy làm thế nào để những phương pháp này chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực chiến lược mà không ảnh hưởng đến các tương tác kinh tế rộng lớn hơn.

    “Nếu việc giảm thiểu rủi ro đi quá xa, nó sẽ dẫn đến các phản ứng và hậu quả không lường trước được”, Phó Thủ tướng Singapore cho biết. “Theo thời gian, chúng ta sẽ kết thúc với một nền kinh tế toàn cầu bị phân mảnh và tách rời hơn”.

    Ông Wong, người cũng là người sẽ tiếp quản quyền lực từ Thủ tướng Lee, cũng cho biết thời điểm chuyển giao chính trị của Singapore vẫn chưa được quyết định và có thể xảy ra trước hoặc sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo dự kiến diễn ra vào năm 2025.

    “Chúng tôi chưa quyết định các lựa chọn là gì, nhưng cuối cùng chúng tôi sẽ đưa ra quyết định. Vấn đề chỉ là thời gian”, ông nói. “Còn bây giờ, tôi còn nhiều mối bận tâm khác. Tôi có rất nhiều việc phải làm”.

    Minh Đức (Theo Bloomberg, Straits Times)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU