Bún cua thối (hay bún mắm cua) là một món ăn có nguồn gốc từ người Bình Định di cư đến vùng đất này. Tuy nhiên khi ở Gia Lai thì món bún cua thối mới trở nên nổi tiếng và trở thành một nét đặc trưng, độc đáo.
Món bún này có mùi hương độc lạ như vậy là do quá trình ủ cho nước cua lên men chua. Cua đồng khi mua về được rửa sạch, nhúng qua nước sôi cho ngất đi (không để chết) để cua không kẹp vào tay, người làm dễ dàng lột bỏ mai. Phần thịt được lọc ra được đem xay nhuyễn và ủ từ 1-2 ngày đến khi dậy mùi thì mới được mang ra nấu.
Những nồi nước gạch cua sẽ được nêm nếm sao cho hơi cay và mặn hơn bình thường nhằm giảm độ tanh. Nước cua khi đã lên men được nấu cùng thịt ba chỉ đã xào cho săn lại cùng một nguyên liệu đặc biệt nữa là măng tre thái mỏng. Mắm cua càng đun lâu sẽ càng đậm vị và dậy mùi hơn.
Bởi cách chế biến đặc biệt như thế nên bún cua thối có mùi nặng đến mức dù cách tiệm vài nhà nữa mới đến nơi bạn cũng dễ dàng ngửi thấy. Đây cũng là một món ăn thách thức nhất khi du khách đến với vùng đất này, nếu không hợp bạn sẽ phải bỏ đi cả bát bún, nhưng nếu may mắn, có thể bạn sẽ đâm ra nghiện cái mùi khó ngửi nhưng hương vị đậm đà của món ăn này.
Chia sẻ với báo chí, thực khách Trần Thị Thành (hiện đang làm việc tại Đà Nẵng nhưng về thăm nhà ở Gia Lai) cho biết: “Lần nào em cũng phải ăn mấy tô. Hôm qua em cũng ăn hôm nay em cũng ăn. Ngày nào em cũng ăn hết, ăn cho đỡ ghiền”. Nói về mùi đặc trưng như lời đồn đại của mọi người với du khách phương xa, Thành cười vui vẻ: “Em ăn quen rồi nên em không thấy mùi gì hết”.
Ngồi đối diện, bà Mai Thị Vương (khách quen của quán bún cua Chi) nhận định: “Cô không nghe mùi thối mà cô vẫn nghe thơm thơm nhưng những người họ không ăn quen thì kêu thum thủm, thối thối”.
Trong khi đó, bạn Ngô Quang Mẫn (học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.Pleiku) thì công nhận: “Em thấy 50 thối – 50 thơm, chưa ăn thì hơi… có mùi thật”.
Có thể thấy rằng, nếu can đảm bỏ qua những nỗi nghi ngại về hình thức lẫn mùi vị, bạn sẽ nhận được một trải nghiệm vô cùng mới lạ. Điểm nhấn của món ăn nằm ở cái mằn mặn của nước dùng hòa lẫn trong miếng thịt béo béo hay chả dai giòn. Vừa cho vào miệng, mùi “thơm” đã vội xộc lên nhưng từ từ dung hòa bằng chút cay the tinh tế.
Nhiều người cho rằng nên thưởng thức bún cua thối vào mùa mưa. Lý do là bởi khi đó thịt cua sẽ chắc và dậy mùi hơn. Thêm nữa cũng vì mùa mưa ở Gia Lai kéo dài nên mỗi chiều trời chuyển lạnh, thưởng thức tô bún đậm đà, cay nồng đã trở thành thói quen của rất nhiều người dân địa phương yêu thích hương vị đặc biệt của bún mắm cua.
Tiểu Phi (t/h theo Phụ Nữ Việt Nam, Thanh Niên)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ve-pho-nui-pleiku-thuong-thuc-mon-mot-lan-an-ca-doi-nho-a609522.html