noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môPhát triển hạ tầng giao thông: “Thỏi nam châm” thu hút đầu...

    Phát triển hạ tầng giao thông: “Thỏi nam châm” thu hút đầu tư

    Thái Nguyên tập trung phát triển hạ tầng giao thông để tạo “đòn bẩy” thu hút đầu tư, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại vào 2030.

    Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Vịnh – Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên về định hướng phát triển giao thông của tỉnh trong những năm tới.

    Giao thông tạo “cú hích” cho phát triển

    NĐT: Những năm qua, hạ tầng giao thông Thái Nguyên đã có bước phát triển mạnh mẽ, giúp kết nối tỉnh với nhiều vùng kinh tế năng động của đất nước. Xin ông cho biết rõ hơn về những nét nổi bật trong thành tựu phát triển đó. Thực tế việc khơi thông được vấn đề hạ tầng giao thông trong thời gian qua đã mở ra những thời cơ, vận hội mới cho tỉnh như thế nào?

    Ông Lê Văn Vịnh: Những năm qua, giao thông luôn được Thái Nguyên xác định là một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, với sứ mệnh “đi trước mở đường” để phát triển kinh tế – xã hội.

    Sau nhiều năm được đầu tư theo hướng lấy giao thông làm “khâu đột phá” để thu hút đầu tư, đến nay bức tranh toàn cảnh về giao thông Thái Nguyên đã có sự chuyển biến ngoạn mục, toàn diện, theo hướng đồng bộ, tăng tính kết nối, từng bước hiện đại.

    Để có được kết quả đó, điều quan trọng nhất chính là việc xác định đúng và trúng, “đi trước một bước” về trọng trách cho hạ tầng giao thông đối với sự phát triển chung của tỉnh.

    Đến nay, giao thông Thái Nguyên đã kết nối hoàn chỉnh các tỉnh vùng Việt Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ qua các tuyến giao thông đối ngoại như: Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đường Thái Nguyên – Chợ Mới, đường Hồ Chí Minh, các tuyến QL.3 (Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng), QL.37, QL.17 (Bắc Giang – Thái Nguyên – Tuyên Quang – Hà Giang), QL.1B (Thái Nguyên – Lạng Sơn), QL.3C (Thái Nguyên – Bắc Kạn). Đây đều là các tuyến đường huyết mạch, giúp kết nối và lan tỏa các giá trị: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và văn hóa Thái Nguyên đi các vùng, miền trong khu vực phía Bắc.

    Toàn tỉnh có gần 5.000 km đường bộ với trên 200km Quốc lộ và đường cao tốc thảm bê tông nhựa chất lượng tốt; Hơn 1.300km đường tỉnh, đường huyện được rải nhựa và trên 3.000 km đường xã, phường đảm bảo giao thông thuận lợi.

    Đặc biệt, hệ thống đường gom, đường kết nối các Khu công nghiệp trọng điểm với hệ thống giao thông đối ngoại đã được đầu tư cơ bản, đồng bộ, hiện đại.

    Thực tế cho thấy chính việc khơi việc khơi thông được vấn đề hạ tầng giao thông trong thời gian qua đã mở ra những thời cơ mới cho tỉnh Thái Nguyên trong thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các dự án FDI. Hệ thống giao thông đồng bộ, mang “tính liên kết, kết nối vùng” cao trở thành thế mạnh và điểm hấp dẫn, là “điểm đến tin cậy” đối với các nhà đầu tư.

    Kinh tế vĩ mô - Phát triển hạ tầng giao thông: “Thỏi nam châm” thu hút đầu tư

    Ông Lê Văn Vịnh – Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên.

    NĐT: Thời gian tới phát triển hạ tầng giao thông có vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Nguyên?

    Ông Lê Văn Vịnh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, lần thứ XX đã xác định mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

    Trong mục tiêu lớn đó, ngành giao thông tiếp tục được xác định là khâu đột phá, là động lực quan trọng, nền tảng căn bản làm thay đổi diện mạo của tỉnh. Bên cạnh đó, giao thông tiếp tục sẽ là “thỏi nam châm” tạo sức hút đối với các nhà đầu tư, làm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh.

    Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, giao thông của Thái Nguyên sẽ tiếp tục tiên phong “đi trước mở đường”. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục có những chính sách quan tâm cho đầu tư cho hạ tầng giao thông đối ngoại, mang tính chất liên kết vùng gồm: Đầu tư giai đoạn II đường Hồ Chí Minh đi Tuyên Quang; Đầu tư nâng cấp QL.1B đi Lạng Sơn, QL.37 đi Tuyên Quang đạt tiêu chuẩn đường cấp IV và cấp III đồng bằng; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 QL.3 đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; hệ thống đường du lịch Vùng Hồ Núi Cốc;

    Quan tâm đầu tư đặc biệt tới các dự án giao thông có ý nghĩa kết nối và tạo “cú hích” phát triển ở khu vực phía Nam tỉnh như: Đầu tư hoàn thiện đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội kết nối Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc; tuyến đường trục dọc phía Tây tỉnh Thái Nguyên, kết nối liên vùng Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc – Tuyên Quang – Hà Nội.

    NĐT: Trong định hướng trở thành một trung tâm công nghiệp lớn, hiện đại, giao thông của Thái Nguyên đóng vai trò như thế nào để tăng tính hấp dẫn thu hút đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh?

    Ông Lê Văn Vịnh: Việc từng bước hoàn thiện đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch trên sẽ tiếp tục tạo bước đột phá để thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thái Nguyên với lợi thế là tỉnh liền kề vùng Thủ đô Hà Nội.

    Từ đó tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho toàn vùng và góp phần chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng bền vững, gắn kết công nghiệp với khai thác phát triển cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

    Chúng tôi xác định giao thông sẽ “đi trước mở đường”, là một trong những khâu đầu tiên cần thực hiện trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Giao thông sẽ tạo ra động lực, sức lan tỏa rất lớn để phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực phía Tây Nam tỉnh Thái Nguyên nói riêng, khu vực phụ cận Hà Nội và các tỉnh: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang nói chung.

    Chủ động gỡ nút thắt về vốn

    NĐT: Chính phủ hiện đang rất nỗ lực nhằm hiện thực hóa khát vọng “đại lộ, sinh đại phú” với hàng nghìn km đường cao tốc, đường bộ mới trong các năm tới. Nhằm giảm áp lực đối với Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần yêu cầu các địa phương phải chủ động, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, “ỉ lại” Trung ương. Xin ông cho biết, tinh thần chủ động được Thái Nguyên nhận thức và triển khai trên thực tế như thế nào?

    Ông Lê Văn Vịnh: Tính chủ động, tích cực của Thái Nguyên trong hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông được thể hiện rõ trong công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông trong quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Đến nay, Thái Nguyên là địa phương thứ 5 trong cả nước được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh. Trong đó ngàng GTVT tiếp tục được xác định là ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, “đi trước mở đường” để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của tỉnh trong những năm tới đây.

    Theo đo, Thái Nguyên đã ưu tiên quy hoạch các tuyến: Đoạn tuyến vành đai V vùng thủ đô Hà Nội (đoạn qua địa bàn tỉnh được ưu tiên đầu tư); tuyến liên kết các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; đường kết nối tỉnh Thái Nguyên – Tuyên Quang; đường Hồ Núi Cốc; cải tạo, nâng cấp, xây dựng 15 tuyến đường huyện lên đường tỉnh.

    Chủ động trong kếu gọi các nguồn lực đầu tư, trong đó có nguồn vốn để thực hiện các dự án giao thông.

    Chúng tôi cũng ưu tiên các dự án có tính liên kết, kết nối vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch, góp phần hiện thực hóa khát vọng “đại lộ, sinh đại phú” của cả nước.

    Kinh tế vĩ mô - Phát triển hạ tầng giao thông: “Thỏi nam châm” thu hút đầu tư (Hình 2).

    Đến nay, Thái Nguyên là địa phương thứ 5 trong cả nước được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh.

    NĐT: Nhu cầu vốn triển khai đầu tư các dự án phát triển hạ tầng giao thông là rất lớn. Thái Nguyên dự kiến sẽ cân đối nguồn vốn như thế nào nhất là việc vừa sử dụng vốn ngân sách vừa kêu gọi các nguồn vốn khác. 

    Ông Lê Văn Vịnh: Để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn đến năm 2025, Thái Nguyên cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Riêng đối với 9 dự án chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch trung hạn 2021 – 2025 ước tính gần 7.000 tỷ đồng.

    Riêng với các dự án giao thông lớn do tỉnh đã và đang triển khai từ 2020 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã huy động đến 4.235 tỷ đồng trong đó ngân sách của địa phương huy động được là khoảng 1.529 tỷ đồng, chiếm 36%; Ngân sách trung ương là 2.706 tỷ đồng, chiếm 64%.

    Trong thời gian tới, để đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, Thái Nguyên sẽ cần một nguồn lực tài chính rất lớn. Bên cạnh nguồn vốn của trung ương và huy động nguồn vốn của địa phương, rất cần phải kêu gọi, thu hút vốn tư nhân, nhất là triển khai các dự án theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) để khơi thông nguồn lực, gỡ nút thắt về vốn trong phát triển kết cấu hạ tầng.

    NĐT: Việc thu hút vốn tư nhân, nhất là triển khai dự án theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) đã mang lại nhiều kết quả tích cực tại các địa phương. Thái Nguyên sẽ làm gì để gia tăng sức thu hút hơn với nhà đầu tư PPP, khơi thông nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông?

    Ông Lê Văn Vịnh: Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trong đó ưu tiên lĩnh vực đường bộ. 

    Bên cạnh đó để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung trong công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp.

    Về mặt pháp lý, tiếp tục xây dựng các chính sách của địa phương với quy định rõ ràng, an toàn, thủ tục hành chính giải quyết nhanh gọn.

    Về mặt tài chính, tỉnh sẵn sàng chia sẻ rủi ro và các chi phí khác với nhà đầu tư, nhất là việc tạo ra những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư… từ đó đem lại hiệu quả tối ưu cho dự án PPP, tăng sức hút với nhà đầu tư khi chọn Thái Nguyên là điểm đến an toàn, tin cậy.

    NĐT: Bên cạnh nguồn vốn, hiện nay trong việc phát triển hạ tầng giao thông của Thái Nguyên còn đang tồn tại những khó khăn, bất cập nào? Tỉnh có giải pháp hoặc kiến nghị gì để kịp thời tháo gỡ, đáp ứng nhu cầu phát triển?

    Ông Lê Văn Vịnh: Đối với việc phát triển hạ tầng giao thông của Thái Nguyên, nguồn lực đầu tư là rất lớn, do vậy khó khăn lớn nhất vẫn là về nguồn vốn đầu tư.

    Ngoài ra từ thực tiễn triển khai các dự án trong thời gian qua cũng bộc lộ một số khó khăn như: Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt các loại đất rừng; Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; Nguồn cung cấp vật liệu, đặc biệt vật liệu đất đắp; Các biến động về giá cả vật liệu,…

    Để từng bước khắc phục các khó khăn trên, trước hết tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến mang tính liên kết, kết nối vùng, các tuyến trọng điểm, các tuyến có sức lan toả, để phát triển các khu vực phía nam của tỉnh, trong đó vẫn ưu tiên nguồn lực từ ngân sách.

    Đối với các khó khăn trong quá trình triển khai, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao; các cấp, các ngành, các địa phương chung sức, đồng lòng tháo gỡ các khó khăn; đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, có các biện pháp tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng thuận ủng hộ trong quá trình triển khai.

    Kinh tế vĩ mô - Phát triển hạ tầng giao thông: “Thỏi nam châm” thu hút đầu tư (Hình 3).

    Toàn tỉnh Thái Nguyên có gần 5.000 km đường bộ với trên 200km Quốc lộ và đường cao tốc thảm bê tông nhựa chất lượng tốt; Hơn 1.300km đường tỉnh, đường huyện được rải nhựa và trên 3.000 km đường xã, phường đảm bảo giao thông thuận lợi.

    NĐT: Giao thông đô thị là một bài toán của nhiều đô thị lớn của nước ta hiện nay, khi hạ tầng không đáp ứng được tốc độ và nhu cầu phát triển. Thái Nguyên hiện có 13 đô thị, tỷ lệ đô thị đạt hơn 36% diện tích, đến năm 2025 các đô thị hiện hữu sẽ không ngừng mở rộng và sẽ có thêm 6 đô thị mới. Tỉnh đã có định hướng phát triển hạ tầng giao thông đô thị như thế nào để đáp ứng được tốc độ đô thị hóa.

    Ông Lê Văn Vịnh: Hiện nay, trên cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh và mạnh, phạm vi và quy mô đô thị ngày càng mở rộng và phát triển. Theo đó hạ tầng giao thông phải có định hướng phát triển để đáp ứng nhu cầu.

    Theo quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đã được phê duyệt, hạ tầng giao thông đường bộ gồm hệ thống giao thông trục dọc, trục ngang qua các đô thị, hệ thống các tuyến đường vành đai các đô thị, các tuyến cao tốc qua đô thị, cơ bản đáp ứng được tốc độ mở rộng đô thị trên địa bàn tỉnh.

    Riêng đối với hạ tầng giao thông đường sắt, tỉnh cũng đưa ra định hướng nghiên cứu hạ tầng đường sắt đô thị kết nối các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh và kết nối các đô thị tỉnh Thái Nguyên với Hà Nội.

    NĐT: Xin cảm ơn ông!.

    Mạnh Quốc.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU