noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngBắc Giang phấn đấu đón 7,5 triệu lượt khách du lịch vào...

    Bắc Giang phấn đấu đón 7,5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2030

    Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 thu hút được 7,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt 7.500 tỷ đồng.

    Theo Tạp chí Du lịch, Bắc Giang là vùng đất Kinh Bắc xưa, nơi lưu giữ những truyền thống văn hóa đậm nét, đa dạng và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú có thể xem là “mỏ vàng” để phát triển du lịch.

    Với gần 2.300 di tích, trong đó có 593 di tích đã được xếp hạng, Bắc Giang nổi tiếng là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử. Nổi bật là thành cổ Xương Giang (Tp. Bắc Giang); khu di tích cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, khu di tích cách mạng Hoàng Vân, di tích Y Sơn (huyện Hiệp Hòa); chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) – nơi lưu giữ kho mộc bản với 3.050 bản ván khắc đã được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2012; đình, chùa Thổ Hà (huyện Việt Yên); đình, chùa Tiên Lục và cây dã hương nghìn năm tuổi (huyện Lạng Giang)… Đó là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá…

    Địa hình Bắc Giang có sự kết hợp giữa vùng đồng bằng và vùng núi cao, tạo nên những cảnh quan núi rừng hấp dẫn, những đỉnh núi hiểm trở, thác nước cùng những thảm động thực vật phong phú như: Khu danh thắng Tây Yên Tử với rừng nguyên sinh Khe Rỗ, suối Nước Vàng, Khe Đin, Đá Ngang; cao nguyên Đồng Cao; khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, dãy núi Nham Biền…

    Bắc Giang còn được biết đến với các di sản văn hóa phi vật thể như quan họ với 18 làng quan họ cổ, ca trù, cùng nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều làng nghề truyền thống ở Bắc Giang được lưu giữ, bảo tồn và phát triển đến ngày nay như: mây tre đan Tăng Tiến, làng bánh đa Thổ Hà (Việt Yên), gốm làng Ngòi, làng bánh đa Kế, làng bún Đa Mai (thành phố Bắc Giang)… Cùng với đó là những đặc sản tươi ngon như vải thiều Lục Ngạn, xôi trứng kiến, nham trám Hoàng Vân, chè bản Ven, gà đồi Yên Thế, sâm nam Núi Dành…

    Cùng với những lợi thế sẵn có, những năm qua, Bắc Giang quan tâm, phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả về số lượng và chất lượng. Do đó, du lịch Bắc Giang đã có những chuyển biến tích cực, bắt đầu khai thác được tiềm năng, thế mạnh, xây dựng được hình ảnh, thương hiệu du lịch.

    Trong hai năm qua, tổng số khách du lịch đến tỉnh ước đạt 3,05 triệu lượt; doanh thu từ du lịch ước đạt gần 1.480 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động.

    Theo báo Bắc Giang, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 112- NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

    Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa trở thành khu du lịch quốc gia, xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du miền núi phía Bắc.

    Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tất cả các tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; đón được ít nhất 3 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 3.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng và phát triển bền vững; phấn đấu đón được 7,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 7.500 tỷ đồng, tạo ra khoảng 10.000 việc làm.

    Kinh tế - Bắc Giang phấn đấu đón 7,5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2030

    Du khách trải nghiệm tại Khe Rỗ, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Báo Dân tộc & Phát triển.

    Theo Vietnam+, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Bắc Giang tích cực xây dựng, hình thành 4 sản phẩm du lịch chính của tỉnh gồm du lịch văn hóa-tâm linh; Du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng; Du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); Du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

    Tỉnh thực hiện kết nối các tour du lịch và thị trường khách du lịch theo hướng Hà Nội-thành phố Bắc Giang-Lục Nam-Lục Ngạn-Sơn Động-Quảng Ninh (khai thác lợi thế sinh thái rừng để đón du khách từ Quảng Ninh sang và ngược lại); Hà Nội-thành phố Bắc Giang-Việt Yên-Hiệp Hòa; Hà Nội-thành phố Bắc Giang-Tân Yên-Yên Thế; Hà Nội-thành phố Bắc Giang-Yên Dũng-Côn Sơn-Kiếp Bạc, Hải Dương (du lịch đường bộ và đường sông).

    Bắc Giang chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch du lịch; mời gọi các đơn vị tư vấn có uy tín trong nước và nước ngoài về tỉnh làm công tác quy hoạch.

    Các khu, điểm du lịch đã quy hoạch sẽ rà soát lại và điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý; sớm quy hoạch các khu, điểm du lịch tiềm năng để quản lý và thu hút đầu tư phát triển du lịch.

    Theo ông Trương Quang Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, thời gian tới, Bắc Giang tích cực mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư các dự án lớn, xây dựng các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại cao cấp; các công trình văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch; tổ chức tốt các hoạt động mỗi xã một sản phẩm, các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

    Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử; hình hành sản phẩm du lịch “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.”

    Hai khu phố đi bộ được hình thành, phát triển kinh tế đêm tại thành phố Bắc Giang và một số địa phương. Tỉnh cải tạo, xây dựng các khu vực trồng hoa đặc sắc theo chủ đề và theo các mùa trong năm tại Công viên Hoàng Hoa Thám (thành phố Bắc Giang).

    Bắc Giang kêu gọi thu hút đầu tư 5 sân golf, ít nhất 1 khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn 5 sao. Tỉnh có thêm một khu du lịch cấp tỉnh (Khu Du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử), 8 điểm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn được công nhận, nâng tổng số thành hai khu du lịch cấp tỉnh, 20 điểm du lịch.

    Đến năm 2030, Bắc Giang thu hút đầu tư thêm 8 sân golf (tổng số là 13 sân golf), có ít nhất 2 khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn 5 sao…, công nhận một khu du lịch cấp Quốc gia, ba khu du lịch cấp tỉnh, 25 điểm du lịch…

    Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng tăng cường xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của địa phương. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 90% lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch được bồi dưỡng, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh du lịch.

    Minh Hoa (t/h)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU