Ngày 21/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc trao đổi thông tin báo chí về một số vấn đề của ngành nông nghiệp.
Tại cuộc trao đổi, đại diện đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT đã cung cấp thông tin và giải đáp những băn khoăn của các phóng viên về tình trạng giá sản phẩm chăn nuôi trong nước giảm, hoạt động nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi,…
Trước bối cảnh trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, giá cả được điều hành bởi “bàn tay vô hình” của thị trường. Đã là vô hình thì sẽ rất khó kiểm soát, không bao giờ ổn định, đây là điều cần phải làm quen.
“Việt Nam không đứng một mình một chiến tuyến, không phải một mình một chợ mà chúng ta vừa bán, vừa nhập. Do đó, những yếu tố biến động kinh tế xã hội đều là sự tác động lớn đến nền nông nghiệp. Như vậy để thấy nhiệm vụ của nền nông nghiệp là trong hoàn cảnh bất định nhất vẫn có những giải pháp, kế hoạch để vượt qua”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến giá sản phẩm chăn nuôi trong nước giảm, theo chia sẻ từ ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), việc người nông dân duy trì chăn nuôi có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm nội địa mà còn phục vụ xuất khẩu.
Nhận định nguyên nhân khiến giá sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm mạnh thời gian qua, ông Thắng cho rằng, việc thiếu liên kết giữa sản xuất và thị trường, thông tin định hướng, quan hệ cung cầu là yếu tố đến tác động đến giá cả.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng chỉ ra rằng, hoạt động giết mổ, bảo quản, chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi chưa tích hợp được giá trị sản phẩm. Chăn nuôi an toàn sinh học chưa đồng bộ, giá thành sản phẩm chăn nuôi là khá cao chuỗi cung ứng từ trang trại đến sơ chế, chế biến giết mổ đến người tiêu dùng còn nhiều bất cập.
Nhận được sự quan tâm của báo chí về vấn đề thịt ngoại nhập không đảm bảo chất lượng vào Việt Nam, chia sẻ tại cuộc họp, bà Nguyễn Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, sản phẩm thịt hoặc phụ phẩm nhập khẩu có mặt trên thị trường Việt Nam phải tuân thủ quy trình 5 bước và phải trải qua quá trình đàm phán tối thiểu từ 4 đến 5 năm.
Bên cạnh đó, bà Thuỷ nhấn mạnh, “Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên phải tuân theo nguyên tắc không phân biệt đối xử bất cứ một sản phẩm nào khi được nhập khẩu vào Việt Nam. Những chính sách yêu cầu áp dụng cho sản phẩm ngoại nhập cũng tương tự phải áp dụng với sản phẩm trong nước”.
Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Cục Thú y thẩm định các hồ sơ về dịch bệnh và quá trình giám sát an toàn thực phẩm tại nước nhập khẩu. Vì vậy, nói là sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam là chưa phù hợp. Thời gian tới, cục sẽ rà soát lại các tiêu chuẩn cũng như sản phẩm của các nước mà hiện nay Việt Nam nhập khẩu nhiều.
Một vấn đề khác cũng nhận được quan tâm là lo ngại thiếu hụt phân bón trước thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau về việc ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô.
Cụ thể, EVN đề nghị ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong 2 tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6); trong đó, trước mắt xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5.
Về vấn đề này, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thông tin, hai nhà máy sản xuất đạm được đề nghị tạm dừng có công suất trên 900.000 tấn/nhà máy và mỗi nhà máy tồn kho khoảng 200.000 tấn vào năm 2022. Trong khi đó, tổng lượng phân đạm xuất khẩu năm 2022 là 798.000 tấn.
Ông Trung cho biết: “Đây không phải là thẩm quyền của Bộ NN&PTNT nhưng Cục sẽ xin ý kiến của Bộ trưởng NN&PTNT. Với số liệu trên thì lượng phân bón, đặc biệt là phân đạm để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp hoàn toàn đủ”.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bo-truong-le-minh-hoan-kho-kiem-soat-ban-tay-vo-hinh-a608838.html