noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiDân sinhVì sao dự án cấp nước sạch gần 80 tỷ hoàn thành,...

    Vì sao dự án cấp nước sạch gần 80 tỷ hoàn thành, người dân vẫn “khát”?

    Dự án cấp nước sạch có tổng mức đầu tư 79 tỷ đồng đã hoàn thành xây dựng nhưng đến nay hàng nghìn hộ dân xã biên giới vẫn khốn khổ vì “khát” nước.

    Nhiều mục tiêu từ dự án cấp nước sạch

    Trước nhu cầu cấp thiết về nguồn nước sạch của người dân khu vực biên giới, ngày 6/5/2019, HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết số 03 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cấp nước sạch xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk).

    Dự án có quy mô cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2.509 hộ dân, tương đương khoảng 10.432 khẩu đến năm 2020. Đến năm 2025, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2.664 hộ dân, tương đương khoảng 10.988 khẩu. Dự kiến đến năm 2030, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2.827 hộ dân, tương đương khoảng 11.704 khẩu.

    Dân sinh - Vì sao dự án cấp nước sạch gần 80 tỷ hoàn thành, người dân vẫn “khát”?

    Khu xử lý nước của dự án cấp nước sạch xã Krông Na.

    Với quy mô nói trên, dự án cấp nước sạch xã Krông Na có tổng mức đầu tư 79 tỷ đồng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk) làm chủ đầu tư. Trong đó, 53 tỷ đồng vốn trung ương và 26 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh Đắk Lắk.

    Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân trên địa bàn xã Krông Na, một phần xã Ea Huar; Tiểu đoàn huấn luyện 19 và 3 cụm điểm du lịch dọc sông Sêrêpốk.

    Đồng thời, dự án cũng nhằm góp phần hoàn tiện tiêu chí số 17 về “Môi trường và an toàn thực phẩm”, tạo điều kiện cho xã Krông Na và xã Ea Huar có điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới vào thời gian tới cũng như phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Ngoài ra, dự án còn nhằm góp phần thu hút và phát triển du lịch, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực biên giới.

    Dân sinh - Vì sao dự án cấp nước sạch gần 80 tỷ hoàn thành, người dân vẫn “khát”? (Hình 2).

    Bên trong khu xử lý nước.

    Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Lắk, dự án được khởi công từ năm 2019, dự kiến hoàn thành năm 2021.

    Hàng nghìn hộ dân khốn khổ vì thiếu nước

    Sau một thời gian thực hiện, đến nay dự án đã hoàn thiện việc xây dựng nhưng hàng nghìn hộ dân trên địa bàn xã biên giới Krông Na vẫn mòn mỏi chờ nước sạch chảy về.

    Dân sinh - Vì sao dự án cấp nước sạch gần 80 tỷ hoàn thành, người dân vẫn “khát”? (Hình 3).

    Trong lúc chờ được cấp nước sạch, nhiều người dân xã Krông Na khoan giếng để sử dụng nhưng chỉ dùng để tắm, giặt vì nước nhiễm vôi. 

    Nói đến đây, một người dân tại xã Krông Na chỉ chiếc đồng hồ nước và đường ống được lắp đặt ngay bên hông nhà rồi cho biết: “Ngày dự án cấp nước sạch Krông Na triển khai, bà con nơi đây vui mừng không xiết. Ai cũng phấn khởi vì nghĩ sắp có nước sạch để sử dụng và chấm dứt những ngày khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, sau khi công trình xây dựng xong, đường ống và đồng hồ đã lắp đặt tới tận nhà dân khoảng 1 năm nay, mới đây chạy thử được 1-2 hôm rồi tắt hẳn mà không hiểu lý do vì sao”.

    Trong lúc chờ dự án cấp nước sạch xã Krông Na đi vào hoạt động, cấp nước sinh hoạt cho người dân thì hàng nghìn người dân tại xã biên giới này đối diện với không ít khó khăn vì thiếu nước nghiêm trọng.

    Trao đổi về vấn đề này, người dân tại buôn Ea Rông B (xã Krông Na) cho biết, trước đây, người dân sử dụng nguồn nước tại hồ Ea Rông (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) để tắm rửa, giặt giũ, tưới cây. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng nay, nước ở hồ Ea Rông bị hút cạn trơ đáy để cải tạo nên người dân đối diện với không ít khó khăn vì thiếu nước nghiêm trọng.

    Dân sinh - Vì sao dự án cấp nước sạch gần 80 tỷ hoàn thành, người dân vẫn “khát”? (Hình 4).

    Để có nước ăn, uống hàng ngày, nhiều gia đình phải bỏ tiền mua nước bình sử dụng.

    Để khắc phục tình trạng trên, nhiều gia đình xây dựng bể, mua bồn về hứng nước mưa để sử dụng. Bên cạnh đó, hàng ngày, nhiều gia đình phải bỏ tiền để mua nước bình về sử dụng ăn, uống nhưng vẫn không đủ phục vụ nhu cầu.

    Chị Nguyễn Thị Diệu (SN 1988, trú tại buôn Ea Rông B, xã Krông Na) chia sẻ: “Mỗi ngày, gia đình tôi phải bỏ tiền ra mua 3 bình nước về ăn, uống nhưng phải sử dụng dè dặt may ra mới đủ. Đáng nói, nhiều hôm các nhà cung cấp nước bình ở trong huyện cháy hàng nên người dân gọi mấy ngày mới mua được nước”.

    Mặt khác, nhiều gia đình đã bỏ hàng chục triệu đồng ra để khoan giếng nhưng cũng chỉ sử dụng để tắm, giặt.

    Dân sinh - Vì sao dự án cấp nước sạch gần 80 tỷ hoàn thành, người dân vẫn “khát”? (Hình 5).

    Khoảng 2 tháng nay, nước ở hồ Ea Rông cạn kiệt nên người dân đối diện với không ít khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt.

    Chị Diệu lý giải: “Gia đình tôi phải bỏ 14 triệu đồng ra để thuê người đến khoan giếng. Tuy nhiên, việc khoan giếng cũng gặp vô vàn khó khăn. Sau nửa tháng khoan được gần 70m thì giếng vẫn chưa có nước. Đáng nói, nước giếng khoan tại khu vực này bị nhiễm vôi nên không dùng để nấu ăn được. Vì thế, người dân chỉ sử dụng nước giếng để tắm gội, giặt giũ nhưng mỗi lần tắm gội xong thì khô da, khô tóc, quần áo bị ố và ngả sang màu vàng, đồ đạc trong nhà cũng bị bám vôi, ố vàng”.

    Ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na thông tin, vào ngày 15/2/2023, sau khi nhà máy cấp nước xây dựng xong, UBND huyện Buôn Đôn có mời các ngành liên quan kiểm tra lần cuối để đơn vị thi công bàn giao cho đơn vị tiếp quản vận hành nước phục vụ cho bà con nhân dân. Hiện đã có 1.900 hộ được lắp đặt đường ống, đồng hồ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến nay công trình nước sạch vẫn chưa được bàn giao để đưa vào sử dụng.

    Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, sau khi hoàn thiện việc xây dựng, dự án cấp nước sạch nói trên đã vận hành thử nghiệm được vài ngày rồi tắt.

    Dân sinh - Vì sao dự án cấp nước sạch gần 80 tỷ hoàn thành, người dân vẫn “khát”? (Hình 6).

    Hàng nghìn đồng hồ nước đã được lắp đặt đến tận nhà dân nhưng đến nay người dân vẫn mòn mỏi chờ nước sạch chảy về. 

    “Không chỉ bà con mà chính quyền địa phương rất trông đợi nguồn nước từ nhà máy cấp nước sạch nói trên. Bởi nhu cầu nước rất lớn nhưng do thời tiết nắng hạn kéo dài nên hiện nay tất cả các nguồn nước sông, suối, ao hồ trên địa bàn xã Krông Na đã cạn kiệt. Hồ Ea Rông ở trung tâm xã là nguồn nước chính để phục vụ nước tưới tiêu, sinh hoạt lâu nay của người dân. Tuy nhiên, hiện nay hồ Ea Rông đã xả nước để cải tạo, nâng cấp nên nguồn nước cũng cạn kiệt”.

    Theo Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, tình trạng thiếu nước sạch không phải mới diễn ra trong thời gian gần đây mà là “bài toán” nan giải từ trước đến nay trên địa bàn xã.

    “Thời gian qua, nhân dân trên địa bàn rất bị động về nguồn nước sạch. Giếng đào không có nước, giếng khoan nhiễm vôi rất nhiều nên không sử dụng được. Với những gia đình có điều kiện thì xây dựng bể chứa nước mưa hoặc mua bồn inox về dự trữ nước mùa mưa để mùa khô sử dụng. Nhiều hộ không có điều kiện thì bắt buộc phải mua nước bình từ Tp.Buôn Ma Thuột về ăn, uống nhưng phải sử dụng dè dặt. Chính vì vậy, bà con rất phấn khởi khi có dự án triển khai dự án cấp nước sạch xã Krông Na. Từng ngày, bà con đều hỏi khi nào nhà máy cấp nước đi vào hoạt động” – ông Dũng chia sẻ.

    Dân sinh - Vì sao dự án cấp nước sạch gần 80 tỷ hoàn thành, người dân vẫn “khát”? (Hình 7).

    Chủ đầu tư cho biết, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đang tham mưu thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

    Từ những phân tích đó, ông Lê Tiến Dũng mong các cấp, các ngành, tạo mọi điều kiện, đưa công trình nước sạch sớm đi vào hoạt động, giúp bà con xã biên giới huyện Buôn Đôn giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

    Theo thông tin từ BQLDA tỉnh Đắk Lắk, dự án cấp nước sạch Krông Na đã hoàn thiện công tác xây dựng. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đang tham mưu thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. Trong thời gian này, chủ đầu tư vẫn tổ chức vận hành luân phiên để cấp nước cho các hộ dân vùng dự án sử dụng. Ngoài ra, chủ đầu tư có mời cán bộ của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk tham gia quá trình vận hành để thuận tiện và rút ngắn thời gian cho công tác bàn giao sử dụng sau khi phương án giao tài sản được cấp thẩm quyền phê duyệt.

    Khánh Ngọc

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU