Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên
Sáng 11/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: đã đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu.
Trong đó, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua và vượt mục tiêu đề ra (6 – 6,5%), lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 12 luật, 6 Nghị quyết;
các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 602 văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương đã ban hành 7.465 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, định mức, chế độ mới.
Về quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tổng hợp số cắt giảm của các bộ, cơ quan Trung ương được khoảng 716,9 tỷ đồng.
Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là gần 54.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp.
Hạn chế trong phân bổ vốn đầu tư
Thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, tình trạng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tồn tại nhiều năm cho thấy thủ trưởng cơ quan tổ chức chưa coi trọng, chưa chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về việc xây dựng, triển khai công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nếu loại trừ khoản giải ngân kế hoạch vốn địa phương giao tăng thêm từ nguồn vượt thu thì tỉ lệ giải ngân còn thấp hơn số Chính phủ đã báo cáo khi còn 31/51 bộ và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch.
Về lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao.
Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành, đến Kỳ họp thứ 5 Chính phủ vẫn trình Quốc hội phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Mặc dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội song kết quả còn hạn chế nhất là trong phân bổ vốn, dẫn đến lãng phí do nguồn lực không được sử dụng.
Bên cạnh đó, lãng phí trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được chỉ ra tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách năm 2021 chưa được khắc phục, việc triển khai rất chậm, nhiều hạn chế, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình.
Tiến độ giải ngân vốn một số dự án quan trọng quốc gia còn chậm… Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ kết quả thực hiện Nghị quyết số 74 của Quốc hội.
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá, phân tích sâu sắc, đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các giải pháp khắc phục theo từng nội dung báo cáo.
“Đề nghị Chính phủ công khai danh sách bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nói.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai và xác định thời điểm hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Nghị quyết số 74 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 10.
Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc phân bổ, giao vốn đầu tư; tổ chức thi công, bàn giao đưa vào sử dụng, thanh toán, quyết toán đúng tiến độ các công trình theo Nghị quyết số 43, các dự án quan trọng quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội…
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ giải pháp năm 2023 Chính phủ đã nêu và Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị bổ sung.
Trong đó, yêu cầu cụ thể hơn là giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tiet-kiem-kinh-phi-von-nha-nuoc-nam-2022-dat-gan-54-000-ty-dong-a607287.html