Lén đi chống dịch
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, lần đầu tiên, Nguyễn Thị Tuệ Linh (SN 1996) có chuyến đi xa nhà lâu như hiện tại. Vốn là một thợ làm bánh, cô đã bay vào Tp.Hồ Chí Minh để dạy làm bánh từ đầu tháng 5, rồi “bị kẹt” lại do dịch Covid-19 bùng phát.
Giữa lúc ấy, Tuệ Linh nghĩ đến chuyện sẽ góp sức mình vào “cuộc chiến chung” của đất nước, đăng ký trở thành tình nguyện viên hỗ trợ “tâm dịch”.
Cô gái trẻ nhớ lại: “Bản thân “kẹt” trong này cũng mấy tháng rồi, mà công việc của thợ làm bánh thường quen vận động luôn tay luôn chân, giờ giãn cách, ngồi không một chỗ cũng không chịu được. Hơn nữa, tôi đã muốn tham gia hoạt động tình nguyện từ rất lâu, tuy nhiên, phải chờ tiêm xong ít nhất một mũi vắc-xin, mới đủ điều kiện. Trong lúc chờ đợi, tôi rất nóng lòng muốn được đi ngay.
Hôm đó, sau khi đọc được thông tin tuyển tình nguyện viên, tôi nhấn link đăng ký mà không kịp suy nghĩ gì. Đến nửa đêm thì nhận được đơn chấp thuận và giấy đi đường, nên tôi vội vã thu xếp hành lý, sáng sớm hôm sau, lén mở cửa đi không phát ra tiếng động, nhanh chóng đến điểm tập trung. Vì tôi đang sống ở nhà dì, nên tôi quyết định “tiền trảm hậu tấu”, cứ đi rồi tính, chỉ sợ trước đó dì biết lại lo lắng, không cho đi.
Sau đó, tôi mới gọi điện báo với dì và gọi ra cho bố mẹ yên tâm. Hồi đầu, bố mẹ cũng lo lắng nhiều, nhưng sau khi tôi trấn an, cả nhà đều xúm lại động viên rồi dặn dò tôi giữ sức khỏe và đảm bảo an toàn khi làm nhiệm vụ. Mỗi ngày, nhận được những lời hỏi han, động viên, tôi cũng thấy mình như có thêm sức mạnh”.
Tham gia tình nguyện, Tuệ Linh được phân công nhiều công việc khác nhau, từ đi chợ giúp dân, giao thực phẩm tới tận nhà dân, đến nhập liệu, điều phối lấy mẫu… Có lúc, cô cũng nhận nhiệm vụ làm công tác hậu cần cho các bác sĩ chăm sóc F0 tại nhà.
Trải nghiệm đầu tiên của cô gái 25 tuổi khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, chính là khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ kín mít. Linh tâm sự: “Giữa thời tiết nóng bức tại Sài Gòn như những ngày qua, việc mặc bộ đồ bảo hộ cấp mấy thì bên trong cũng đều ướt đẫm mồ hôi cả. Tất nhiên, đồ bảo hộ cấp 3, cấp 4 thì sẽ kín hơn, bí hơn, nhưng với tôi, mỗi khi được nhận một bộ đồ bảo hộ “thăng cấp” hơn bộ trước, tôi đều cảm thấy khá hồi hộp. Bởi, như thế, tôi càng tiến gần hơn đến cảm giác của những ý bác sĩ tuyến đầu, càng cảm thấy thương và nể phục họ nhiều hơn!”.
Đều đặn mỗi ngày làm việc của các tình nguyện viên thường bắt đầu lúc 7h30 sáng, kết thúc vào 5h chiều. Có những buổi, mặc dù đến giờ cơm, nhưng công việc còn dang dở, Linh và đồng đội đều cố gắng làm cho xong rồi mới nghỉ. Bởi vậy, mới có những bữa cơm trưa vào lúc 2h-3h chiều.
“Vì mỗi ngày được phát hai bộ đồ bảo hộ cho hai ca, nên chúng tôi phải tự luyện cho mình không phải dừng lại giữa chừng để vệ sinh cá nhân, hạn chế thay đồ là hạn chế lây nhiễm chéo”, Linh cho biết.
Linh cũng chia sẻ: “Tôi thấy rất vui vì mình được cống hiến, vì mình đủ sức khỏe để được giúp đỡ người khác, giúp đỡ người dân và san sẻ với lực lượng chống dịch. Chúng tôi cũng có những lúc mệt mỏi, chẳng hạn như đợt vừa rồi, nhận nhiệm vụ đi từng ngõ, gõ từng nhà để lấy mẫu xét nghiệm suốt cả một ngày dài, cũng có người bị ốm, nhưng chỉ đến sáng hôm sau là lại tràn đầy năng lượng để tiếp tục nhiệm vụ”.
Những chiếc bánh Trung thu ân tình
Hoàn thành công việc trong ngày, nhiều lúc cũng thấm mệt, nhưng Tuệ Linh vẫn không quên lan tỏa niềm đam mê của mình, bằng cách hướng dẫn mọi người cách làm bánh trực tuyến qua mạng. Với mong muốn giúp mọi người làm được những chiếc bánh thơm ngon cho gia đình, cô không lấy phí của bất cứ ai vì hoàn toàn thấu hiểu những khó khăn trong thời điểm dịch bệnh này.
Không chỉ hướng dẫn, Linh còn trực tiếp “vào bếp”, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để làm ra những chiếc bánh thơm ngon, mời các tình nguyện viên khác và tặng cho một số F0.
Tuệ Linh thổ lộ: “Thỉnh thoảng, tôi làm những chiếc bánh bông lan để mời đồng đội, những chiếc bánh không phải cao cấp nhưng nó đong đầy tình cảm, phần nào khiến người nhận quên đi sự mệt mỏi sau những ngày tháng tham gia chống dịch. Vì tôi biết, cũng khá lâu rồi họ không được ăn những chiếc bánh như vậy.
Một số F0 có sinh nhật vào đợt này, tôi cố gắng tìm kiếm nguyên liệu, làm những chiếc bánh sinh nhật nho nhỏ, để gửi tặng như một món quà tinh thần. Tôi cũng là người xa gia đình suốt nhiều tháng qua, nên cũng phần nào hiểu được nỗi cô đơn của họ, nên muốn những chiếc bánh có thể tạo chút cảm giác ấm áp, động viên họ cố gắng điều trị thật tốt.
Nhận được những lời khen và cảm ơn của mọi người sau khi thưởng thức, trong lòng tôi cũng vui lắm, dù không dám hứa chắc, nhưng tôi mong sẽ tận dụng được nhiều thời gian, làm thêm bánh để mang niềm vui đến mọi người”.
Ngày 17/9, Tuệ Linh bắt đầu nhiệm vụ đầu tiên, hỗ trợ điểm tiêm vắc-xin tại tổ tình nguyện mới, nên trước đó, cô đã nảy ra ý tưởng làm bánh Trung thu tặng cho những người đồng đội. “Một “mùa trăng” xa nhà, có lẽ không riêng tôi, mà ai ai cũng sẽ nhớ gia đình da diết. Thế nên, tôi muốn mang “hương vị đoàn viên” đến cho những người xung quanh. Dù chỉ là những “vầng trăng nhỏ”, nhưng tôi mong, mỗi người khi thưởng thức, sẽ cảm nhận được sự ấm áp”, trong ánh mắt của cô gái Hà Nội như ánh lên một niềm hân hoan, rạng rỡ.
Đuổi được “Covy” đi… mới trở về
Khi được hỏi, “trải nghiệm nào là đáng nhớ nhất?”, Tuệ Linh không chút phân vân liền đáp: “Với tôi, trong khoảng thời gian này, trải nghiệm nào cũng là đáng quý!”.
“Ấn tượng đầu tiên của tôi ở đây là người dân rất ấm áp. Thấy tôi nói giọng Bắc, đa phần mọi người đều hỏi han, khi biết tôi từ Hà Nội vào, họ liền nói không ngớt những cảm ơn. Những buổi giúp người dân lấy mẫu, cả đội tình nguyện nhận được vô vàn những món quà và tình cảm yêu thương, nào là nước lọc, nào là hoa quả,…
“Các con, các em lặn lội xa như vậy để hỗ trợ người Sài Gòn, chúng tôi cảm ơn nhiều lắm… Mặc đồ bảo hộ nóng nực như vậy, thương các con, các em quá chừng…”, đó là những “liều thuốc bổ” mà chúng tôi được nghe mỗi ngày”, Linh khẽ mỉm cười.
Ngừng lại một lát, Tuệ Linh bộc bạch: “Công việc tình nguyện này có niềm vui vì được giúp người khác, nhưng nhiều khi cũng rất buồn, nhất là khi phải chứng kiến người dân khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus Sars-CoV-2, có người lo lắng đến mức ngay trước mặt mình. Những lúc như vậy, chúng tôi trấn an và động viên để họ bình tĩnh trở lại.
Rồi khi có ca F0 nào không vượt qua được dịch bệnh, chúng tôi lại càng buồn nhiều hơn. Buồn cho họ kém may mắn, bất giác nghĩ đến cuộc sống mong manh, ranh giới giữa khỏe mạnh và sự ra đi thực sự quá ngắn. Buồn nhất là chứng kiến những người khi mất mà không có người thân nào ở bên cạnh… Song, tôi cũng phải tự vực dậy tinh thần cho chính mình, càng trân quý cuộc sống nhiều hơn”.
Xa gia đình, người khiến Linh nhớ nhất, thương nhất là cô con gái nhỏ 5 tuổi. Cô chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi xa gia đình lâu như vậy. Có hôm, tôi vừa gọi về, là con liền nũng nịu: “Mẹ ơi, mẹ đi lâu thế? Bao giờ mẹ mới về? Mẹ về đón em với, mẹ đưa em đi chơi đi…”. Tôi dỗ dành con qua điện thoại, rằng tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên chưa thể trở về, và hứa: “Khi nào mẹ về, mẹ đưa em đi chơi bù nha”…
Có những đêm, vì suy nghĩ về những lo lắng của gia đình dành cho mình, tôi cũng trằn trọc, khó ngủ, nhưng nghĩ đến những người đang cần được giúp đỡ sớm nhất, nghĩ đến những vất vả của các y bác sĩ, chiến sĩ và các tình nguyện viên khác, tôi lại có thêm quyết tâm ở lại. Chắc chắn, tôi sẽ ở lại hỗ trợ công tác chống dịch đến khi thành phố đuổi được “Covy” đi, thì mới trở về”.
Diệp Lam
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bao-gio-duoi-het-covy-moi-tro-ve-a527928.html