Mở trung tâm tiếng Anh từ năm 20 tuổi, bạn Nguyễn Minh Oanh hiện tại là Giám đốc điều hành và cũng là Co-Founder Trung tâm Hà Vũ English AZ. Cùng với đó, Oanh còn giữ vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp IELTS tại chính trung tâm của mình.
Từ một sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền với ước mơ đi du học, sau 4 năm khởi nghiệp, bạn Oanh cho rằng “tài chẳng đợi tuổi”, người trẻ ngày nay đều rất đa tài và năng động, sẵn sàng đối mặt với thị trường nhiều thay đổi.
Khởi nghiệp 0 đồng phải chấp nhận rủi ro
Người Đưa Tin (NĐT): Chào bạn, lý do gì từ một cô sinh viên luôn ấp ủ ước mơ đi du học, bạn lại chọn ở lại Việt Nam trở thành cô giáo và mở trung tâm tiếng Anh?
Bạn Nguyễn Minh Oanh: Thực ra, nói đúng hơn là em đã thực hiện được một phần ước mơ khi đạt học bổng 100% của Học viện Singapore Institute of Management (SIM). Nhưng quyết định không theo học, một phần vì gia đình lo lắng và em cũng tư duy nếu mình đã có khả năng thì chắc chắn sẽ còn nhiều cơ hội khác tốt hơn.
Sau khi ở lại Việt Nam, cơ hội đến khi em được đồng nghiệp cũ mời mở lớp dạy tiếng Anh. Lúc đó, em nghĩ nó chỉ là lớp học nhỏ, nhưng may mắn sau một thời gian lớp được mở rộng và chúng em thành lập trung tâm, từ đó đến nay cũng sang năm thứ 4.
Mới đầu, cũng rất lo lắng vì chưa có kinh nghiệm quản trị nhưng em có niềm tin vào năng lực bản thân, rằng mình có thể vừa phải học hỏi, vừa phải điều hành nên đã quyết định thử sức với vai trò mới này.
Thời điểm hiện tại khi ở trên lớp, em phải chịu trách nhiệm với toàn bộ ước mơ, mục tiêu và kiến thức cho học viên.
Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng luôn bám sát trình độ học viên và khi giảng dạy thực tế được hiệu quả, em đã đích thân biên soạn giáo án IELTS. Nhưng khởi nghiệp thì phải chấp nhận sự vất vả, đôi khi một mình mình phải đảm nhận nhiều vị trí, vai trò khác bên cạnh việc dạy học quen thuộc.
NĐT: Là một sinh viên báo chí, chưa có kinh nghiệm hay nhiều kiến thức về kinh doanh, vậy em bắt đầu từ đâu?
Bạn Nguyễn Minh Oanh: Hồi còn sinh viên, ngoài giờ lên lớp em tự học và nghiên cứu rất nhiều để đi tìm đáp án cho câu hỏi để làm người quản trị giỏi thì cần điều gì?
Nhưng học từ sách chỉ chiếm 10%, 90% còn lại là do em sai và tự rút kinh nghiệm. Làm quản lý thì không thể chỉ học qua sách vở vì trên thực tế có vô vàn tình huống mà chúng ta không thể lường trước được.
Em bắt đầu kinh doanh từ lợi thế của mình đó là dạy tiếng Anh. Làm việc trong lĩnh vực này em sẽ có cơ hội học hỏi, hơn nữa bản thân em tin lĩnh vực giáo dục của Việt Nam vẫn cần được khai thác và sự đóng góp của người trẻ.
NĐT: Đâu là cái khó của người trẻ khi quyết định khởi nghiệp, lại còn là một “tay mơ”?
Bạn Nguyễn Minh Oanh: Em khởi nghiệp từ vốn 0 đồng, 100% những gì đang có đều từ việc em dạy học có tiền lãi rồi trả lương nhân viên và duy trì hệ thống. Gần như có ngày không có tiền công cho chính mình nhưng em vẫn làm mọi thứ để xây dựng nó.
Việc khó nhất là khởi nghiệp dựa trên sức mình. Sẽ có những lúc khao khát cháy bỏng muốn làm việc gì đấy nhưng không làm được ngay mà phải chờ lúc thích hợp mới có thể làm được. Đó là lúc em cảm thấy bất lực nhất vì thị trường rất khốc liệt, mình bỏ lỡ cơ hội cũng là lúc đối thủ sẽ nhanh chóng vượt lên.
Bản thân em cũng mắc rất nhiều sai lầm, mình còn trẻ, kinh nghiệm lúc đó cũng non trẻ, và vốn không có nhiều. Nhưng nếu vượt qua những khó khăn em tin mình sẽ làm được điều lớn lao.
Đối với việc đầu tư vào trung tâm tiếng Anh, thị trường cạnh tranh rất khốc liệt nhưng có lẽ may mắn đã phần nào mỉm cười với em, nên em mới có cơ hội phát triển như vậy.
Bài học em nhận ra sau 4 năm đó là cái khó nhất chưa chắc là nằm ở đối thủ cạnh tranh, mà là việc thuyết phục khách hàng. Phải để cho các học viên hiểu, tuy mình trẻ nhưng có năng lực và không kém gì những người khác. Và việc đó đã diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong suốt 4 năm qua.
Em đứng trên quan điểm khách hàng là cần một nơi uy tín và thực sự chất lượng, chịu trách nhiệm với họ, khi đã hiểu được điều này thì cố gắng xây dựng trung tâm đạt được tiêu chuẩn đó.
NĐT: Vậy tuổi 20 cho em những thuận lợi gì khi bắt đầu lập nghiệp?
Bạn Nguyễn Minh Oanh: Vì là người trẻ nên em hiểu được đối tượng khách hàng của mình và phương châm dạy của em là mang tính cá nhân hoá cho học viên, mỗi người sẽ có nhu cầu riêng. Em hiểu tâm lý đấy và bắt nhịp rất nhanh.
Tuổi 20 có sức trẻ và sức khoẻ, em có thể làm việc gấp đôi thời gian so với một người bình thường, mỗi ngày làm việc 20 tiếng, nếu không có sức trẻ sẽ không làm được như vậy.
Em nghĩ mình cũng mang hình ảnh tươi mới, sự nhiệt tình đến với các bạn, thực sự phải rất biết ơn những học viên đã tin tưởng em và đến học.
Đâu là hướng đi cho người trẻ?
NĐT: Nhiều bạn sinh viên hiện nay cũng ấp ủ những ước mơ khởi nghiệp, là người đi trước em có lời khuyên gì cho các bạn?
Bạn Nguyễn Minh Oanh: Em nghĩ có 2 điều mà các bạn cần phải quan tâm đó là học thực chất những kiến thức trên trường, học “đến nơi đến chốn” bởi tất cả những kiến thức đó sẽ là tiền đề khi bắt tay vào làm việc.
Sau khi có kiến thức thì phải đối chiếu trên thực tế, muốn làm quản lý hay bất kể chức vụ gì phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất để rút kinh nghiệm.
Cũng cần tìm một người thầy, một người sếp có đủ năng lực để dạy và dìu dắt mình. Nếu có người chỉ đường sẽ đi nhanh hơn và nhận được nhiều giá trị hơn là sách vở, lý thuyết.
Ngày xưa em có suy nghĩ làm không ra tiền thì không làm. Nhưng bây giờ làm không có tiền nhưng học được kiến thức thì càng phải làm. Vì có những kiến thức chưa chắc bỏ tiền đã mua được.
NĐT: Còn trẻ mà khởi nghiệp thường bị tác động, ngăn cản bởi gia đình và yếu tố xung quanh, vậy đâu là “ngọn hải đăng” để chúng ta tin mình đi đúng hướng?
Bạn Nguyễn Minh Oanh: Với người trẻ muốn khởi nghiệp bên cạnh sự ủng hộ của gia đình thì cần phải chắc chắn với những gì mình đang làm. Nhiều bạn bị người thân ngăn cản vì họ trông thấy sự mông lung của các bạn. Chúng ta cần phải chắc chắn, nghiêm túc với công việc mình đang làm.
Đặc biệt muốn làm kinh doanh thì càng cần thật sự hiểu về nó nếu không sẽ phải trả giá bằng rất nhiều tiền cho đến khi học được bài học nào đấy.
Đã từng có lúc em mất số tiền lớn do chính mình làm ra chỉ vì mình không hiểu sâu về một vấn đề nào đó. Tuy vậy, cũng không nên chần chừ quá lâu, bởi người lưỡng lự sẽ không làm được việc gì.
NĐT: Theo em, bước đầu tiên của hành trình khởi nghiệp là gì?
Bạn Nguyễn Minh Oanh: Cần có một kế hoạch kinh doanh bài bản, chi tiết và được tư vấn bởi những người có chuyên môn và kinh nghiệm, ngay khi có một kế hoạch ổn thì phải nhanh chóng bắt tay vào thực hiện.
Khi làm sẽ vỡ ra nhiều bài học mà mình không lường trước được và dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra thì đều cần phải đưa ra giải pháp khắc phục vấn đề.
Khi có kế hoạch, lộ trình rõ ràng chúng ta mới tìm được người đồng hành có thể gắn bó và giúp mình lớn mạnh hơn.
Điều quan trọng hơn cả là sự nỗ lực để đạt được những mục tiêu đề ra, luôn luôn có tinh thần học hỏi, không ngủ quên trên chiến thắng, lắng nghe lời khuyên xung quanh là những việc nên làm.
NĐT: Xin cảm ơn chia sẻ của em!
Hoa Trà – Hữu Thắng
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/khoi-nghiep-tuoi-20-co-uoc-mo-chua-du-thanh-cong-a605865.html