Trong những tháng gần đây, Trung Đông đã chứng kiến một loạt các hoạt động ngoại giao, trong đó có việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Syria. Một số quốc gia Ả Rập đã tìm cách đưa đất nước bị chiến tranh tàn phá trở lại, với hy vọng hàn gắn vết thương trong quá khứ và khôi phục sự ổn định trong khu vực.
Các thành viên của Liên đoàn Ả Rập (AL) sẽ nhóm họp vào ngày 7/5 tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê-út để bỏ phiếu về việc khôi phục tư cách thành viên của Syria, Đài CNN đưa tin.
Theo CNN, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Al-Safadi tin tưởng rằng sẽ có đủ số phiếu thuận để đưa Syria trở lại khối Ả Rập, đồng thời nhận định rằng đây “chỉ là điểm khởi đầu” để mang lại một kết thúc chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.
Nếu tư cách thành viên của Damacus được khôi phục, phái đoàn Syria tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập vào ngày 19/5 tới “rất có khả năng” sẽ do Tổng thống Bashar al-Assad dẫn đầu.
Tiếng nói của Mỹ
Ông al-Assad đã bị một số quốc gia Ả Rập tẩy chay và Syria bị khai trừ khỏi Liên đoàn Ả Rập sau các cuộc biểu tình bạo lực dẫn đến hơn một thập kỷ nội chiến.
“Mọi thành viên” trong Liên đoàn Ả Rập đều sẵn sàng chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria, nhưng có sự khác biệt về cách tiếp cận tốt nhất, Ngoại trưởng Jordan Al-Safadi cho biết.
“Việc Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập sẽ mang tính biểu tượng… nhưng cuối cùng để chúng tôi có thể thực sự chấm dứt cuộc khủng hoảng ở đó, chúng tôi cần phải đảm bảo rằng toàn bộ cộng đồng quốc tế sẽ đồng lòng, bởi vì không loại trừ cuối cùng vẫn sẽ xuất hiện các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ, trong khi sẽ rất cần nỗ lực toàn cầu cho công cuộc tái thiết”, ông Al-Safadi bổ sung.
Vấn đề tái hòa nhập Syria đã vấp phải sự phản đối của phương Tây mà đứng đầu là Mỹ. Washington tuyên bố sẽ không bình thường hóa quan hệ với chế độ của Tổng thống al-Assad và cũng không ủng hộ các nước khác bình thường hóa với Damascus, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel.
“Chúng tôi đã nói rõ điều này với các đối tác của mình”, vị phát ngôn viên cho biết trong một cuộc họp báo hôm 3/5. “Mỹ tin rằng một giải pháp chính trị được vạch ra trong Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc xung đột ở Syria”.
Khi được CNN hỏi liệu Jordan có nhận được sự ủng hộ từ Mỹ trong nỗ lực khôi phục quan hệ với Syria hay không, Ngoại trưởng Jordan Al-Safadi trả lời ông tin là như vậy, đồng thời cho biết thêm rằng đất nước ông và các nước Ả Rập khác đang liên tục thảo luận vấn đề với Washington và đang nỗ lực hướng tới một giải pháp phù hợp với nghị quyết của UNSC.
Ngoại trưởng các nước Syria, Ai Cập, Iraq, Ả Rập Xê-út và Jordan đã gặp nhau tại thủ đô Amman của Jordan hôm 1/5 để thảo luận về cách bình thường hóa quan hệ với Syria. Theo một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, Syria đã đồng ý giúp chấm dứt nạn buôn bán ma túy qua biên giới với Iraq và Jordan.
Ông Al-Safadi nói với CNN rằng nhiều bên – bao gồm cả Jordan – đã phải gánh chịu hậu quả do cuộc khủng hoảng ở Syria, và tuyên bố sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giảm thiểu mọi mối đe dọa đối với an ninh của Jordan.
“Chúng tôi không xem nhẹ mối đe dọa buôn lậu ma túy. Nếu chúng tôi không thấy các biện pháp hiệu quả để hạn chế nó, chúng tôi sẽ làm mọi cách – bao gồm cả hành động quân sự bên trong Syria – để loại bỏ mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm này không chỉ ở Jordan, mà còn thông qua Jordan đến các nước vùng Vịnh, các quốc gia Ả Rập khác và thế giới”, ông Al-Safadi cho biết.
Toan tính của Iran
Chuyến thăm của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tới Syria hôm 3/5 là diễn biến chính trị mới nhất trong khu vực Trung Đông.
Syria – quốc gia đang trên đà xây dựng lại bản sắc của mình như một xã hội Ả Rập – trong nhiều năm qua được coi là “sân sau” của Iran và là một phần quan trọng và cốt yếu trong chính sách “chiều sâu chiến lược” của Tehran ở Trung Đông.
Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu, Iran đã là đồng minh chủ chốt của Tổng thống al-Assad, cùng với Nga. Lực lượng dân quân thân Iran đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đụng độ địa phương.
Việc Damacus trở lại Liên đoàn Ả Rập và các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ sẽ dẫn đến hàng tỷ USD chảy vào Syria để tái thiết, đầu tư, và phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến cách Tehran theo đuổi lợi ích kinh tế của mình ở đây. Iran đã chi hàng tỷ USD cho lực lượng dân quân của họ ở Syria, với hy vọng giữ cho ông al-Assad tiếp tục nắm quyền.
Theo ước tính của các chuyên gia và nhà quan sát quốc tế, Syria hiện cần 400 tỷ USD trong 10-15 năm tới để tái thiết đất nước. Tiền có thể đến từ các khoản đầu tư của các nước Ả Rập giàu có, và Iran không dễ gì để vuột mất cơ hội kinh tế này.
Chuyến thăm Syria của Tổng thống Iran cũng là nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo. Hai bên đã ký kết các hợp đồng về thông tin liên lạc, giao thông, tái thiết, dầu khí…
Theo nhà báo người Mỹ gốc Iran Camelia Entekhabifard – Tổng biên tập của tờ Independent Persian, tờ báo quốc tế đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Ba Tư, Tehran biết rằng việc Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập sẽ làm giảm ảnh hưởng chiến lược của họ ở quốc gia này, và đây là lý do tại sao họ đang cố gắng chuẩn bị cơ sở để thay đổi bản chất sự hiện diện của các lực lượng dân quân của mình ở Syria.
“Bước tiếp theo của Tehran có khả năng sẽ là thay thế lực lượng dân quân vũ trang bằng một khái niệm mới: Dân quân kinh tế. Nói cách khác, các lực lượng dân quân có liên kết với chính quyền ở Tehran giờ đây sẽ trở thành các chủ thể kinh tế của Iran ở Syria”, bà Entekhabifard cho biết trong một bài viết đăng trên Asharq Al-Awsat – tờ nhật báo liên Ả Rập hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, việc thực hiện các hợp đồng đã ký giữa Iran và Syria cũng phụ thuộc vào cách các lệnh trừng phạt đối với Syria được dỡ bỏ và cách xung đột giữa phương Tây và Iran về chương trình hạt nhân được giải quyết.
Chừng nào chưa đạt được 2 điểm quan trọng này, tất cả các hợp đồng lớn và quan trọng giữa Tehran và Damascus sẽ chỉ là những thỏa thuận nhỏ nhằm lách lệnh trừng phạt đối với 2 nước, bà Entekhabifard nhận định.
Thế khó của Qatar
Trong khi một số quốc gia Ả Rập hoan nghênh ý tưởng hòa hoãn với Syria, Qatar vẫn kiên quyết phản đối việc bình thường hóa hoàn toàn mà không có giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria. Trong bối cảnh động lực đưa Syria trở lại khối Ả Rập đang tăng tốc, sự phản kháng ngoan cố của Doha có thể khiến quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này bị cô lập.
Qatar tự coi mình là nhà bảo trợ cho phe đối lập ở Syria, hỗ trợ quân sự và tài chính cho các nhóm Hồi giáo chiến đấu chống lại chính phủ Syria trong những năm đầu của cuộc khủng hoảng.
Doha tin rằng việc khôi phục quan hệ với Damascus sẽ gửi thông điệp sai tới người dân Syria và hợp pháp hóa những nỗ lực của chính phủ Syria nhằm giành lại lãnh thổ do phe đối lập nắm giữ bằng vũ lực.
Tuy nhiên, việc Qatar phản đối bình thường hóa quan hệ với Syria đã khiến nước này ngày càng bị cô lập trong thế giới Ả Rập, khi nhiều quốc gia thành viên Liên đoàn Ả Rập đã đưa ra những cử chỉ hòa giải với chính quyền của Tổng thống al-Assad.
Một khi quá trình tái hòa nhập của Syria hoàn tất, Qatar sẽ bị đặt vào một tình thế khó khăn và thậm chí là có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong một vấn đề ngày càng trở nên quan trọng đối với toàn khu vực, theo ông Omar Ahmed, Thạc sĩ An ninh Quốc tế và Quản trị Toàn cầu tại Đại học Birkbeck London (Anh).
Hơn nữa, ông Ahmed cho biết trong một bài viết đăng trên trang Middle East Monitor (Anh), sự hỗ trợ của Qatar dành cho phe đối lập ở Syria dường như đã không đạt được kết quả mong muốn. Thậm chí, phần lãnh thổ mà phe đối lập nắm giữ cũng bị thu hẹp và hỗ trợ quốc tế bị suy giảm sau nhiều năm xung đột.
Bằng cách tiếp tục ủng hộ phe đối lập, Qatar có nguy cơ làm kéo dài cuộc xung đột và gây bất ổn hơn nữa trong khu vực. Trước những thực tế này, ngày càng rõ ràng rằng sự phản đối của Qatar đối với việc bình thường hóa quan hệ với Syria là không bền vững, ông Ahmed lập luận.
Còn theo nhà phân tích địa chính trị Giorgio Cafiero, khi áp lực từ Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập nhằm đưa Syria trở lại khối Ả Rập gia tăng, Doha sẽ cần phải tính đến những rủi ro của việc tiếp tục “cứng đầu”.
Qatar cũng có thể phải đối mặt với áp lực từ Thổ Nhĩ Kỳ – gã khổng lồ khu vực từng đứng cùng chiến tuyến với Qatar nhưng nay đang tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm nối lại quan hệ với Syria. Ankara là bên có tiềm năng nhất trong việc thuyết phục Doha rằng đã đến lúc phải chấp nhận sự tồn tại chính trị của chính quyền al-Assad.
Tóm lại, đã đến lúc Qatar phải đánh giá lại lập trường của mình đối với Syria, nếu không họ sẽ tự đặt mình vào thế bị cô lập.
Minh Đức (Theo CNN, Asharq Al-Awsat, Middle East Monitor)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nhung-khuc-quanh-tren-hanh-trinh-dua-syria-tro-lai-the-gioi-a-rap-a606378.html