Trong căn hộ của mình ở Sham Shui Po, bà Chan, 60 tuổi, đang hâm nóng món canh gà từ bữa ăn trước đó cho cô con gái tuổi teen. Căn nhà trọ của họ chỉ rộng 23m2, còn căn bếp thì chật chội, chất đầy những bao gạo và đồ hộp từ ngân hàng thực phẩm địa phương.
Cô con gái muốn ăn cá hấp cho bữa tối, nhưng khi bà Chan kết thúc ca làm việc của mình, hàng quán đều đã đóng cửa, nên bà không mua được.
“Ước gì tôi là có mức lương cao hơn để sống cuộc sống tốt hơn. Tôi sẽ nấu thêm canh cho con gái mình. Tôi không dám ăn canh vì muốn để dành hết cho con bé”, bà Chan ngậm ngùi chia sẻ.
Sau bốn năm đóng băng, mức lương tối thiểu của Hồng Kông (Trung Quốc) cuối cùng đã tăng 2,5 đô la Hồng Kông (HKD) hôm 1/5 lên 40 HKD mỗi giờ, tăng 6,25% (Mỗi HKD có giá gần 3.000 đồng).
Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập của bà Chan sẽ tăng lên. Tuy nhiên, theo bà Chan, nhưng mức lương mới sẽ không thể tạo ra nhiều khác biệt cho gia đình bà.
“Lương tăng có 20 HKD mỗi ngày và hơn 520 HKD mỗi tháng. Chừng đó còn chẳng đủ trả tiền học thêm cho con gái tôi, khoảng hơn 830.000 đồng/giờ”, theo bà Chan.
Khoảng cách giàu nghèo
Bà Chan sống ở một trong những khu vực nghèo nhất của Hồng Kông, một thành phố có khoảng cách giàu nghèo nghiêm trọng nhất trên trái đất.
Theo dữ liệu tháng 4 từ Cơ quan điều tra và thống kê Hồng Kông, Sham Shui Po có thu nhập hộ gia đình trung bình là 22.280 HKD, trong khi thu nhập trung bình ở Trung Quốc là 28.300 HKD.
Thu nhập của gia đình bà Chan còn chưa đến một nửa số tiền đó, chỉ hơn 10.000 HKD/tháng, do chồng bà đã 65 tuổi, sức khỏe yếu và chỉ làm được công việc lặt vặt.
Theo bà Sze Lai-shan, một thành viên của Hiệp hội tổ chức cộng đồng (SoCO), mức tăng lương tối thiểu như vậy là không đủ.
“Hầu hết những người chúng tôi làm việc cùng đều gặp vấn đề tương tự. Họ phải chi rất nhiều tiền thuê nhà, chi phí học hành cho con cái và chi phí sinh hoạt hàng ngày ngày càng tăng. Họ tranh thủ mua đồ ăn vào chiều tối để được giá rẻ hơn vì đồ ăn không còn tươi nữa, hoặc xếp hàng để được ăn uống miễn phí”, bà Sze cho biết.
Đại dịch đã tàn phá ngành thực phẩm, đồ uống, khách sạn và du lịch Hồng Kông trong những năm gần đây do đại dịch Covid-19.
Theo một nghiên cứu của tổ chức từ thiện Oxfam công bố vào tháng 10/2022, đại dịch cũng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo vốn đã nghiêm trọng. Thu nhập của những hộ gia đình giàu nhất ở đây hiện cao gấp 47 lần so với những hộ nghèo nhất.
Chi phí thực phẩm ở Hồng Kông đã tăng hơn 7% từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2022, theo bà Wong Shek-hung, giám đốc chương trình Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan (Trung Quốc) của Oxfam. Do đó, những người sống ở mức lương tối thiểu phải sống rất tằn tiện, thậm chí không có tiền để ăn uống đủ chất, bà Wong cho biết.
Phản ứng trái chiều
Mức lương tối thiểu lần đầu tiên được ấn định ở Hồng Koong vào năm 2011. Thông thường, mức lương này được rà soát lại 2 năm/lần. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, quy trình này bị hoãn lại từ năm 2021, đẩy những người thu nhập thấp vào tình thế bấp bênh.
Sau 4 năm chờ đợi, người dân Hồng Kông, đặc biệt là những người hoạt động cộng đồng, đã khá “sốc” và phản ứng gay gắt với mức lương mới.
“Chúng tôi nghĩ rằng mức tăng này là không thể chấp nhận được. Nó không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản ở Hồng Kông, nơi luôn được xếp hạng là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới”, bà Wong chia sẻ.
Năm 2022, Hồng Kông và Los Angeles cùng đứng vị trí thứ tư trong Chỉ số chi phí sinh hoạt toàn cầu do Economist Intelligence Unit công bố, chỉ đứng sau New York, Singapore và Tel Aviv (Israel).
Oxfam cho biết, mức lương mới vẫn thấp hơn mức mà một gia đình 2 người sẽ nhận được thông qua chương trình an sinh xã hội của thành phố, do đó sẽ khiến nhiều người lao động không có động lực làm việc.
Tổ chức này đã đề nghị chính quyền thành phố tăng mức lương tối thiểu lên ít nhất 45,4 HKD/giờ, bởi mức tăng mới “chẳng thấm vào đâu”.
SoCO cũng đề xuất mức lương tối thiểu cao hơn, ít nhất là 53,4 HKD/giờ, và cho rằng thành phố nên học theo các quốc gia khác trong việc đặt mức lương tối thiểu ở mức 1/2 đến 2/3 mức lương trung bình, đồng thời nên xem xét lại mức lương đó mỗi năm một lần.
Trong khi các nhân viên xã hội đề xuất tăng mức lương tối thiểu, một số nhà lập pháp nổi tiếng cho rằng khái niệm này nên được loại bỏ hoàn toàn.
“Mức lương tối thiểu chỉ đẩy mọi thứ lên mà không giúp ích được gì cả. Nhân viên nên được tăng lương khi sản lượng của họ tăng lên, chứ không phải khi họ ngồi không, không làm gì cả”, nhà lập pháp Tommy Cheung Yu-yan đề xuất.
Cuộc tham vấn giai đoạn đầu về tăng cường cơ chế đánh giá mức lương tối thiểu do Ủy ban tiền lương tối thiểu Hồng Kông đưa ra đã kết thúc cuối tháng 4, và báo cáo của họ sẽ được công bố vào tháng 10. Hy vọng rằng, kết quả cuối cùng sẽ giúp ích cho những người như bà Chan và gia đình của bà.
Nguyễn Tuyết (Theo Al Jazeera, CNN)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cu-soc-voi-nguoi-hong-kong-luong-toi-thieu-tang-7000-dong-sau-4-nam-a606046.html