noel giáng sinh vui vẻ
Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiPháp luậtNhận định của chuyên gia pháp lý về vụ án Giám đốc...

    Nhận định của chuyên gia pháp lý về vụ án Giám đốc TTGDTX bị xử 5 năm tù

    Theo chuyên gia giáo dục và Luật sư, trong sự việc này cần phải xem lại vụ án và xem xét nguyên nhân dẫn đến sai phạm ở đâu?

    Cần xem xét lại vụ án

    Vụ án bà Lê Thị Dung – Nguyên giám đốc Trung tâm GDTX Hưng Nguyên, Nghệ An bị kết án 5 năm tù với cáo buộc nhiều lần thanh toán trái quy định, chiếm đoạt gần 45 triệu đồng, đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều từ dư luận.

    Trao đổi với Người Đưa Tin về sự việc, TS Hoàng Ngọc Vinh – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng sự việc này tạo ra một sự bất bình rất lớn trong dư luận xã hội.

    Vụ việc này bắt đầu từ khi Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An phân công điều chuyển công tác sai, tuyển dụng một giáo viên hợp đồng môn Ngữ văn vào biên chế và sau đó đến làm việc tại Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên.

    Việc này thực hiện không đúng quy trình, không có chỉ tiêu biên chế được phê duyệt, không thông qua hội đồng xét tuyển, phân công về cơ sở không có nhu cầu và hàng loạt vi phạm khác.

    Tuy nhiên, chuyện này đã làm dẫn đến bà Lê Thị Dung thường xuyên bị tố cáo và bị kỷ luật và phải “gánh” hậu quả từ việc tuyển dụng của Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An. Theo ông Vinh cơ quan nào làm sai thì phải được xử lý theo đúng trách nhiệm.

    Hồ sơ điều tra - Nhận định của chuyên gia pháp lý về vụ án Giám đốc TTGDTX bị xử 5 năm tù

    TS Hoàng Ngọc Vinh – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    “Cũng phải tính đến tình tiết Hưng Nguyên (Nghệ An) cũng là địa phương vùng sâu vùng xa, một giáo viên vi phạm với mức chiếm đoạt là 45 triệu đồng so với các vụ án tham nhũng khác số tiền hàng chục tỷ đồng mức án cũng chỉ vài ba năm, việc xử lý không phù hợp sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong hệ thống tư pháp, gây dư luận không tốt”, ông Vinh cho hay.

    Dưới quan điểm cá nhân, ông Vinh cũng đặt câu hỏi thắc mắc “Tại sao những cán bộ, lãnh đạo tham nhũng hàng nhiều tỷ đồng thì chỉ xử nhẹ, hoặc tha bổng… mà vụ việc này chiếm đoạt 45 triệu đồng mà bị phạt đến 5 năm tù?”.

    Theo ông Vinh, cần phải xem lại vụ án và xem xét nguyên nhân dẫn đến sai phạm ở đâu? Sai ở mức nào và cần xét tương đồng với các vụ án khác.

    “Thêm nữa, đối với giáo viên ở vùng sâu, vùng xa thì phải có đánh giá những đóng góp của họ”, TS Hoàng Ngọc Vinh bày tỏ và cho rằng phía Bộ GD&ĐT bảo vệ nhà giáo trên cơ sở của luật pháp.

    Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

    Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, Khoản 1, Điều 356 Bộ Luật hình sự quy định tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

    Khoản 2, Điều 356 phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

    “Nếu tòa tuyên khoản 2 thì là mức thấp của khung. Tuy nhiên, ở đây cần xem quy chế nội bộ gửi cho Phòng Tài chính và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi có gì sai hay không? Tại sao Kho bạc Nhà nước huyện lại duyệt chi?

    Bởi, chi được tiền này thì phải có đồng phạm, lập hồ sơ và có người duyệt chi, người duyệt thì phải là đồng phạm. Nếu thế thì vụ án này còn có thêm các đồng phạm. Chứ một mình Nguyên giám đốc Trung tâm GDTX Hưng Nguyên nhận tiền thì không đúng, không thể một mình chi tiền được. Tòa xử như vậy là không đúng, bỏ lọt tội phạm”, LS. Vinh nhấn mạnh.

    Hồ sơ điều tra - Nhận định của chuyên gia pháp lý về vụ án Giám đốc TTGDTX bị xử 5 năm tù (Hình 2).

    LS Vinh đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An phải xem xét để kháng nghị bản án, hủy bản án xét xử lại.

    Theo LS. Vinh nếu quy tội danh thì phải có đủ thành phần và phải có đồng phạm mới chi được tiền ngân sách Nhà nước, còn nếu không có đồng phạm thì không thể chi được.

    “Tôi đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An phải xem xét để kháng nghị bản án, hủy bản án xét xử lại. Nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý hành chính và trả lại tiền cho ngân sách Nhà nước nếu quy chế nội bộ đó sai. Đồng thời, phải có kết luận của UBND và Phòng Tài chính của huyện”, LS Vinh cho biết thêm.

    Trước đó, như Người Đưa Tin đã đưa, vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã kết thúc phiên xử sơ thẩm, tuyên án 5 năm tù đối với bà Lê Thị Dung – nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

    Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên, từ ngày 1/10/2012 đến năm 2017, bà Dung là Bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên), đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền gần 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp. Việc này gây thiệt hại cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.

    Đại diện Bộ GD&ĐT ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết lãnh đạo Bộ GD&ĐT rất quan tâm tới vụ việc này, đã trao đổi trực tiếp với Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, bày tỏ mong muốn các cơ quan pháp luật của tỉnh xem xét vụ án một cách toàn diện, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai; đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân nói chung, của nhà giáo nói riêng. Đồng thời, thể hiện tính nhân văn của hệ thống pháp chế xã hội chủ nghĩa.

    Cùng với đó, để tránh những sự việc vi phạm đáng tiếc xảy ra ông Đức bày tỏ rằng cán bộ quản lý giáo dục phải không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực quản trị, kỹ năng quản lý nhà trường; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để không xảy ra các vi phạm.

    Xem thêm: Giám đốc TTGDNN bị xử 5 năm tù: Bộ GD&ĐT mong muốn “không để xảy ra oan, sai”

    Hoàng Bích – Hoa Trà

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU