48 năm trôi qua, những kỷ vật vô giá của ngày Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 vẫn còn sống mãi với thời gian và dường như vẫn còn lưu lại không khí hào hùng của ngày đại thắng.
Chiến thắng vào ngày 30/4/1975 đánh dấu mốc son vàng chói lọi trong lịch sử, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta. Quân và dân ta đã đánh thắng đế quốc mạnh và chính quyền tay sai ở miền Nam, giành lại độc lập, chủ quyền và kết thúc cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất Bắc- Nam một nhà.
Những kỷ vật “kể chuyện” về ngày 30/4/1975 đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam (28B Điện Biên Phủ, Hà Nội). Đây là những hiện vật vô giá, tái hiện truyền thống quyết chiến, quyết thắng của quân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.
Chiếc xe tăng mang số hiệu 843
Ngày 30/4/1975, 2 chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 390 (do Trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy) và T54B mang số hiệu 843 (do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy) đã cùng nhau tiến thẳng vào Dinh Độc lập và lần lượt húc đổ cổng chính (hướng chính diện) và một cổng phụ, tiến vào cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh. Cả hai chiếc xe tăng này đều được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam. Trong đó, chiếc xe tăng T-54B số hiệu 843 đang được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (28B Điện Biên Phủ, Hà Nội). Còn chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 390 đang được trưng bày ở bảo tàng Tăng thiết giáp (108 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội).
Xe tăng số hiệu 843 được biên chế vào Đại đội 4 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 từ tháng 5-1974). Nằm trong đội hình chiến đấu, xe tăng 843 đã hành quân tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn sau khi vượt gần 1000km với phương châm “thần tốc quyết thắng”.
Kíp xe tăng T54B mang số hiệu 843 khi đó gồm các đồng chí: Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 kiêm trưởng xe; Hạ sĩ Lữ Văn Hỏa, lái xe; Trung sĩ Thái Bá Minh, pháo thủ số 1 và Hạ sĩ Nguyễn Văn Kỷ, pháo thủ số 2.
Bức điện với nội dung “thần tốc, thần tốc hơn nữa…” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngày 7/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký bức điện khẩn với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.”Bức điện do tự tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ký tên được Ban Cơ yếu lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam.
Mệnh lệnh đã truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Và cả dân tộc đã ra quân với khí thế ấy.
Mệnh lệnh lịch sử này đã góp phần quan trọng tạo nên tính lịch sử cho chiến dịch quân sự lớn nhất của Quân đội nhân dân việt Nam.
Chiếc xe Jeep đưa Dương Văn Minh sang Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng
Xe Jeep số 15770 của Lữ đoàn dù Nguỵ Sài Gòn do Trung đoàn 66, sư đoàn 304 thu tại sân bay Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại uý Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 cùng đồng đội đã sử dụng chiếc xe này tiến vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975 và đưa Đại tướng, Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ Dương Văn Minh sang Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta (1954-1975).
Bút tích lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện của Dương Văn Minh
Bút tích lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh đang được lưu trữ trong gian trưng bày các hiện vật liên quan đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Toàn văn lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện của Dương Văn Minh: “Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ Trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam“.
Nhắc đến những kỷ vật vô giá của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, không thể bỏ qua chiếc mũ cứng của Đại úy Phạm Xuân Thệ, chiếc dao găm của đồng chí Trần Đức Tình thuộc Sư đoàn 304 dùng cắt dây cờ Quân đội Việt Nam Cộng hoà để đồng đội treo cờ cách mạng lên dinh Độc Lập đúng ngày 30/4/1975. Hay cũng phải nhắc đến khẩu súng ngắn của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh. Đây là khẩu súng ngắn Browning do Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) thu của Dương Văn Minh vào trưa 30/4/1975.
Những kỷ vật “kể chuyện” ngày 30/4/1975, như một thông điệp để thế hệ hôm nay hiểu thêm về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, hiểu về khoảnh khắc lịch sử của dân tộc, để trân trọng và giữ gìn nền hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Hoàng Yên (T/h)
* Bài viết sử dụng tư liệu của báo Quân đội Nhân dân Việt Nam và các tư liệu lịch sử khác
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nhung-ky-vat-ke-chuyen-ngay-thong-nhat-non-song-a605192.html