Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với 5 quốc gia ở Trung Á – nơi Moscow có ảnh hưởng đáng kể – để thúc đẩy sự đồng thuận trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Bình luận của ông Tần được đưa ra một ngày sau cuộc điện đàm được chờ đợi từ lâu giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Cuộc điện đàm cấp cao hôm 26/4 đã được hoan nghênh ở Washington và một số nước châu Âu như một nỗ lực ngoại giao nhằm giúp giải quyết cuộc xung đột có tâm điểm ở cựu lục địa nhưng có tác động lan tỏa toàn cầu.
“Xây cầu thay vì xây tường”
Ông Tần Cương cho biết, các Ngoại trưởng của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan đều đánh giá cao cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa hai nhà lãnh đạo, và tin rằng nó sẽ giúp ích cho việc sớm đạt được một lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình, theo Bộ ngoại giao Trung Quốc.
Cả 5 quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu trong các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Theo Bộ ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Tần và những người đồng cấp Trung Á đều lo ngại về tình hình hiện tại và các xung đột địa chính trị, đồng thời nhấn mạnh rằng nên “xây cầu thay vì xây tường” – một phép ẩn dụ về việc tăng cường đối thoại thay vì cô lập một bên nào đó.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và các nước Trung Á hôm 27/4 đã hội đàm tại Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á (C+C5) sẽ diễn ra vào ngày 18-19/5 tới.
“Trung Quốc và các nước Trung Á có chung quan điểm và lập trường về cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, ông Tần nói, bổ sung thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với tất cả các bên, bao gồm cả Trung Á, để xây dựng sự đồng thuận và thúc đẩy một giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Zelensky diễn ra hôm 26/4 – 14 tháng sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở nước láng giềng Đông Âu.
Sau khi Trung Quốc công bố đề xuất kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm vào tháng 2, trong cuộc điện đàm hôm 26/4, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ cử một đại diện đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu đến Ukraine và các nước khác để tiến hành trao đổi sâu sắc với tất cả các bên về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.
Bắc Kinh đã bị Mỹ và các nước phương Tây khác chỉ trích vì từ chối lên án chiến dịch của Nga và mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Moscow.
Trong chuyến thăm hồi đầu tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc giúp chấm dứt cuộc chiến.
Đề cập đến cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Zelensky, người phát ngôn viên của bà von der Leyen cho biết, cuộc điện đàm là “bước đầu tiên quan trọng, đáng ra phải làm từ lâu của Trung Quốc” trong việc thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC).
Nhưng căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây vẫn còn, khiến Bắc Kinh tăng cường quan hệ với các đối tác khu vực – đặc biệt là những nước đã tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) – để lấp đầy khoảng trống kinh tế mà Nga để lại sau làn sóng trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây.
Lấp đầy khoảng trống
“Trung Á trong lịch sử đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối Trung Quốc và châu Âu”, ông Vladimir Norov, cựu Ngoại trưởng Uzbekistan, nói với SCMP, đồng thời cho biết thêm rằng việc châu Âu áp đặt các hạn chế đối với dòng chảy hàng hóa sang Nga “tạo ra một số động lực cho Trung Á”.
Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến thăm Kazakhstan và Uzbekistan và cam kết tập trung vào việc giúp những nước này đạt được sự cân bằng trong mối quan hệ với nhau và với thế giới bên ngoài.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng công bố nguồn tài trợ mới để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho khu vực trong bối cảnh họ đã phải hứng chịu “tác động lan tỏa” từ cuộc chiến ở Ukraine, theo Reuters.
Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng của các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan hôm 27/4, ông Tần cho biết Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác với Trung Á để biến nơi đây thành “vùng đất của sự hợp tác cùng có lợi” thay vì “chiến trường của các cuộc tranh giành địa chính trị”.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các Ngoại trưởng của Trung Á cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với “tầm nhìn và chủ trương toàn cầu” của Trung Quốc và “lập trường hợp pháp về các vấn đề Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng” cũng như phản đối “chính trị hóa nhân quyền”, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ngoại trưởng Tần Cương cho biết, Trung Quốc và các nước Trung Á chia sẻ “lập trường giống nhau hoặc tương tự” về các vấn đề lớn của toàn cầu và khu vực và sẽ cùng nhau bảo vệ trật tự quốc tế.
Ông Tần cho biết, Bắc Kinh phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực và sẽ “không bao giờ cho phép bất kỳ ai hoặc lực lượng nào tạo ra hỗn loạn và bất ổn ở Trung Á”, theo ThePaper.cn.
Trung Quốc là nguồn đầu tư nước ngoài chính cho Trung Á và là đối tác thương mại lớn nhất của khu vực, với tổng thương mại tăng vọt từ 460 triệu USD năm 1992 lên 38,6 tỷ USD vào năm 2020, theo số liệu chính thức từ Bắc Kinh.
Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác trong khu vực Trung Á trong các lĩnh vực như năng lượng, liên kết giao thông, cơ sở hạ tầng, bảo mật dữ liệu, sản xuất vắc-xin cũng như chống khủng bố, an ninh và viện trợ nhân đạo ở nước láng giềng Afghanistan.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á (C+C5) vào tháng tới, Trung Quốc đang chuẩn bị “những món quà hào phóng” cho các nước trong khu vực, bao gồm một thỏa thuận miễn thị thực song phương đang được chuẩn bị để ký kết với Kazakhstan, trong khi các nước Trung Á khác đang thảo luận về các dự án giao thông và hậu cần để tiếp cận cảng biển Liên Vân Cảng của Trung Quốc trên biển Hoàng Hải.
Minh Đức (Theo SCMP, CGTN, Silk Road Briefing)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/xung-dot-nga-ukraine-va-cach-trung-quoc-lap-day-khoang-trong-o-trung-a-a605443.html