Đưa xoài vào hệ thống phân phối, đã có tính hiệu rất tích cực
Sáng 24/4 trao đổi với Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết sau 2 ngày đưa xoài vào hệ thống phân phối, đã có tính hiệu rất tích cực.
“Hiện nay, khách hàng đến các siêu thị mua xoài Đồng Tháp rất đông. Đó là nhờ chính sách của các nhà phân phối, chất lượng xoài ngon và nhiều yếu tố khác nữa. Chúng tôi chuẩn bị 25 tấn xoài cho “Tuần hàng Xoài Đồng Tháp”; tuy nhiên, số lượng này chắc không đáp ứng đủ. Điều này đã cho thấy tín hiệu vui, một hướng mới để chúng tôi nâng cao vị thế xoài Đồng Tháp”, ông Dũng nhấn mạnh.
“Tuần hàng Xoài Đồng Tháp” diễn ra từ ngày 22/4. Trong những ngày này tại các siêu thị được trưng bày các loại xoài, như: cát chu; chu vàng; Hòa Lộc; da xanh giống Đài Loan…Hiện các loại xoài này cũng được đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại của SAIGON CO.OP, Tập Đoàn Central Retail tại Việt Nam, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh.
“Tuần hàng xoài Đồng Tháp” là hoạt động mở màn cho “Lễ hội xoài Đồng Tháp 2023” (diễn ra từ 28/4 đến 1/5), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất tại địa bàn để quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm xoài đến người tiêu dùng; mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước.
Thông tin trên Lao Động, tại siêu thị hệ thống siêu thị MM Mega Market xoài Cát Chu có giá 20.000 đồng/kg, xoài Hoà Lộc 40.000 đồng/kg, xoài keo vàng An Giang 23.000 đồng/kg. Tại hệ thống Co.op Food giá xoài Hoà Lộc 37.500 đồng/kg, xoài Cát Chu da vàng 22.500 đồng/kg, xoài xanh giống Thái 38.900 đồng/kg…
Nâng tầm vị thế để quả xoài đi xa
Vào năm 2013, sản phẩm xoài đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh”. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài. Năm 2019, lần đầu tiên, trái xoài Đồng Tháp – Trái Xoài Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau hơn 10 năm trao đổi kỹ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật của cơ quan kiểm dịch Việt Nam – Mỹ. Đầu năm nay, lô xoài Cát Chu đầu tiên của Đồng Tháp được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, đánh dấu bước tiến để trái xoài Đồng Tháp vươn ra thị trường thế giới.
Theo VTV, Thời gian gần đây xoài trở thành 1 trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhờ có vùng nguyên liệu lớn. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 ngàn hecta xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD. Tuy nhiên, trái xoài cũng thường xuyên biến động về giá bán.
Đồng Tháp là một trong những địa phương có diện tích trồng xoài khá lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tình cảnh được mùa, mất giá vẫn thường xuyên diễn ra. Để có thêm cơ hội, kết nối tìm đầu ra, Đồng Tháp chuẩn bị tổ chức Lễ hội Xoài năm 2023 vào cuối tháng 4 này, với chủ đề “Xoài Đồng Tháp – Nâng tầm vị thế”.
Quảng bá, kết nối tiêu thụ xoài của Đồng Tháp cũng khá thu hút, đặc biệt là ngay kỳ nghỉ lễ dài tới, tuy nhiên vẫn chưa đủ để có thể tiêu thụ hết sản lượng có thể lên đến 140.000 tấn mỗi năm. Lời giải tiếp theo là rải vụ, chế biến sâu.
Thời gian trước, khi giá xoài xuống thấp, chuyện tiêu thụ là điều cực kỳ khó khăn. Còn hiện nay, khi các doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư công nghệ, máy móc vào khâu chế biến, tất cả đã được giải quyết. Mỗi ngày doanh nghiệp giúp bà con tiêu thụ đến 4 tấn xoài tươi.
“Cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về mua sắm thiết bị, máy móc tiên tiến hoặc làm cầu nối để doanh nghiệp chúng tôi kết hợp được với vùng trồng”, ông Huỳnh Thanh Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp, cho hay.
“Đến nay đã có 4 nhà máy và bắt đầu đưa vào khởi động 2 nhà máy, bên cạnh đó 4 doanh nghiệp khởi nghiệp đã chế biến sản phẩm rau củ quả, trong có xoài để xuất khẩu vào những thị trường Đông Âu, Mỹ, Nhật Bản…”, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thông tin.
Nhờ công nghệ và máy móc, trái xoài Đồng Tháp đã được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như: sấy dẻo, sấy khô, cắt hạt lựu, cắt má cắm que, kem, hay phân khúc cao hơn là nước ép, mứt phục vụ cho các nhà hàng lớn và xuất khẩu. Hay đơn giản, công nghệ khí trơ có thể giúp giữ trái lâu hơn.
“Cấp đông có thể bảo quản được 6 tháng đến 1 năm, để mình vượt qua hàng rào vận chuyển. Thứ hai là sử dụng trái mùa”, ông Huỳnh Hữu Lộc, Giám đốc Công ty Xoài Hòa Lộc RR, cho biết.
Cùng với đó, quy hoạch vùng trồng, sản lượng, phân chia phân khúc cho từng thị trường.
“Thứ nhất, chúng ta vận chuyển bằng đường tươi, bán giá trị cao. Loại thứ hai là chúng ta có thể tiêu thụ nội địa. Loại thứ ba là đưa vào chế biến”, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay.
Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 sẽ ứng dụng đồng bộ công nghệ sau thu hoạch vào ngành hàng xoài, trong đó chú trọng các khâu như vận chuyển, rửa, đóng gói, tăng chất lượng trái, giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 20% và thời gian bảo quản có thể kéo dài đến 2 tháng.
Ngành Nông nghiệp phát triển bứt phá, bền vững hơn trong năm 2023
Trước đó, Thủ tướng đề nghị tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2023 phải cao hơn năm 2022. Theo đó, Thủ tướng giao chỉ tiêu tăng trưởng Nông nghiệp năm 2023 đạt 3,5%. Bên cạnh đó, tỉ lệ che phủ rừng phấn đấu đạt cao hơn, tỉ lệ xã đạt nông thôn mới đạt 80%, đồng thời, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt ít nhất 55 tỷ USD,
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương triển khai Nghị định 105/2022/NĐ-CP, sắp xếp lại 4 tổng cục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn, tham gia xây dựng các Luật,… Đồng thời, thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, ứng dụng khoa học công nghệ vào chương trình OCOP; đẩy mạnh triển khai cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là về giống; làm tốt công tác dự báo, cung – cầu, thị trường,
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/kich-cau-tieu-thu-xoai-dong-thap-nang-tam-vi-the-de-qua-xoai-di-xa-a604620.html