Ngày 21/4, Viện Quản trị Chính sách đã công bố “Kết quả báo cáo đánh giá tác động Thuế suất tối thiểu toàn cầu và chủ trương, chính sách Việt Nam chủ động tham gia thoả thuận Thuế suất”.
Theo thống kê, hiện có 1.100 doanh nghiệp là công ty con của các Tập đoàn MNEs có doanh thu hơn 750 triệu euro trên toàn cầu, thuộc phạm vi GMT. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 70 doanh nghiệp có lợi nhuận.
Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông tại Việt Nam là 20%, đây là con số cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Thế nhưng, Việt Nam đang ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt khi các doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức 5%, 10% lên đến 15 năm; thời gian miễn, giảm thuế có thời hạn.
Theo bà Nguyễn Thy Nga – Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển, mức thuế suất hiệu quả tại Việt Nam của các công ty con có thể thấp hơn mức thuế ưu đãi nêu trên. Bà Nga đánh giá, thuế thu nhập doanh nghiệp không phải động lực hàng đầu của các doanh nghiệp FDI.
Hiện các quốc gia đang cạnh tranh với nhau trong việc thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư đa quốc gia bằng cách đưa ra các ưu đãi về thuế. Điều này đã tạo nên “cuộc đua xuống đáy” về thuế khi các quốc gia ngày càng cắt giảm thuế nhiều hơn, tạo nên gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp địa phương.
Thực tế, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%. Thuế suất doanh nghiệp thường được coi là một biến trong mô hình FDI đa biến. Phần lớn các trường hợp, tác động của việc giảm phần trăm thuế doanh nghiệp được dự đoán sẽ dẫn đến mức tăng FDI ước tính.
Các động lực FDI quan trọng khác như quy mô thị trường, nhân công, sự ổn định, môi trường kinh doanh đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các quyết định giúp các nước duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Bà Nga nhấn mạnh “ưu đãi thuế thậm chí đã tạo ra môi trường đầu tư không công bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Do đó, thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% có tác dụng chấm dứt tình trạng này.
Trong ngắn hạn, vị Viện trưởng này đề nghị Việt Nam cần tham khảo ý kiến tư vấn của OECD và các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài lớn. Bên cạnh đó, cần xây dựng đề án về thuế suất tối thiểu toàn cầu trong quý III/2023.
Trong dài hạn, vị Viện trưởng này cho rằng hệ thống thuế cùng với các ưu đãi thuế cần được xem xét cải cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.
Việc ban hành chính sách hoặc cơ chế mới cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp và không vi phạm các cam kết quốc tế Việt Nam đang tham gia.
Cùng với đó, Việt Nam cần tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp FDI bổ sung thuế tại Việt Nam. Điều này nhằm nâng cao năng lực dự báo và phòng ngừa các khủng hoảng chính sách có thể xuất hiện khi thay đổi về thuế. Phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, hệ thống pháp lý.
Đồng thời, tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về thuế suất tối thiểu toàn cầu nên đẩy nhanh đánh giá tác động và nghiên cứu; xây dựng khung pháp lý nội luật liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/uu-dai-cho-khoi-fdi-se-mat-tac-dung-voi-thue-toi-thieu-toan-cau-a604185.html