Hàn Quốc là một trong số các quốc gia châu Á – bao gồm cả Nhật Bản và Trung Quốc – đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số do tỉ lệ sinh giảm và dân số già.
Năm 2022, chỉ có 249.000 em bé được sinh ra ở Hàn Quốc, giảm 4,4% so với năm 2021. Tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc trong năm này cũng giảm xuống 0,78, mức thấp nhất kể từ năm 1970, khiến quốc gia này trở thành nơi duy nhất trên thế giới có tỉ lệ sinh dưới 1.
Ngoài ra, lực lượng lao động của Hàn Quốc cũng đang bị thu hẹp, làm dấy lên lo ngại sẽ không có đủ nhân lực trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tại nhà để hỗ trợ lượng người già đang ngày càng tăng lên.
Tất cả những vấn đề này đều ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Hàn Quốc, nhưng mọi việc chưa dừng ở đó. Quốc gia này còn phải giải quyết nhiều vấn đề khác liên quan đến dân số, cả ở người trẻ và ở người già.
Sống tách biệt cộng đồng
Theo bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, hiện có tới 338.000 người dân Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19 đến 39 đang sống tách biệt với xã hội, chiếm khoảng 3,1% dân số nước này. 40% trong số này bắt đầu sống ẩn dật khi còn là thanh thiếu niên.
Một thanh niên cho biết, người này mắc chứng trầm cảm do bạo lực gia đình. “Năm 15 tuổi, bạo lực gia đình khiến tôi chán nản đến mức bắt đầu thu mình lại. Tôi bắt đầu thờ ơ với thế giới xung quanh và dành phần lớn thời gian để ngủ. Tôi chỉ ra khỏi giường để tìm cái ăn, sau đó lại ngủ tiếp”.
Còn theo một người khác, họ bắt đầu sống ẩn dật sau khi gia đình bị phá sản.
Tình trạng mà những người này gặp phải được gọi là “hikikomori”, một thuật ngữ tiếng Nhật có nghĩa là “lùi lại”. Nguyên nhân của hikikomori được cho là khó khăn về tài chính, bệnh tâm thần, các vấn đề trong gia đình hoặc các vấn đề về sức khỏe.
Để giúp những người này giải quyết vượt qua những khó khăn của bản thân và tái hòa nhập cộng đồng, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ cung cấp tới 650.000 won (khoảng 11,7 triệu đồng) mỗi tháng.
Khoản trợ cấp hàng tháng sẽ dành cho những thanh thiếu niên cô đơn ẩn dật từ 9 đến 24 tuổi sống trong các hộ gia đình có thu nhập dưới mức thu nhập trung bình của quốc gia (khoảng 5,4 triệu won mỗi tháng với gia đình 4 thành viên), theo Viện Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc.
Những người này có thể trực tiếp đăng ký tham gia chương trình tại trung tâm phúc lợi hành chính địa phương hoặc nhờ người giám hộ, cố vấn hoặc giáo viên nộp đơn giúp họ.
Ngoài những hỗ trợ về giáo dục, việc làm và sức khỏe, quốc gia này còn chi tiền để giúp những người bị ảnh hưởng thay đổi ngoại hình, chẳng hạn như xóa những vết sẹo khiến họ cảm thấy xấu hổ, cung cấp đồ dùng học tập và phòng tập thể dục cho họ.
Trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ tiếp tục hướng dẫn cho chính quyền địa phương tăng cường mạng lưới an sinh xã hội cho thanh niên và hệ thống phát hiện sớm những trường hợp có biểu hiện xa lánh xã hội, đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ sở phúc lợi cho thanh niên như nhà tạm trú hoặc trung tâm phục hồi chức năng để hỗ trợ cho những người này.
Qua đời trong nghèo khó
Trong khi những người trẻ Hàn Quốc tự động tách mình ra khỏi đời sống cộng đồng, nhiều người lớn tuổi ở quốc gia này lại phải sống trong cô quạnh.
Mỗi năm, có hàng nghìn người trung niên và cao niên ở quốc gia này lặng lẽ từ giã cõi đời không một ai bên cạnh, và chỉ được phát hiện nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần sau đó.
Những trường hợp này được gọi là “godoksa” hay “những cái chết cô độc”, một hiện tượng phổ biến mà chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng giải quyết trong nhiều năm, khi dân số già đi nhanh chóng.
Theo một báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, quốc gia này ghi nhận 3.378 ca tử vong như vậy trong năm 2021, tăng từ 2.412 ca vào năm 2017. Trong số này, có tới 60% ở độ tuổi 50 và 60. Số người ở độ tuổi 40 và 70 cũng cao, còn số người ở độ tuổi 20-30 chỉ chiếm 6-8%.
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm phúc lợi Seoul Song In-joo cho rằng chất lượng cuộc sống của những người trung niên và cao tuổi Hàn Quốc giảm đi nhanh chóng sau khi họ bị mất việc và không có chỗ ở, và đây là nguyên nhân chính khiến họ qua đời.
“Những người này thường gặp các vấn đề về sức khỏe, khó khăn về kinh tế, mất kết nối với cộng đồng, cũng như những khó khăn trong việc quản lý cuộc sống hàng ngày”, ông Song viết.
Rất nhiều người trong số này sống trong những không gian chật chội, tồi tàn, chẳng hạn như các căn hộ nhỏ nơi cư dân dùng chung các tiện nghi, hay các căn hộ ở bán ngầm với một phần chìm dưới lòng đất. Những cấu trúc nhà ở này bị coi là khu ổ chuột, và những người sống ở đây cũng bị kỳ thị.
Mối quan tâm ngày càng tăng của công chúng về những cái chết cô độc đã thúc đẩy nhiều sáng kiến cấp khu vực và quốc gia tại Hàn Quốc trong những năm qua.
Năm 2018, chính quyền Seoul đã công bố chương trình “Quan sát khu phố”, trong đó các bệnh viện, chủ nhà và nhân viên cửa hàng tiện lợi đóng vai trò là người giám sát, thông báo cho các nhân viên cộng đồng nếu họ không gặp các bệnh nhân hoặc khách hàng thường xuyên trong một thời gian dài, hoặc khi tiền thuê nhà và các khoản phí khác không được thanh toán.
Một số thành phố như Seoul, Ulsan và Jeonju, đã triển khai ứng dụng di động dành cho những người sống một mình. Ứng dụng này sẽ tự động gửi tin nhắn đến đường dây nóng nếu điện thoại của họ không hoạt động trong một khoảng thời gian.
Ngoài ra, năm 2021, Hàn Quốc cũng thông qua Đạo luật nhằm quản lý và ngăn chặn những cái chết cô độc, trong đó chính quyền các địa phương được yêu cầu đưa ra chính sách để xác định và hỗ trợ cư dân gặp rủi ro. Những địa phương này vẫn đang vạch ra những kế hoạch phòng ngừa toàn diện cho vấn đề này.
Nguyễn Tuyết (Theo CNN, The Guardian, Bloomberg)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nhung-cai-chet-co-doc-tai-xu-so-kim-chi-a603238.html