noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môPhó Chủ tịch Bắc Ninh lý giải về kết quả “đội sổ”...

    Phó Chủ tịch Bắc Ninh lý giải về kết quả “đội sổ” tăng trưởng quý I/2023

    Phó Chủ tịch Vương Quốc Tuấn cho biết, Bắc Ninh chấp nhận kết quả tăng trưởng âm quý I/2023 nhưng không có nghĩa là tỉnh không có biện pháp gì để khắc phục.

    Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.

    Trong đó, nhiều địa phương ghi nhận tốc độ tăng GRDP cao hơn tốc độ tăng GDP. Chẳng hạn, Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%; Cà Mau tăng 9,05%…

    Ở chiều ngược lại, một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng GRDP ở mức thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm.

    10 địa phương có tốc độ tăng GRDP thấp nhất là Sơn La (tăng 2,09%); Bình Dương (tăng 1,15%); Tp.HCM (tăng 0,7%); Lai Châu (tăng 0,47%); Vĩnh Long (0,29%); Quảng Ngãi (giảm 1,07%); Vĩnh Phúc (giảm 2,47%); Bà Rịa – Vũng Tàu (giảm 4,75%); Quảng Nam (giảm 10,88%); Bắc Ninh (giảm 11,85%).

    Là tỉnh thành trọng điểm về khu công nghiệp, khu chế xuất, việc tỉnh Bắc Ninh có kết quả tăng trưởng thấp nhất cả nước trong quý đầu năm – theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định là “có những dấu hiệu cực kỳ đáng lo ngại”.

    Về kết quả này, trao đổi với Người Đưa Tin bên lề sự kiện công bố Chỉ số PCI 2022, ông Vương Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh nói rằng, đối với Bắc Ninh nói riêng và các tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nói chung, tỉ lệ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới, vào “sức khỏe” của các nền kinh tế trên toàn cầu.

    Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó dự đoán, nhiều quốc gia phát triển đang có sự tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy thoái thì “đôi khi chúng ta phải chấp nhận điều đó”.

    “Tất nhiên chấp nhận không có nghĩa là không có biện pháp gì. Trong ngắn hạn có thể chúng tôi chưa khắc phục được ngay, nhưng trong trung và dài hạn dứt khoát phải có biện pháp, hướng đi để đạt được sự bền vững hơn trong tăng trưởng”, ông Tuấn khẳng định.

    Kinh tế vĩ mô - Phó Chủ tịch Bắc Ninh lý giải về kết quả “đội sổ” tăng trưởng quý I/2023

    Ông Vương Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh.

    Nói về giải pháp cụ thể, ông Tuấn cho biết, từ bài học này Bắc Ninh sẽ tiến tới phân tán nguồn lực phát triển, tránh tập trung quá nhiều vào một lĩnh vực nào đó.

    Do đặc thù ít nhiều phải phụ thuộc vào đối tác FDI do đối tác chiếm tỉ trọng quá lớn, Bắc Ninh nhận thức được rằng để cân bằng thì sẽ phải đẩy mạnh đa dạng hoá đối tác, hướng tới có nhiều kênh phát triển hơn.

    “Trong điều kiện khó khăn, việc đa dạng hóa lĩnh vực và đối tác sẽ mang lại an toàn hơn, còn trong điều kiện thuận lợi, điều này sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển”, ông Tuấn nhận định.

    Nói về chiến lược phát triển theo ngành nghề, Phó Chủ tịch Vương Quốc Tuấn chia sẻ, Bắc Ninh sẽ bám sát vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

    Theo đó, Bắc Ninh sẽ theo định hướng trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, sản xuất thông minh, trong đó khai thác sâu vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ văn hoá mà Bắc Ninh vốn rất có tiềm năng.

    “Mục đích là để tạo ra sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới tăng trưởng bền vững và tăng hiệu quả thụ hưởng toàn diện cho người dân”, vị lãnh đạo nói.

    Về kết quả PCI năm 2022, tỉnh Bắc Ninh đạt 69,08 điểm, xếp thứ 7, giảm 0,33 điểm so với năm 2021. Với chỉ số PGI – chỉ số xanh cấp tỉnh, Bắc Ninh lại giành được top 3 trong bảng xếp hạng năm đầu tiên.

    PGI 2022 có 4 chỉ số thành phần được tạo thành từ 44 chỉ tiêu đo lường chất lượng quản trị môi trường tại các tỉnh, thành phố theo hướng gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, bao gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (cho doanh nghiệp); Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

    Kết quả năm đầu tiên cho thấy 3 tỉnh đứng đầu chỉ số PGI là Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh. Trong đó, Bắc Ninh đạt điểm số cao nhất trong Chỉ số thành phần 1: “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU