noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiDân sinhVụ nhà máy sản xuất viên nén gỗ ô nhiễm hoạt động...

    Vụ nhà máy sản xuất viên nén gỗ ô nhiễm hoạt động giữa khu dân cư: Sai phạm sẽ xử lý nghiêm

    UBND huyện cho biết, đã yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sản xuất viên nén từ gỗ băm dăm. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định.

    Sự thật khi doanh nghiệp nói nhà máy dừng hoạt động

    Liên quan đến bài viết: “Người dân khốn khổ vì nhà máy sản xuất viên nén gỗ hoạt động giữa khu dân cư”, PV Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với ông Phạm Tấn Việt – Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Wy (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk).

    Ông Việt khẳng định, nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ tại thôn 5, xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk mà báo chí phản ánh là của Công ty lâm nghiệp Ea Wy.

    “Công ty thuê đơn vị có chuyên môn về lắp đặt dây chuyền thiết bị để thử nghiệm băm dăm, sản xuất viên nén gỗ. Sau khi báo chí phản ánh, chính quyền địa phương làm việc, tôi đã ra thông báo cho nhà máy dừng hoạt động”, ông Việt nói.

    Dân sinh - Vụ nhà máy sản xuất viên nén gỗ ô nhiễm hoạt động giữa khu dân cư: Sai phạm sẽ xử lý nghiêm

    Nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ đóng cổng kín mít khi PV đến ghi nhận phản ánh của người dân. 

    Tuy nhiên, khác với những gì ông Việt nói, người dân tại thôn 5, xã Cư Mốt thông tin, vào chiều 6/4, nhà máy tiếp tục nổ máy hoạt động và thu mua củi.

    Lý giải về điều này, ông Việt cho hay: “Chỉ còn máy băm dăm thôi chứ các hệ thống gây bụi tôi đã cho dừng hết để khắc phục, sửa chữa, đảm bảo các điều kiện mới hoạt động… Hoạt động băm dăm, từ trước đến giờ, tôi vẫn băm xuất đi bình thường”.

    Lý giải việc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà cơ quan có thẩm quyền cấp cho Công ty lâm nghiệp Ea Wy, không có ngành nghề sản xuất viên nén gỗ, ông Việt nói: “Xưởng cưa của chúng tôi đã tồn tại trước năm 1990. Về quy định của luật, nó là danh mục chính thôi. Còn sản xuất viên nén gỗ cũng thuộc trong danh mục ngành nghề chế biến gỗ. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, những ngành nghề không bị pháp luật cấm thì được phép kinh doanh”.

    Dân sinh - Vụ nhà máy sản xuất viên nén gỗ ô nhiễm hoạt động giữa khu dân cư: Sai phạm sẽ xử lý nghiêm (Hình 2).

    Bên trong nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ.

    Về vấn đề bảo vệ môi trường khi hoạt động băm dăm, sản xuất viên nén gỗ, ông Việt cho biết: “Tôi chưa tiến hành để sản xuất kinh doanh, mới chỉ lắp máy vận hành. Trước đó, xưởng đó thực hiện cưa, xẻ, đóng mộc, băm dăm để xuất đi. Tuy nhiên, việc băm dăm, xuất viên thô ra thì vận chuyển rất tốn cước. Do vậy, cuối năm 2022, tôi mới lắp thử dây chuyền sản xuất viên nén gỗ để chạy thử. Giai đoạn đầu, tất cả dây chuyền còn thô, bị lỗi, mới tạo ra khói. Tôi đã báo cáo với huyện, xã là dừng để khắc phục, che chắn lại và chờ giấy phép xây dựng, đảm điều kiện thì tôi cho hoạt động, còn không đảm bảo thì dừng”.

    Đối với những bức xúc, phản ánh của người dân về tình trạng tiếng ồn, khói, bụi, ông Việt nói, đã tiếp thu và khắc phục ngay, chứ không có tình trạng dân phản ánh mà mình còn vi phạm.

    Vậy nhưng vào sáng 7/4, nhiều người dân tiếp tục phản ánh về việc, vào sáng cùng ngày, nhà máy khóa chặt cổng ra vào nhưng bên trong vẫn cho chạy máy, tạo ra tiếng ồn và mùi hôi khó chịu. Khi đi ngang qua đây, người dân phải đeo khẩu trang và bịt miệng để hạn chế hít phải khói bụi, mùi hôi.

    Dân sinh - Vụ nhà máy sản xuất viên nén gỗ ô nhiễm hoạt động giữa khu dân cư: Sai phạm sẽ xử lý nghiêm (Hình 3).

    Ngay khi cơ quan chức năng vào kiểm tra và rời đi, nhà máy lại tiếp tục chạy máy, băm dăm.

    Chính quyền đã vào cuộc quyết liệt?

    Ông Lê Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo cho biết, Công ty lâm nghiệp Ea Wy được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê 5.444m2 đất tại thôn 5 (xã Cư Mốt, huyện Ea H’Leo) vào mục đích làm cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến gỗ. Đơn vị đã chấp hành nghĩa vụ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp từ năm 2018 đến nay.

    Sau khi nhận được thông tin phản ánh, ngày 29/9/2022, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Cư Mốt kiểm tra tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của Công ty lâm nghiệp Ea Wy.

    Qua kiểm tra, UBND huyện có yêu cầu công ty hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý về đất đai, xây dựng, môi trường trước khi xây dựng, vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải đưa đất vào sử dụng đúng mục đích theo quy định.

    Dân sinh - Vụ nhà máy sản xuất viên nén gỗ ô nhiễm hoạt động giữa khu dân cư: Sai phạm sẽ xử lý nghiêm (Hình 4).

    Bụi gỗ bám từng lớp dày đặc lên cây cảnh của người dân đối diện nhà máy.

    Tiếp đó, ngày 30/3, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Cư Mốt kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh, kiến nghị của người dân về hoạt động sản xuất viên nén gỗ do Công ty lâm nghiệp Ea Wy thực hiện, làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

    Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không hoạt động đầy đủ dây chuyền sản xuất viên nén, chỉ thực hiện hoạt động nén, ép viên sản phẩm, tu sửa nhà xưởng, thu mua củi tươi.

    Tiếp đó, vào ngày 3/4, UBND huyện Ea H’Leo tổ chức họp, xử lý nội dung phản ánh, kiến nghị của người dân về hoạt động sản xuất viên nén gỗ do Công ty lâm nghiệp Ea Wy thực hiện.

    Trong Thông báo kết luận số 148 ngày 4/4/2023, của ông Nguyễn Văn Hà – Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo tại cuộc họp giao ban hàng tuần ngày 3/4 nêu rõ: “Giao UBND xã Cư Mốt tiếp tục làm việc, kiểm tra hoạt động của nhà máy sản xuất, chế biến gỗ băm dăm, viên nén nêu trên để xác lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo theo quy định pháp luật. Chủ động liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế Hạ tầng, Phòng Tư pháp để hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể”.

    Dân sinh - Vụ nhà máy sản xuất viên nén gỗ ô nhiễm hoạt động giữa khu dân cư: Sai phạm sẽ xử lý nghiêm (Hình 5).

    Nhiều nhà dân may rèm che cửa vẫn không thoát khỏi bụi.

    Tại văn bản cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, UBND huyện Ea H’Leo nêu rõ: “Loại hình sản xuất viên nén từ gỗ băm dăm do Công ty lâm nghiệp Ea Wy làm chủ đầu tư thuộc đối tượng phải lập giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hiện tại, công ty đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để lập báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường”.

    Để đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, UBND huyện Ea H’Leo yêu cầu Công ty lâm nghiệp Ea Wy tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh đối với loại hình sản xuất viên nén từ gỗ băm dăm.

    Đồng thời, giao UBND xã Cư Mốt kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính (nếu có) đối với các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất viên nén gỗ.

    Trong quá trình thực hiện, trường hợp cơ sở không đảm bảo các quy định về đất đai, môi trường, UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét, di dời cơ sở sản xuất viên nén gỗ đến quỹ đất khác, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện.

    Dân sinh - Vụ nhà máy sản xuất viên nén gỗ ô nhiễm hoạt động giữa khu dân cư: Sai phạm sẽ xử lý nghiêm (Hình 6).

    Bụi bủa vây khắp nơi trong nhà dân. 

    Dân sinh - Vụ nhà máy sản xuất viên nén gỗ ô nhiễm hoạt động giữa khu dân cư: Sai phạm sẽ xử lý nghiêm (Hình 7).

    Người dân phải dùng túi ni-lông bọc các vật dụng trong gia đình vì bụi khắp nhà. 

    Theo ông Lê Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo, hiện UBND huyện đang cho UBND xã Cư Mốt và các ngành cơ quan chuyên môn của huyện kiểm tra lại giấy phép, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp này, cũng như tác động môi trường để có hướng xử lý.

    “Chính quyền vào cuộc rất quyết liệt từ đầu chứ không phải là lơ là, bỏ mặc người dân. Quan điểm của huyện là vi phạm, sai phạm nội dung nào thì xử lý nội dung đó, chứ không có vùng cấm nào. Anh làm ô nhiễm môi trường thì yêu cầu phải khắc phục, nếu không khắc phục được thì phải xử lý, dừng hoạt động”, ông Hùng nhấn mạnh.

    Cũng theo ông Hùng, vào ngày 5/4, ông đã trực tiếp xuống kiểm tra thực tế tại nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ của Công ty lâm nghiệp Ea Wy và yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.

    Khi PV cung cấp thông tin phản ánh của người dân về việc, sau khi các cơ quan chức năng, lãnh đạo huyện vào kiểm tra thì nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ tiếp tục hoạt động gây bức xúc cho người dân, ông Hùng cho biết, sẽ chỉ đạo Văn phòng UBND huyện liên hệ với xã để kiểm tra lại nội dung này.

    Dân sinh - Vụ nhà máy sản xuất viên nén gỗ ô nhiễm hoạt động giữa khu dân cư: Sai phạm sẽ xử lý nghiêm (Hình 8).

    Người dân không khỏi lo lắng về việc sức khỏe, môi trường sống bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói, bụi từ nhà máy sản xuất viên nén gỗ. 

    Ngoài ra, ông Hùng thông tin thêm, vị trí đất tại nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ của Công ty lâm nghiệp Ea Wy đã được huyện, tỉnh đưa vào quy hoạch làm trung tâm hành chính của xã và đã được tỉnh phê duyệt.

    Do đó, vị trí này sẽ được tỉnh thu hồi, giao lại cho địa phương quản lý. “Bây giờ mình đang làm thủ tục để cho doanh nghiệp có thời gian di dời, chứ không thể tồn tại lâu dài được, kể cả có được cấp phép cũng phải di dời”, ông Hùng nói.

    Như Người Đưa Tin đã phản ánh, nhiều tháng nay, hàng chục hộ dân tại thôn 5 (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) khốn khổ vì phải sống chung với cảnh khói, bụi, tiếng ồn phát ra từ nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ đặt ngay trong khu dân cư.

    Trước thực trạng này, người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị đến chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

    Dân sinh - Vụ nhà máy sản xuất viên nén gỗ ô nhiễm hoạt động giữa khu dân cư: Sai phạm sẽ xử lý nghiêm (Hình 9).

    Khói, bụi từ nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. 

    Theo lãnh đạo UBND xã Cư Mốt, nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ nói trên là của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Wy.

    Hiện, UBND xã Cư Mốt đang củng cố hồ sơ và tranh thủ ý kiến của các đơn vị chuyên môn để xác định đúng đối tượng, đúng hành vi nhằm xử lý theo quy định pháp luật.

    Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này. 

    Khánh Ngọc  

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU