Doanh nghiệp “khát” đơn hàng
Đến khi đưa thùng hàng áo sơ mi nam cuối cùng chất lên xe chở ra cảng để xuất đi Nhật Bản, bà Tôn Nữ Cát Ngọc, chủ một doanh nghiệp may gia công xuất khẩu tại huyện Hóc Môn (Tp.HCM), mới thở phào nhẹ nhõm.
“Trước đây xuất khẩu một tháng 3 – 4 container không sao, nay giảm chỉ còn 2 container nhưng tôi lại bồn chồn lo lắng vì lúc này các doanh nghiệp phải chắt chiu từng đơn hàng, sơ sẩy một chút là mất khách hàng như chơi. Nhu cầu thị trường giảm sút mạnh, sau đại dịch nhiều khách đơn phương ngưng mua hàng hoặc tìm đối tác khác. Trước đây trao đổi với khách hàng và nhận đơn hàng qua email là xong, tuy nhiên cuối năm rồi chúng tôi phải cử giám đốc kinh doanh sang tận văn phòng công ty đối tác để trao đổi sâu hơn một số điều khoản mới, kể cả giá cả và duy trì đơn hàng đến nay. Thế nhưng so với trước, đơn hàng đã giảm hơn 30%”, bà Ngọc thở dài.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan Tp.HCM, thừa nhận đa số doanh nghiệp trong ngành đều cho biết các nhà máy vẫn cắt giảm công nhân do đơn hàng xuất đi Mỹ, châu Âu giảm 20 – 30% tùy thị trường. Ngay giá gia công cũng phải giảm 20% để duy trì việc làm cho công nhân. “Đơn hàng của các nhà máy hiện chỉ duy trì đầy đủ nhất là đến hết tháng 4, một số có đơn hàng làm hết tháng 5 và 6. Còn lại, từ quý 2 đến cuối năm chưa thấy gì cả”, ông Hồng nói.
Phân tích thêm về thực trạng này, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 nhận định nguyên nhân khiến đơn hàng dệt may quý 1/2023 sụt giảm là do nhu cầu tiêu dùng giảm sút, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine đã đẩy giá năng lượng và lạm phát toàn cầu lên cao. Do vậy, để tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc và định vị lại thương hiệu, sản phẩm.
“Những doanh nghiệp đã có vị thế trên thị trường xuất khẩu cần nhận định lại vị thế của mình. Bởi, những vị thế đó có thể đúng trong quá khứ, đúng hoặc không đúng trong tương lai, nhưng với biến động rất mạnh của thị trường, chúng tôi đang tập trung vào định vị lại sản phẩm, thị trường, quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất và tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác, đầu tư mới”, CEO May 10 cho hay.
Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,701 tỉ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại diện Vitas cho biết, trong quý II doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua từ các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng tháng 4. Dự kiến tới tháng 7 – 8/2023 thị trường mới ấm trở lại.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, hiện nay, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraina vẫn chưa hạ nhiệt, điều này đã kéo theo sự sụt giảm về tăng trưởng kinh tế thế giới, dẫn đến các chính sách thắt chặt tiền tệ, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp sản xuất. Quy mô thị trường dự báo từ 750 tỉ USD xuống còn 712 tỉ USD, thậm chí còn 687 tỉ USD trong năm nay.
Thêm vào đó, theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may năm nay. Quốc gia này đang là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Dẫn số liệu của Văn phòng Dệt may Mỹ cho thấy, giá trị nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc năm ngoái đạt hơn 132 tỷ USD, chiếm gần 26% thị phần – là nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất cho Mỹ – theo sau là Việt Nam với 14,87% thị phần.
“Tình hình thị trường những tháng đầu năm rất xấu. Nhiều giá trị đơn hàng giảm 2-3%. Các doanh nghiệp trong tập đoàn cũng chỉ có hàng sản xuất đến hết tháng 4, trong khi năm trước tới tháng 12”, ông Cao Hữu Hiếu thông tin.
Cần linh hoạt giải pháp để thích ứng
Để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, ông Cao Hữu Hiếu chỉ ra, trước tiên doanh nghiệp phải tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó bám sát khách hàng, bám sát thị trường để có các chính sách linh hoạt, kịp thời. Vinatex nhận định rằng đây là một khó khăn chưa từng có tiền lệ đối với ngành.
“Các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex vẫn cố gắng chủ động, linh hoạt, thích ứng trong bối cảnh thị trường bất định như hiện nay với mục tiêu ổn định được tài chính, duy trì bộ máy sản xuất. Đặc biệt, đảm bảo việc làm, đời sống cho toàn thể cán bộ công nhân lao động”, ông Cao Hữu Hiếu khuyến cáo.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân, dư địa còn rất lớn, cho nên doanh nghiệp cần sớm có phương án tận dụng.
Ngoài ra, cần khai thác triệt để các thị trường được ưu đãi về thuế suất như châu Âu hoặc tăng mạnh khai thác ở các thị trường lân cận, còn ổn định như khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc…
“Nếu sớm có cách tiếp cận phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế phần nào sự sụt giảm đơn hàng để vượt qua năm nay, khỏe hơn khi đơn hàng có thể tăng dần trở lại trong năm tới.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang, trước những diễn biến khó lường của thị trường, nhất là khi cầu tiêu dùng giảm và chưa có dấu hiệu khởi sắc trong giai đoạn hiện nay, Hiệp hội đã đưa ra hai kịch bản đối với kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023.
Trong đó, với tín hiệu tích cực, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 47 tỷ-48 tỷ USD. Kịch bản kém tích cực hơn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 45 tỷ-46 tỷ USD.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nêu trên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong việc triển khai linh hoạt các giải pháp nhằm “vượt sóng” thị trường, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Thanh Niên, Nhân Dân)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thieu-hut-don-hang-doanh-nghiep-det-may-gap-kho-a601897.html