Y tế cơ sở, y tế dự phòng bộc lộ tồn tại, yếu kém
Ngày 4/4, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Chính phủ về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát nghe đại diện Chính phủ trình bày báo cáo tóm tắt kết quả “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”;
Nghe đại diện Đoàn giám sát trình bày tóm tắt báo cáo bước đầu thực hiện giám sát nội dung “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và thảo luận về dự thảo báo cáo và dự thảo Nghị quyết.
Đa số đại biểu bày tỏ thống nhất với các nội dung của dự thảo báo cáo và dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến việc huy động nguồn lực xã hội tham gia phòng chống dịch Covid-19, quy định cụ thể hơn về các giải pháp trong dự thảo Nghị quyết để sau khi được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm cho biết, qua giám sát cho thấy hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng đã ứng phó khá hiệu quả với dịch Covid-19 nhưng cũng bộc lộ những tồn tại, yếu kém.
Nguyên nhân sâu xa được đại biểu chỉ ra, đó là đầu tư đối với hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa tương xứng với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Để đạt mục tiêu mỗi người dân có hồ sơ y tế, ông Lâm đề nghị xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ để y tế cơ sở và y tế dự phòng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Rút kinh nghiệm sâu sắc trong sản xuất vắc-xin
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), thành viên Đoàn giám sát nêu thực tế tiền trực của cán bộ y tế cơ sở rất thấp (16.000 đồng), nhưng báo cáo của Chính phủ và Báo cáo giám sát không đề cập đến khó khăn này.
Đại biểu cũng quan ngại về tình trạng y tế trường học và y tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức, cần được nêu trong báo cáo giám sát và có giải pháp cho vấn đề này.
Đánh giá cao trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược ngoại giao vắc-xin, tiếm hành tiêm miễn phí, rộng rãi cho nhân dân, nhưng đại biểu cũng đề nghị đánh giá về những thất bại trong sản xuất vắc-xin phòng Covid-19.
Trong khi thế giới thành công làm chủ công nghệ vắc-xin phòng Covid-19, sản xuất số lượng lớn, với giá rẻ thì Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo, thử nghiệm… gây lãng phí lớn.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị giai đoạn hiện nay ngừng sản xuất vắc-xin phòng chống Covid-19 ở Việt Nam mà chỉ mua vắc-xin có chất lượng, với số lượng hợp lý để sử dụng.
Qua đó, đại biểu cũng đề nghị cần rút bài học kinh nghiệm sâu sắc trong sản xuất vắc-xin và chuyển Quỹ vắc-xin Covid-19 để dự phòng sản xuất vắc-xin cho các dịch bệnh mới phát sinh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thống nhất cao với dự thảo báo cáo và dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị công phu, đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, các giải pháp và kiến nghị.
Tuy nhiên, đề nghị nhấn mạnh trong báo cáo sự đóng góp tham gia của từng người dân, tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đồng tình với những tồn tại về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng được báo cáo của Đoàn giám sát.
Phó Thủ tướng khẳng định, y tế cơ sở, y tế dự phòng đóng vai trò quan trọng là thành lũy đầu tiên, là nền tảng góp phần phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả nhưng y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được đầu tư tương xứng.
Bên cạnh đó, có sự thiếu chủ động trong tham mưu để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống; tổ chức y tế cơ sở, mô hình không thống nhất; cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp nên khó thu hút cán bộ về làm việc…
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả thực hiện giám sát, dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục phối hợp tham gia hoàn thiện dự thảo Báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo với Đoàn giám sát về một số ý kiến đề nghị có hình thức khen thưởng, biểu dương đối với lực lượng tham gia phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, tính đến ngày 30/10/2022 đã có 1.802 trường hợp được khen thưởng thi đua, trong đó 265 huân chương các loại, 1.537 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… Ngoài công nhận liệt sĩđối với lực lượng vũ trang, Bộ Nội vụ đề xuất hình thức khen thưởng phù hợp đối với lực lượng khác hy sinh trong công tác phòng, chống dịch.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dbqh-de-nghi-ngung-san-xuat-vac-xin-phong-chong-covid-19-a601402.html