134 văn bản được ban hành
Sáng 4/4, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” đã làm việc của với Chính phủ.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát trình bày dự thảo Báo cáo Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Theo đó, kết quả, từ năm 2020 đến nay, đã có 134 văn bản của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo thẩm quyền về các cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch, tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Tổng số đã huy động nguồn lực phòng, chống dịch trong 3 năm 2020-2022 là 230.055,5 tỷ đồng, trong đó nguồn Ngân sách Nhà nước 186.434,5 tỷ đồng, Huy động từ các nguồn khác 43.621 tỷ đồng.
Về thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước; nhân lực từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, thiết bị được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tiến; chính sách về tài chính dần được hoàn thiện bảo đảm thuận lợi cho hoạt động của y tế cơ sở; khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên;
Mức độ hài lòng của người dân đối với thái độ của nhân viên y tế cơ sở, chất lượng dịch vụ y tế cải thiện đáng kể. Y tế cơ sở, y tế dự phòng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và đã được minh chứng trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19…
Làm rõ trách nhiệm huy động, quản lý sử dụng nguồn lực
Dự thảo báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 trong một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, chưa bảo đảm tính bao quát dẫn đến lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Trong đó, cơ chế tài chính chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở, y tế dự phòng. Điều kiện về thuốc, thiết bị, cơ sở vật chất còn chưa bảo đảm. Khả năng cung ứng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân.
Tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở, sử dụng dịch vụ dự phòng còn chưa cao, tình trạng vượt tuyến vẫn chưa được khắc phục triệt để. Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế nói chung chưa đồng bộ, hiệu quả…
Dự thảo Báo cáo cũng nêu các nguyên nhân và trách nhiệm của các tồn tại, hạn chế đối với việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 là hệ thống pháp luật để ứng phó với đại dịch trong tình hình khẩn cấp chưa hoàn chỉnh;
Năng lực của một số tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; việc nghiên cứu, chính sách chưa sâu, chưa kỹ; chưa đánh giá hết các tác động của các chính sách ban hành.
Các phương án bảo đảm về nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 của một số địa phương, đơn vị tại một số thời điểm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chưa kịp thời dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai trong mua sắm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Nhiều vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh toán, quyết toán, nhất là các khoản chi hỗ trợ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch, chi hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp nhưng chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu trách nhiệm về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm tiến độ, chất lượng; việc phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch trong nhiều trường hợp chưa đúng đối tượng, chưa kịp thời, để tình trạng trục lợi, gây thất thoát nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.
Dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cũng đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể về thể chế, cơ chế; về tổ chức thực hiện.
Đồng thời, kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội; đối với Chính phủ; kiến nghị cụ thể đối với các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến trách nhiệm của từng cơ quan.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/huy-dong-nguon-luc-phong-chong-dich-covid-trong-3-nam-la-2300555-ty-a601373.html