Wright Auctions, nhà đấu giá hàng đầu cho các sản phẩm thiết kế hiện đại, vừa ký một hợp đồng đấu giá trị giá hàng chục ngàn USD cho một chiếc bàn gỗ từ Hans Wegner, một chiếc trường kỷ từ George Nakashima và một chiếc ghế được thiết kế bởi Charles Eames và Eero Saarinen.
Trong một buổi đấu giá chuẩn bị diễn ra trong thứ Năm vừa rồi, một sản phẩm đấu giá mới đứng đầu danh sách đấu giá hôm đó: Một chiếc iPhone phiên bản đầu tiên vẫn còn nguyên đai nguyên kiện từ xưởng sản xuất.
Nhỏ hơn một chiếc đèn bàn Cedric Hartman, không sang trọng như chiếc bàn Yves Klein cũng được đấu giá ngày hôm đó, nhưng chiếc iPhone phiên bản từ năm 2007 này vẫn có giá khởi điểm là 32.000 USD. Đây là mức giá mà người mua tiềm năng phải sẵn sàng chi trả chỉ để đăng ký tham gia buổi đấu giá này. Wright Auctions đã dự kiến người thắng đấu giá sẽ đưa ra mức giá từ khoảng 40.000 đến 60.000 USD.
Việc những chiếc iPhone sản xuất trước 2015 không còn tương thích với phiên bản hệ điều hành iOS 16 mới nhất từ Apple, hay ổ cứng trên những chiếc iPhone đời đầu sản xuất năm 2007 này có dung lượng tối đa là 8GB, hay giá niêm yết của chiếc iPhone này vào thời điểm ra mắt chỉ có 599 USD chẳng phải điều quan trọng.
Richard Wright, chủ tịch của Wright Auctions trong một cuộc gọi vào ngày thứ Ba tuần trước trên chiếc iPhone 14 với dung lượng 512GB mà ông mua trong tháng 1 vừa rồi từ văn phòng tại Chicago đã nhận xét: “Trong lịch sử có rất ít các đồ vật cầm nắm được có vai trò thay đổi mọi thứ trên thế giới. Chiếc iPhone này là một trong những đồ vật đó”.
Vào tháng 1 năm 2007, ông Steve Jobs đã ra mắt chiếc iPhone trước một đám đông hồ hởi tại triển lãm MacWorld Conference & Expo tại San Francisco. Sáu tháng sau, chiếc iPhone này đã bắt đầu được bán ra. Trong một bài viết trên New York Times, David Pogue đã nhận định rằng thiết bị này đã đạt được kỳ vọng của người mua, và nhận xét nó là “một chiếc máy tính cầm tay nhỏ bé, tuyệt đẹp và màn hình chỉ là một tấm kính cảm ứng”.
Ông Wright cũng đã nhận xét thêm rằng mẫu iPhone cổ điển này có “một giao diện người dùng thuần khiết và thông tin rõ ràng” gợi nhớ về những thiết kế công nghiệp giữa thế kỷ mang tính cách mạng của Dieter Rams, một nhà thiết kế với những sản phẩm cho Braun và những bộ sưu tập nội thất cho Vitsœ+Zapf từng là chủ đề của một sự kiện nhìn lại năm 2011 tại bảo tàng Nghệ thuật Đương đại San Francisco và cũng là nguồn cảm hứng cho một buổi đấu giá năm 2018 tại Wright Auctions.
Nhưng, đây có lẽ không phải là phép so sánh hiệu quả nhất mà ông Wright có thể nghĩ ra.
Như ông nói, buổi đấu giá các sản phẩm của Dieter Rams là một “đứa con tinh thần”, có nghĩa là nó không hiệu quả cho lắm về mặt tài chính. Người thắng cuộc đấu giá và mang về những sản phẩm điện tử có nguồn cảm hứng từ Bauhaus này đã trả 32 USD cho một chiếc đồng hồ năm 1975 và 1.750 USD cho một chiếc camera đen trắng Super 8 cũng từ năm 1975. Đồ vật được đấu giá với giá cao nhất – mức giá 8.450 USD – là một chiếc sofa làm từ da, nhôm và sợi thủy tinh từ năm 1960.
Nguyễn Quang Minh (Theo Nytimes)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/iphone-doi-dau-nguyen-tem-duoc-dau-gia-voi-gia-khoi-diem-32-000-usd-a601111.html