Án Tây:
Lên kế hoạch tấn công trường học cũ
Nghi phạm xả súng Audrey Hale, 28 tuổi, cựu học sinh trường Covenant, xông vào ngôi trường sáng 27/3, bắn chết 3 trẻ em và 3 người lớn, trong đó có Hiệu trưởng Katherine Koonce. Cảnh sát xác định Hale là người chuyển giới, được cho là từng “có một số oán giận vì phải đến trường Covenant khi còn nhỏ”.
Giới chức cho biết vụ xả súng diễn ra trong khoảng 14 phút. Theo các sĩ quan, Hale đã bắn nhiều phát đạn vào tầng 1 và tầng 2 của ngôi trường. Một nhóm cảnh sát gồm 5 sĩ quan đã đi theo tiếng súng lên tầng 2 và bắn chết nghi phạm.
Trong cuộc họp báo ngày 28/3, cảnh sát trưởng thành phố Nashville John Drake cho biết Hale sở hữu 7 khẩu súng được mua hợp pháp từ những cửa hàng nội thành trong những năm gần đây.
Cảnh sát Drake cho biết cha mẹ của Hale không biết nghi phạm sở hữu nhiều súng, tưởng rằng Hale chỉ có 1 khẩu và đã bán nó. Cha mẹ Hale nói nghi phạm lẽ ra không nên sở hữu bất kỳ vũ khí nào do “lo ngại về sức khỏe tâm thần”.
Ông Drake cho biết Hale “đã được một bác sĩ chăm sóc vì chứng rối loạn cảm xúc”, song không giải thích chi tiết.
Sau vụ xả súng ở trường Covenant, cảnh sát còn phát hiện nghi phạm Hale có một bản đồ vẽ chi tiết về ngôi trường như các lối vào và vị trí có camera giám sát. Điều đó cho thấy nghi phạm đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho vụ tấn công.
Các điều tra viên cũng phát hiện nghi phạm Hale dường như còn nhắm mục tiêu xả súng một địa điểm khác, song đã từ bỏ ý định khi đánh giá địa điểm này có “quá nhiều biện pháp bảo vệ an ninh”. Cảnh sát trưởng Nashville tiết lộ địa điểm đó cũng ở trong thành phố.
Ngày 27/3, trước khi Hale rời nhà với chiếc túi màu đỏ, mẹ nghi phạm đã gặng hỏi những thứ bên trong. Hale mang theo 2 khẩu súng trường bán tự động và 1 súng ngắn. Theo cảnh sát trưởng Drake, ít nhất 2 trong 3 khẩu súng có giấy phép hợp pháp ở Nashville.
Theo luật Tennessee, bệnh tâm thần không phải là căn cứ để cảnh sát tịch thu vũ khí, trừ khi tòa án xác định người sở hữu “suy giảm tâm lý và phải vào bệnh viện tâm thần” hoặc “cần bị quản thúc vì khiếm khuyết tâm lý”.
Bang Tennessee, Mỹ, cấm bán súng cho những người bị tòa hoặc cơ quan pháp luật khác xem là “gây nguy hiểm cho họ hoặc người khác, hay không có khả năng tự lo cho bản thân do bệnh tâm thần”. Nhưng việc “được bác sĩ chăm sóc” không đủ đáp ứng ngưỡng này.
Cảnh sát đang tiếp tục điều tra động cơ của nghi phạm, dù có một số giả thuyết đã được đặt ra. Hale được cho là không có tiền sử mắc bệnh tâm thần.
Luật Ta:
Trường hợp nào người tâm thần phải chịu trách nhiệm hình sự?
Tuy nghi phạm trong vụ xả súng nói trên đã bị cảnh sát bắn chết, nhưng nếu nghi phạm còn sống và chiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mắc bệnh tâm thần là một trong những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, nếu được xác định là xả súng trong khi đang mắc bệnh tâm thần, nghi phạm Hale có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nói như vậy không có nghĩa trong mọi trường hợp, người tâm thần đều “thoát tội”… Khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau: Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, thì cơ quan chức năng bắt buộc phải tiến hành trưng cầu giám định (khoản 1 Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự).
Theo quy định của pháp luật hiện hành, những người tâm thần phạm tội có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận chỉ bị hạn chế năng lực hành vi.
Trong trường hợp Hội đồng y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định họ bị mất năng lực hành vi thì họ sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, người tâm thần (thông qua người đại diện hợp pháp) vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho gia đình các nạn nhân.
Nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì các cơ quan chức năng như Viện Kiểm sát hoặc Tòa án sẽ căn cứ vào kết quả này để đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.
Trên thực tế, ranh giới để xác định mắc bệnh tâm thần trước khi thực hiện hành vi phạm tội hay sau khi thực hiện hành vi phạm tội đôi khi rất mong manh, vì vậy cơ quan điều tra phải thực hiện các nghiệp vụ điều tra một cách kỹ lưỡng, thận trọng và theo Luật Giám định tư pháp, Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Trưng cầu giám định trong hoạt động tố tụng hình sự là thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Đương sự, bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan chỉ được quyền “đề nghị giám định” mà thôi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những kết quả giám định nếu không phải do cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu hay sẽ “vô giá trị” trong tố tụng hình sự bất chấp việc nó có thể đem đến những yếu tố có lợi cho bị can, bị cáo.
Điểm khác biệt trong tố tụng hình sự so với tố tụng dân sự và tố tụng hành chính là trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự). Do đó, việc trưng cầu giám định sẽ được thực hiện là theo “yêu cầu” của cơ quan tiến hành tố tụng “khi xét thấy cần thiết”.
Trên thực tế, người mắc bệnh tâm thần có những hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác là một hiện tượng hết sức nguy hiểm cho xã hội.
Hiện chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần thì thường vẫn đang sinh hoạt tự do, không có người quản lý, ngoại trừ gia đình. Nếu gia đình không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời trường hợp người tâm thần phát bệnh và có những hành vi vi phạm pháp luật, rất dễ dẫn đến những vụ việc đau lòng.
Để khắc phục bất cập này, gia đình nào có người bị bệnh tâm thần cần chủ động đưa người bệnh đi khám, chữa bệnh, kịp thời để phòng những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Ánh Dương (Thực hiện)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/an-tay-luat-ta-nghi-pham-xa-sung-my-tung-dieu-tri-roi-loan-cam-xuc-a600710.html