Nhiều doanh nghiệp lo phá sản
“Khó khăn” có lẽ là hai từ được nhắc tới nhiều nhất trong những cuộc hội nghị, hội thảo… hay những cuộc trò chuyện đơn thuần thời gian gần đây. Điều đó đã phần nào phản ánh tình trạng khó khăn của đa số các doanh nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
Trước tình hình trên, sáng 31/3, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp (DN) năm 2023 với chủ đề: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững”. Hội nghị đã thu hút hơn 300 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp thuộc nhiều hiệp hội, ngành hàng đến dự.
Trong Hội nghị này, các vấn đề khó khăn căn bản đã được đại diện các doanh nghiệp chỉ rõ như: Việc tiếp cận vốn vay và hạn mức tín dụng; giải pháp phòng cháy chữa cháy; khan hiếm nguồn cung khiến giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao…
Về vấn đề tín dụng, tại Hội nghi, bà Trịnh Thị Loan – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ cho biết, đa số DN trong Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hoá thiếu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh sau thời gian gần 3 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Sau thời gian không hoạt động, các cơ sở gần như phải đầu tư làm lại mới hoàn toàn nhưng rất khó tiếp cận vốn vay trong giai đoạn hiện nay.
Bên ngoài Hội nghị, với tư cách là chủ doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại địa bàn, ông Nguyễn Hữu Huy – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Phục Hưng (Tp.Thanh Hóa) cho biết, việc siết chặt cho vay đối với hoạt động bất động sản quá “gấp gáp” đã khiến nhiều doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trong lĩnh vực này không kịp trở tay, lâm vào cảnh mất khả năng thanh khoản.
Mặc dù mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 33/NQ-CP, trong đó có nội dung chính tập trung tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, theo ông Huy, thực tế để các chính sách này phát huy tác dụng sẽ mất khoảng thời gian dài. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn chưa tiếp cận được và rất khó khăn.
Tiếp sau vấn đề tín dụng, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bất ngờ nổi cộm về giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, trong đó, tập trung chủ yếu ở các loại vật liệu xây dựng như đất, cát, đá.
Qua khảo sát, mức giá trung bình nhiều loại vật liệu xây dựng đã tăng “phi mã”, có nơi tăng tới gần 100% so với đầu năm như cát trát 270 nghìn đồng/m3, tăng lên gần 400 nghìn đồng/m3; đá 1×2 từ khoảng 200 nghìn lên hơn 350 nghìn đồng/m3; đá 2×4 từ 150 nghìn lên 350 nghìn đồng/m3; đá 4×6 giá 160 nghìn lên hơn 300 nghìn đồng/m3. Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp thi công rơi vào trạng thái “càng làm càng lỗ”.
Trong khi đó, mới đây, Liên Sở Xây dựng – Tài chính của tỉnh Thanh Hóa vừa công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn quý 1/2023, theo đó, giá công bố này chênh lệch khá lớn so với giá thực tế khiến cho doanh nghiệp thêm phần khó khăn.
Về vấn đề này, qua trao đổi, ông Hùng, Giám đốc Công ty VLXD Hùng Hiền (Tp.Thanh Hóa) cho biết, do khan hiếm nguồn cung nên thời gian qua các loại vật liệu xây dựng như đất, cát, đá sỏi tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng lao đao, lâm cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Từ đó, đã kéo theo các doanh nghiệp cung ứng vật liệu sẽ có nguy cơ “mất trắng”, không đòi được nợ.
Bên cạnh đó, các quy định về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Tổng hợp các ý kiến, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, Hiệp hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các tổ chức hội, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp về những vướng mắc, trong đó có những vướng mắc đã kéo dài nhiều năm. Đồng thời cho rằng có những vướng mắc nếu không được giải quyết kịp thời, phù hợp, thấu đáo thì có thể sẽ dẫn doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.
Vì vậy, thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đề xuất UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các kiến nghị, đặc biệt là những vướng mắc trong công tác PCCC, giá vật liệu xây dựng,… cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, thực hiện hiệu quả Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Tìm giải pháp “chữa cháy” cho doanh nghiệp
Kiến nghị khó khăn trong vấn đề phòng cháy chữa cháy, ông Trần Quốc Trường, Chi hội phó Chi hội doanh nghiệp Khu công nghiệp (KCN) Đình Hương – Tây Bắc Ga cho biết, ngoài hoàn thiện, đồng bộ thủ tục thì ông Trường cũng đề xuất kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương xem xét, trên cơ sở phân loại nhóm nguy cơ cháy nổ để giãn lộ trình thực hiện một số quy định, tạo điều kiện cho DN khắc phục.
Có mặt tại Hội nghị, nêu ý kiến giải quyết, tháo gỡ vấn đề PCCC, đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cũng chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp và thông tin các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC hiện hành. Đáng chú ý, trong đó có việc đề xuất các cơ sở đã nghiệm thu PCCC theo quy định trước khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP và không cải tạo thêm thì sẽ không phải thực hiện nghiệm thu lại.
Đồng thời, theo đại tá Lê Hữu Lập, phía công an tỉnh cũng chia sẻ, chủ động và sẵn sàng tiếp nhận các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC khi các DN có ý kiến đề xuất hướng dẫn. Trên cơ sở đó, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh đưa ra giải pháp, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tháo gỡ cho các DN và đồng thời phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tình hình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay.
Về vấn đề giá vật liệu xây dựng tăng cao, ông Phan Lê Quang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho biết: Với thông tin giá vật liệu trên thị trường chênh lệch so với giá do cơ quan Nhà nước công bố, Sở Xây dựng đang tiến hành rà soát lại. Về đề xuất của DN tăng cường nguồn cung vật liệu xây dựng, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Xây dựng đã và đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng sớm bổ sung thêm các mỏ vào Quy hoạch khoáng sản của Trung ương và địa phương.
Với vấn đề tiếp cận tín dụng, ông Tống Văn Ánh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hoá cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xây dựng các chương trình, gói tín dụng phù hợp cho DN. Đồng thời, nâng cao năng lực đánh giá tín nhiệm khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định, mức độ tín nhiệm khách hàng vay, tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.
Trước thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp, với chức trách và nhiệm vụ của mình, tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cam kết thực hiện phương châm luôn đồng hành, hỗ trợ DN và đề nghị doanh nghiệp có kiến nghị gửi bằng văn bản đến các tổ thư ký. Từ đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu đề xuất, báo cáo các cấp cao hơn để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, trong năm 2022, toàn tỉnh có hơn 3.500 doanh nghiệp được thành lập mới. Trong khi đó, ở chiều ngược lại có hơn 300 doanh nghiệp giải thể, phá sản. Với tình hình hiện nay, nếu không có giải pháp thiết thực kịp thời, dự đoán trong thời gian tới số doanh nghiệp đăng ký phá sản sẽ còn tăng nhanh.
Việt Phương
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thanh-hoa-doanh-nghiep-doi-dien-nhieu-kho-khan-a600846.html