Phần Lan đang tiến một bước gần hơn tới việc gia nhập NATO sau khi Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ rào cản cuối cùng bằng cách phê chuẩn đơn xin gia nhập liên minh của quốc gia Bắc Âu này.
Đây thực sự là một “khoảnh khắc trọng đại” đối với Helsinki. Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo Phần Lan đã cố gắng bảo vệ an ninh của mình bằng cách giữ vững lập trường trung lập trong các cuộc xung đột giữa nước láng giềng khổng lồ Nga và phương Tây.
Phần lớn người Phần Lan rõ ràng coi đó là sự lựa chọn thận trọng hơn. Mặc dù Helsinki đã xích lại gần NATO hơn kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng vẫn đứng ngoài liên minh này cho đến khi Nga phát động “chiến dịch quân sự” ở Ukraine.
Kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát thành hành động quân sự, suy nghĩ của người Phần Lan đã nhanh chóng thay đổi: Các cuộc thăm dò ý kiến cho biết gần 80% người Phần Lan ủng hộ tư cách thành viên NATO đầy đủ. Ngoài ra, liên minh quân sự này cũng rất háo hức chào đón một đối tác mới có giá trị cao như Phần Lan.
Hôm 30/3, toàn bộ 276 nhà lập pháp có mặt tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ việc Phần Lan gia nhập NATO, vài ngày sau khi Quốc hội Hungary có động thái tương tự.
“Điều này sẽ làm cho đại gia đình NATO mạnh hơn và an toàn hơn”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg viết trên Twitter để hoan nghênh hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bây giờ chỉ còn là vấn đề thủ tục giấy tờ. Và ngày 2/4 tới, cử tri Phần Lan sẽ đi bỏ phiếu bầu Thủ tướng – người sẽ lãnh đạo đất nước trong bước đi lịch sử này.
Toàn bộ 200 ghế trong Quốc hội Phần Lan (Eduskunta), hiện được chia cho 9 đảng khác nhau, sẽ được bầu lại trong kỳ tổng tuyển cử này.
Thủ tướng Phần Lan đương nhiệm Sanna Marin hy vọng đảng Dân chủ Xã hội (SD) trung tả của bà sẽ giành đủ số ghế để lãnh đạo chính phủ tiếp theo, cho phép bà hoàn thành tiến trình gia nhập NATO mà bà đã thúc đẩy vào năm ngoái.
Các cuộc thăm dò cho thấy, kết quả bầu cử sẽ rất sít sao vì Đảng Finns cực hữu và Đảng Liên minh Quốc gia (NCP) trung hữu – vốn đang nắm giữ số ghế nhiều thứ hai và thứ ba trong Quốc hội Phần Lan sau đảng SD của bà Marin – cũng đang giành được lợi thế.
Nếu cuộc tổng tuyển cử trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về thái độ cá nhân đối với bà Marin, Đảng SD của bà sẽ có lợi thế tốt. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy gần 2/3 cử tri Phần Lan nói rằng bà Marin đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo đất nước vượt qua đại dịch và cuộc khủng hoảng do xung đột Nga-Ukraine gây ra.
Tuy nhiên, thực thế là Đảng SD ít được lòng cử tri hơn so với lãnh đạo của nó, trong khi danh tiếng của Đảng Finns theo chủ nghĩa dân tộc lại tăng vù vù. Được lãnh đạo bởi bà Riikka Purra, một nữ chính trị gia đang lên khác của đất nước, Đảng Finns chủ yếu được biết đến với cam kết chấm dứt mọi cuộc di cư vào Phần Lan từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Giờ đây, sau vấn đề gia nhập NATO – được hình thành một cách gián tiếp trong các chiến dịch tranh cử, các vấn đề bao gồm chi phí sinh hoạt ngày càng cao, các ưu tiên trong chi tiêu chính phủ và chính sách nhập cư trong tương lai, sẽ chi phối cử tri Phần Lan bỏ phiếu quyết định đảng nào sẽ lãnh đạo chính phủ liên minh trong nhiệm kỳ 4 năm tới.
Tuy nhiên, khi đặt các vấn đề “cơm áo gạo tiền” sang một bên, Thủ tướng tiếp theo của Phần Lan sẽ lãnh đạo một quốc gia thành viên NATO có 1.340 km đường biên giới với Nga, tức dài bằng đường biên giới với Nga của tất cả các quốc gia thành viên NATO khác cộng lại.
Phần Lan có lực lượng pháo binh lớn nhất và được trang bị tốt nhất ở Tây Âu, theo Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cũng như một hệ thống quân dịch có thể huy động 280.000 binh sĩ, và có hàng trăm nghìn binh sĩ dự bị. Đây là lực lượng mà NATO rất vui mừng được chào đón.
Tóm lại, vào ngày 2/4 tới, cử tri Phần Lan có thể tập trung chủ yếu vào tương lai kinh tế của họ, nhưng chính phủ mà họ bầu ra sẽ phải đối mặt với những lựa chọn và rủi ro an ninh mà chưa một Thủ tướng Phần Lan nào từng đối mặt.
Minh Đức (Theo GZero Media, LBC)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/sau-khoanh-khac-trong-dai-voi-nato-dieu-gi-dang-cho-doi-phan-lan-a600732.html