CTCP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) vừa thông qua nghị quyết HĐQT về việc góp vốn vào công ty con do STK sở hữu 100% vốn điều lệ là Công ty TNHH Sợi Dệt Nhuộm Unitex (Unitex).
Cụ thể, Sợi Thế Kỷ góp 295,5 tỷ đồng vào Unitex nhằm bổ sung thêm vốn. Nếu việc góp vốn thành công, vốn điều lệ của Unitex sẽ tăng từ 222,1 tỷ đồng lên 517,6 tỷ đồng.
Số tiền Sợi Thế Kỷ rót vào công ty con đến từ điều động vốn cho vay, mượn công ty con, lãi suất cho vay mượn công ty con được luỹ kế từ năm 2015 đến 23/3/2023.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Sợi Thế Kỷ, Công ty TNHH Sợi Dệt Nhuộm Unitex trước đây là CTCP Sợi Dệt nhuộm Unitex, được thành lập ngày 29/6/2015 có địa chỉ tại Khu công nghiệp Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Ngày 20/10/2017, Sợi Thế Kỷ đã chính thức đầu tư 80 tỷ đồng vào Unitex với tỷ lệ sở hữu 100% vốn điều lệ. Đến ngày 31/12/2022, Unitex được bổ sung thêm 142,1 tỷ đồng nâng vốn điều lệ lên 222,1 tỷ đồng.
Khoản vay 52,5 triệu USD từ 5 ngân hàng nước ngoài
Mới đây, ngày 10/3, Sợi Thế Kỷ đã bảo lãnh cho Unitex là bên vay ký kết thành công khoản vay hợp vốn trị giá 52,5 triệu USD, tương đương 1.233 tỷ đồng để thực hiện đầu tư vào nhà máy mới Unitex giai đoạn 1. Đây là khoản vay lớn nhất từ trước đến nay của công ty.
Khoản vay này do CTBC Bank và Kasikorn Bank là đầu mối thu xếp cấp tín dụng và bảo lãnh chính, Shanghai Commercial and Savings Bank (Offshore Banking Branch) và Entie Commercial Bank là các thành viên thu xếp cấp tín dụng và E.SUN Commercial Bank là thành viên thu xếp cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, CTBC Bank cũng có vai trò là điều phối viên và đại lý đầu mối của hợp đồng hợp vốn này. Khoản vay này có được tài trợ bằng USD sẽ giải ngân trong năm 2023 và 2024, thời hạn vay trong 57 tháng.
Nhà máy Unitex có công suất quy mô 60.000 tấn sợi/năm. Trong đó giai đoạn 1 có 34.000 tấn sợi/năm và giai đoạn 2 có 24.000 tấn sợi/năm. Trong đó phục vụ chủ yếu cho việc mua máy móc, thiết bị và hệ thống chính của nhà máy.
Kế hoạch kinh doanh đi lùi
Ngày 9/3 vừa qua, Sợi Thế Kỷ đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Theo đó, công ty đặt mục tiêu 2.149,3 tỷ đồng doanh thu và 253,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với năm 2022, hai chỉ tiêu này lần lượt tăng gần 2% và 5%.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, cả năm 2022 STK ghi nhận gần 2.117 tỷ đồng, tăng 4% so với năm ngoái và lãi sau thuế đạt trên 240 tỷ đồng, giảm 14% so với năm ngoái. Kết thúc năm 2022, công ty mới đạt 81% kế hoạch doanh thu và 80% lợi nhuận sau thuế mà ban lãnh đạo đề ra.
Bên cạnh đó, STK cũng dự kiến chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%, tương ứng 100:15 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới).
Hiện STK đang có 81,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ phát hành 12,3 triệu cổ phiếu. Như vậy, nếu phát hành thành công 12,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15%, STK sẽ nâng vốn điều lệ từ 843 tỷ đồng lên 966 tỷ đồng, tương đương tăng 123 tỷ đồng. Thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2023, sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Kỳ vọng tăng trưởng trở lại từ quý III/2023
Theo Báo cáo ngành dệt may của VNDirect công bố ngày 9/3, do ở khâu thượng nguồn, các doanh nghiệp sản xuất sợi bị ảnh hưởng sớm hơn so với các doanh nghiệp hạ nguồn và do các khách hàng lớn giảm hàng tồn kho trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu.
Trong tháng 10/2022, Sợi Thế Kỷ đã đóng cửa nhà máy Củ Chi, chiếm 30% năng lực sản xuất của STK do nhu cầu suy yếu. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý IV/2022 kém khả quan là yếu tố có thể mang đến cơ hội tích lũy cổ phiếu.
VNDirect cho khoảng rằng thời gian khó khăn sẽ tiếp diễn trong 6 tháng đầu năm 2023. Ngoài ra, VNDirect kỳ vọng áp lực lạm phát toàn cầu sẽ hạ nhiệt kể từ quý III/2023 và Sợi Thế Kỷ có tiềm năng phục hồi sớm vào năm 2023.
VNDirect kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ròng của STK có khả năng tăng trở lại kể từ quý III/2023 nhờ nhu cầu phục hồi và khách hàng tăng hàng tồn kho để sản xuất cho vụ xuân 2024.
Bên cạnh đó, định giá hiện tại của STK là tương đối hấp dẫn đối với một nhà sản xuất sợi hàng đầu. Khi dự án Unitex hoàn thành, STK trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ hai tại Việt Nam vào năm 2025.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng sẽ có rủi ro giảm giá đến từ lạm phát cao hơn dự kiến tại thị trường xuất khẩu chính của STK và thời gian xây dựng của nhà máy Unitex dài hơn dự kiến.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/sau-khoan-vay-525-trieu-usd-stk-muon-rot-gan-300-ty-dong-vao-unitex-a597774.html