Mới đây, Newsweek đưa tin, cơ quan chức năng Úc đã tiếp nhận xác con rùa sau khi được phát hiện vào ngày 5/3 trên Bãi biển Whale ở phía bắc Sydney, Úc.
Cơ quan chức năng sẽ tiến hành khám nghiệm sinh vật để xác định nguyên nhân cái chết, nhưng do mức độ phân hủy của con vật này, người phát ngôn của Cơ quan Công viên Quốc gia và Động vật hoang dã cho biết, việc khám nghiệm tử thi có thể mất vài tuần để hoàn thành. Sau khi xác định được nguyên nhân cái chết, Bảo tàng Úc mong muốn lấy bộ xương của con rùa phục vụ công tác trưng bày, theo ABC News.
Đây không phải là lần đầu tiên những sinh vật này được tìm thấy đã chết gần Sydney. Cơ quan Động vật hoang dã và Công viên Quốc gia New South Wales cho biết, 6 con rùa luýt đã chết liên tiếp trôi dạt vào các bãi biển ở Sydney vào thời điểm này năm ngoái.
Rùa da hay rùa luýt (tên khoa học Dermochelys coriacea) là loài rùa biển lớn nhất trên thế giới và là loài bò sát lớn thứ tư sau 3 loài cá sấu. Con trưởng thành dài 1 đến 2 m, nặng khoảng 250 đến 700 kg. Con rùa luýt to nhất được biết dài 3 m, nặng 916 kg ở vùng biển phía tây Wales. Chúng rất dễ phân biệt với các loài rùa biển khác ngày nay vì chúng không có mai. Thay vào đó lưng của chúng được bao phủ bởi lớp da và thịt trơn..
Quốc Tiệp (lược dịch)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/phat-hien-xac-rua-khong-lo-dat-vao-mot-bai-bien-o-uc-a596587.html