Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 10/3 đã chào mừng Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Điện Élysée ở thủ đô Paris cho một Hội nghị Thượng đỉnh nhằm hàn mối quan hệ song phương căng thẳng hậu Brexit, cũng như cải thiện quan hệ quân sự và kinh doanh và tăng cường các nỗ lực chống lại người di cư qua eo biển Manche/eo biển Anh.
Theo văn phòng của ông Macron, hội nghị thượng đỉnh Pháp-Anh, lần đầu tiên được tổ chức kể từ năm 2018, sẽ cho thấy một “chương mới” đang mở ra trong quan hệ giữa hai nước. Sự kiện này trước đây đã được tổ chức gần như hàng năm.
Mối quan hệ Anh-Pháp trở nên lạnh nhạt trong bối cảnh tranh cãi thời hậu Brexit về quyền đánh bắt cá và các vấn đề khác, đồng thời chạm đáy dưới thời Thủ tướng Boris Johnson. Người kế nhiệm của ông Johnson, bà Liz Truss, đã làm nước Pháp “xù lông” vào năm ngoái khi bà nói rằng “chưa rõ” về việc ông Macron là bạn hay thù.
Nhưng xung đột Nga-Ukraine đã đưa Anh và các nước láng giềng châu Âu xích lại gần nhau hơn để ủng hộ Kiev, và tâm trạng được cải thiện sau khi ông Sunak, một nhà kỹ trị, thực dụng, nhậm chức vào tháng 10 sau nhiệm kỳ ngắn ngủi và gây bất ổn về kinh tế của bà Truss.
Chuyến thăm của ông Sunak cũng diễn ra 2 tuần trước khi Vua Charles III tới Pháp và sau đó là Đức trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi ông trở thành Quốc vương, trong nỗ lực tiếp theo của Anh nhằm xây dựng cầu nối với các nước láng giềng châu Âu.
“Trên hết, Hội nghị Thượng đỉnh Pháp-Anh sẽ là cơ hội để tái khẳng định và tăng cường hợp tác chặt chẽ về mặt hỗ trợ quân sự cho Ukraine”, theo tuyên bố từ văn phòng của Tổng thống Macron, vì cả hai nước đều là cường quốc hạt nhân duy nhất trong khu vực.
Một phái đoàn gồm 7 Bộ trưởng cấp cao của mỗi nước cũng tham gia hội nghị, bao gồm cả những quan chức chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại, quốc phòng và đối nội.
Tháng trước, Vương quốc Anh và EU đã công bố một bước đột phá trong các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp về các thỏa thuận thương mại hậu Brexit cho Bắc Ireland.
Anh cũng thận trọng hoan nghênh đề xuất của ông Macron về một Cộng đồng Chính trị châu Âu, một diễn đàn mới nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng trên khắp lục địa. Ra mắt vào tháng 10, nó tập hợp các thành viên EU hiện tại, cùng với các nước đã được cấp tư cách ứng cử viên EU ở khu vực Balkan và Đông Âu, cũng như Anh và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Sunak tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn về các biện pháp ngăn chặn hàng nghìn người di cư băng qua eo biển Manche/eo biển Anh từ Pháp sang Anh.
Vương quốc Anh và Pháp đã ký một thỏa thuận vào tháng 11 năm ngoái để tăng cường tuần tra của lực lượng cảnh sát trên các bãi biển ở miền bắc nước Pháp – với việc London đồng ý trả cho Paris 72,2 triệu Euro vào năm 2022-2023 – và ông Sunak hy vọng sẽ củng cố thêm sự hợp tác về giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp trong cuộc gặp với ông Macron hôm 10/3.
Theo văn phòng của Thủ tướng Anh Sunak, các cuộc đàm phán hôm 10/3 nhằm mục đích “làm cho tuyến đường di cư bằng thuyền nhỏ băng qua eo biển Manche/eo biển Anh trở nên bất khả thi, cứu mạng sống của người di cư và triệt phá các nhóm tội phạm có tổ chức đồng thời ngăn chặn việc di cư bất hợp pháp lên thượng nguồn”.
Vương quốc Anh đã công bố các kế hoạch gây tranh cãi trong tuần này để giam giữ và trục xuất những người đến nước này trên những con thuyền nhỏ, nhưng hầu như không có quốc gia nào đồng ý tiếp nhận bất kỳ người bị trục xuất nào.
Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Anh Sunak được cho là có khá nhiều điểm tương đồng: Cả hai đều còn khá trẻ, từng là nhân viên ngân hàng đầu tư, từng học ở các trường ưu tú và mặc những bộ vest được cắt may rất tinh tế. Không giống như 2 vị Thủ tướng Anh tiền nhiệm, ông Sunak chia sẻ cảm giác trung hữu với ông Macron: Họ lịch sự, giàu có và cả hai đều được coi là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trên hết. Thật không may cho họ, theo các cuộc thăm dò mới nhất, sự hào nhoáng bên ngoài này đang gặp khó khăn trong việc lấy lòng cử tri, và cả Anh và Pháp đều đang ở giữa những cuộc đình công diện rộng do các công đoàn lãnh đạo.
Mặc dù ông Sunak là một nhân vật tương đối xa lạ đối với công chúng Pháp, nhưng tâm trạng đã thay đổi vì ông Thủ tướng Anh đương nhiệm đã tỏ ra rằng mình sẵn sàng sửa chữa một mối quan hệ bị tổn hại nặng nề. Đối với Anh hay Pháp, duy trì mối quan hệ tốt với người hàng xóm thân thiết nhất của mình có lẽ tốt hơn cho cả đôi bên, và tốt hơn là sự đối kháng đã diễn ra trong 7 năm qua.
Minh Đức (Theo AP, The Guardian)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/co-hoi-cho-anh-phap-han-gan-quan-he-lang-gieng-a597268.html