Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4/2003 bởi nguyên Thủ tướng Chính phủ hai nước. Mục tiêu của Sáng kiến chung nhằm cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam thông qua các cuộc đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 20 năm của Sáng kiến này tại Hội thảo kinh tế cấp cao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản diễn ra sáng 7/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao việc các đối tác phía Nhật Bản đã luôn đồng hành và phối hợp với các bộ ngành phía Việt Nam triển khai thực hiện tốt Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản.
Trải qua 20 năm triển khai và đi tới giai đoạn số 8, đến nay 497/594 hạng mục đã hoàn thành tốt và đúng tiến độ, chiếm 84% tổng số hạng mục hai bên thực hiện. Riêng giai đoạn 8 được thực hiện trong 17 tháng (từ ngày 21/10/2021 đến ngày 7/3/2023) có 64 hạng mục hoàn thành tốt và đúng tiến độ, 9 hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ, 8 hạng mục thống nhất không triển khai.
“Sáng kiến chung là một trong những kênh đối thoại hiệu quả, góp phần tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Từ đó tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
4 đề xuất phát triển
Để phát huy hơn nữa vai trò của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất 4 định hướng trong thời gian tới.
Thứ nhất, với mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam đang chú trọng tới việc ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức.
Trong hành trình đó, Việt Nam mong muốn có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản rất có tiềm năng và phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam nêu trên.
Thứ hai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản không chỉ là kênh đối thoại giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản, mà thông qua đó, các doanh nghiệp sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình tham mưu, đề xuất việc xây dựng chính sách của Việt Nam, tập trung vào các nhóm vấn đề chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo….
Thứ ba, trong 8 giai đoạn vừa qua, đã có nhóm công tác tập trung phát triển năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam như nhóm công tác về lao động hay công nghiệp hỗ trợ.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị trong các giai đoạn tới, phía Nhật Bản sẽ cần có giải pháp cụ thể hơn nữa và bổ sung nguồn lực để tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả hợp tác đầu tư thông qua các đề án, chương trình cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị xây dựng Chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tập trung vào 3 lĩnh vực: chuyển đổi số; phát triển công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nhân lực.
Thứ tư, bên cạnh việc tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, phía Nhật Bản sẽ tăng cường và tham gia sâu vào quá trình triển khai các cơ chế chính sách.
Đề nghị các nhóm công tác phía Nhật Bản phối hợp với các bộ ngành liên quan của Việt Nam và các địa phương nghiên cứu triển khai, có thể thông qua việc đề nghị Chính phủ Nhật Bản đưa ra các gói hỗ trợ phù hợp (gói viện trợ không hoàn lại) để có chương trình hành động và đề án cụ thể nhằm hiện thực hóa các ý tưởng và kế hoạch đề ra. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các nhóm kỹ thuật phía Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục trao đổi, thống nhất để báo cáo lãnh đạo hai bên xem xét nội dung của giai đoạn tiếp theo.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ ngành sẽ tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đem lại hiệu quả hợp tác đầu tư cho cả hai bên, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội, làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, vì sự thịnh vượng chung của hai dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Hơn 2.000 DN Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam
Bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong 50 năm qua, ông Ichikawa Hideo – Cố vấn Tập đoàn Resonac Holdings, Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt cho rằng một trong những nền tảng tăng cường quan hệ hai nước là Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản.
Theo đó, sáng kiến đã hỗ trợ Việt Nam, xây dựng những hạ tầng kinh tế quan trọng, tiến hành các dự án ODA. Từ đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng trưởng công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Ichikawa Hideo khẳng định, ngày nay Việt Nam là đất nước đã đạt thành tựu kinh tế vững chắc, có chính trị- xã hội ổn định, dân số 100 triệu người, người dân cần cù, thành thật, chân thành, cửa ngõ quan trọng của ASEAN với thế giới, một thị trường hấp dẫn.
“Hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 65 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực. Điều này có được nhờ sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, đã luôn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản”, ông Ichikawa Hideo cho biết.
Thay mặt các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Ichikawa Hideo bày tỏ sự chân thành cảm ơn Chính phủ Việt Nam và cho biết sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển thời gian tới.
Nhân dịp này, 3 vị đồng Chủ tịch Sáng kiến chung Việt Nhật, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký Biên bản về báo cáo đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 8 để đánh dấu 20 năm triển khai cũng như các định hướng triển khai thời gian tới.
Giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã được thực hiện trong 17 tháng từ ngày 21/10/2021 đến ngày 7/3/2023, bao gồm 11 nhóm vấn đề, gồm:
(1) Đẩy mạnh việc áp dụng án lệ, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, cạnh tranh công bằng, tự do; (2) Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; (3) Cải thiện các vấn đề về môi trường lao động; (4) Luật PPP; (5) Cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán; (6) Phương thức thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tạo ra cơ cấu nguồn điện tốt nhất tại Việt Nam; (7) Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về lắp đặt đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên; (8) Các vấn đề liên quan đến đất đai; (9) Công nghiệp hỗ trợ; (10) Đổi mới sáng tạo; (11) Phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nhin-lai-chang-duong-20-nam-cua-sang-kien-chung-viet-nam-nhat-ban-a596705.html