Cuối năm 2022, trên địa bàn huyện Lang Chánh xảy ra vụ chặt phá rừng tự nhiên với diện tích, số lượng lớn gây xôn xao dư luận. Nhận được tin, UBND huyện Lang Chánh đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình an ninh rừng trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão trên địa bàn.
Kết quả kiểm tra, từ 7-9/1, đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 50 lô rừng thuộc thôn Tráng và Yên Thành, xã Yên Thắng. Kết quả, đã phát hiện 198 cây gỗ (gồm 12 cây gỗ cao su và cây gỗ vườn nhà; 73 cây gỗ tự nhiên tái sinh trên đất trống, trong rừng trồng keo, luồng; 113 cây trong rừng tự nhiên nghèo kiệt phục hồi là rừng sản xuất) thuộc loại gỗ thông thường từ nhóm VII – VIII bị khai thác chỉ còn lại gốc.
Đa số cây có đường kính mặt cắt gốc trung bình 20 – 2cm và một số cây 30 – 40 cm. Phần lớn gỗ, củi đã được lấy khỏi hiện trường. Số còn lại được cắt thành 130 khúc dạng củi, đường kính đầu lớn 8 – 9 cm, dài 1 m, trọng lượng 1,1 tấn (tương đương 1,1 m3). Khối lượng 186 cây gỗ tự nhiên là 22,698 m3.
Các cây gỗ bị khai thác nằm rải rác trên diện tích của 50 lô rừng, được giao cho 12 hộ gia đình, 4 nhóm hộ (gồm 18 hộ gia đình) và Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa.
Mở rộng kiểm tra ở 14 lô rừng khác phát hiện 146 cây gỗ thông thường thuộc rừng tự nhiên tái sinh nghèo và trung bình (đa số cây ưa sáng mọc nhanh từ nhóm VII – VIII) có đường kính mặt cắt gốc trung bình 12 – 20 cm, một số cây đường kính gốc 30 – 40 cm. Phần lớn gỗ, củi sau khai thác đã được đưa ra khỏi rừng. Số còn lại được cắt ngắn (dạng củi) dài 50 – 60 cm, hình thù phức tạp, trọng lượng 5,5 tấn (tương đương 5,5 m3) trong đó, đã thu hồi 3,0 tấn, đang tiếp tục thu hồi 2,5 tấn.
Khối lượng các cây gỗ bị khai thác trái phép chỉ còn lại gốc chặt là 10,209 m3. Diện tích rừng nói trên, đã được giao cho 9 hộ gia đình. Qua vết chặt, gốc cây và số củi còn tại rừng xác định thời gian khai thác từ tháng 8/2022 đến tháng 12/2022.
Đã kiểm tra tổng số 64 lô, 16 khoảnh, 4 tiểu khu; số chủ rừng là 21 hộ gia đình, 4 nhóm hộ (gồm 18 hộ gia đình) và Công ty TNHH MTV cao su Thanh Hóa; có 332 cây gỗ thông thường thuộc rừng tự nhiên bị khai thác trái phép; trong đó có 73 cây tái sinh trên đất trống và trong rừng trồng; 259 cây tái sinh trong tự nhiên nghèo và trung bình là rừng sản xuất; khối lượng gỗ củi là 32,907 m3; số còn tại rừng 2,5 tấn dạng củi (tương đương 2,5 m3); số đã thu hồi 4,1 tấn (tương đương 4,1 m3).
Cơ quan chức năng kiểm tra tại gia đình ông Lê Văn Toàn, trú tại thôn Yên Thành, xã Yên Thắng phát hiện cất giữ trái pháp luật 1,8 tấn củi (0,8 tấn của tươi và 1,0 tấn củi khô, mục). Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập hồ sơ tạm giữ toàn bộ lâm sản. Phát hiện tại bìa rừng, đường mòn vào rừng cất giấu 4,1 tấn củi (4,1 m3) không xác định được đối tượng cất giấu; đã lập hồ sơ tạm giữ lâm sản.
Ngày 8/1, kiểm tra tại nhà ông Lê Thế Anh, trú tại thôn Yên Thành, xã Yên Thắng, cất giữ 47 tấm gỗ loại thông thường còn tươi, khối lượng 0,709 m3 sử dụng để sửa nhà. Số gỗ trên ông Anh khai thác trái pháp luật tại bản Hơn Piềng, thôn Tráng là rừng sản xuất nghèo kiệt thuộc rừng tự nhiên.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho biết, xã là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của huyện Lang Chánh. Người dân Yên Thắng phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, lâu nay sống dựa vào rừng.
Do nhà của của đồng bào phần lớn làm bằng gỗ, chủ yếu là gỗ tạp sau một thời gian sẽ bị mối mọt, hư hỏng nên dân đã tự động lên rừng chặt những cây gỗ tái sinh (gỗ tạp nhóm VI – VIII) về tu sửa nhà cửa. Trước tết Nguyên đán, một số người dân trong quá trình khai thác keo thì đã chặt hạ luôn nhưng cây gỗ tái sinh ở bìa hoặc mọc xen kẽ trong rừng keo. Ngoài ra, một số hộ dân do điều kiện kinh tế khó khăn nên “túng làm liều” lên rừng chặt cây gỗ tạp bán củi làm chất đốt cho các cơ sở chế biến lâm sản.
Theo ông Hải, để xảy ra việc người dân phá rừng trái phép là trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, ngoài tập quán cư trú, điều kiện kinh tế khó khăn thì xã Yên Thắng có diện tích tự nhiên rộng, dân số đông so với xã miền núi, chiều dài của xã hơn 20km. Hiện tại, xã không có cán bộ chuyên trách mảng lâm nghiệp nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi không buông lỏng hoặc tiếp tay cho người dân phá rừng. Năm 2022, địa phương đã chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ phá rừng. Nhiều đêm tôi phải trực tiếp lái xe dẫn lực lượng công an, quân sự vào rừng bắt gỗ”, ông Hải nói
Ông Nguyễn Trung Kiên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lang Chánh cho biết, sau khi vụ việc phá rừng xảy ra, đơn vị đã phân công một kiểm sát viên và một lãnh đạo viện kiểm sát, chỉ đạo kiểm sát tin báo tố giác tội phạm.
Quá trình xác minh, thu thập chứng cứ, điều tra, kiểm sát viên trực tiếp vào rừng để khám nghiệm hiện trường. Cá nhân ông Kiên và lãnh đạo Viện cũng nhiều lần vào hiện trường để kiểm tra, chỉ đạo công tác điều tra và đưa ra các yêu cầu, hướng điều tra mới.
Theo ông Kiên, việc phá rừng xảy ra trong 4 tháng cuối năm 2022, trên nhiều diện tích, nhiều chủ rừng. Phần lớn diện tích rừng bị chặt phá là rừng tái sinh, gỗ tạp, hầu như không có giá trị sử dụng. Việc rừng bị phá xảy ra trong thời gian dài, không có tổ chức, phần lớn không thu giữ được tang vật nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn.
Dù diện tích rừng bị phá xảy ra trên diện rộng, tổng khối lượng gỗ tương đối lớn, nhiều người tham gia, nhưng quá trình điều tra chỉ xác định 2 đối tượng phá rừng (các đối tượng khác không xác định được) mục đích để lấy củi và gỗ làm nhà. Trong vụ việc này, do định lượng diện tích rừng và khối lượng gỗ 2 đối tượng này phá làm căn cứ không đủ để xử lý hình sự, khi hết thời gian xác minh tin báo tội phạm, Hạt Kiểm lâm Lang Chánh đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Viện kiểm sát nhân dân huyện Lang Chánh cũng đồng ý với quyết định này.
Tuy nhiên, theo ông Kiên, khi vụ án không bị xử lý hình sự thì sẽ kiến nghị các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền xem xét xử lý về mặt Đảng và Chính quyền đối các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm liên quan tới vụ việc.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dien-bien-moi-viec-xu-ly-vu-chat-pha-go-tai-64-lo-rung-o-thanh-hoa-a596407.html