ChatGPT mặc dù chỉ cung cấp dịch vụ hỏi đáp thông minh, tuy nhiên ứng dụng này đã trở thành “cơn sốt” khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu nó sẽ tác động thế nào đến giáo dục ở Việt Nam?
Tại tọa đàm “Giáo dục và hệ sinh thái AI- GPT: Cơ hội và thách thức” được tổ chức sáng 23/2, TS.Tôn Quang Cường, Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục đã nhận diện vấn đề của giáo dục khi ChatGPT xuất hiện. Chuyên gia lưu ý rằng, có quá nhiều thầy cô giáo lo lắng tham gia những lớp học hướng dẫn sử dụng công cụ này là không cần thiết và phù hợp.
“Thời gian qua, ChatGPT đã “phả một hơi nóng” vào câu chuyện giáo dục làm cho chúng ta phải bình tĩnh nhìn nhận lại cách chúng ta làm giáo dục hiện nay”, thầy Cường đánh giá.
Nhìn nhận ở đây theo chuyên gia là thay đổi cách tiếp cận trong dạy học và quản lý, Nếu như trước kia dạy theo kiểu cung cấp câu trả lời, thì bây giờ chuyển sang dạy người học cách đi tìm kiếm câu trả lời. Tuy nhiên, để làm được điều này, quan trọng phải biết đặt câu hỏi và người học phải biết mình muốn hỏi điều gì.
Điều này đặt trong xu hướng dạy học số hiện nay, TS.Tôn Quang Cường cho rằng: “Cách học mới là người học có vai trò cầm quyền, tính tự học, tự quyết của học sinh càng ngày được nâng cao. Người học sẽ tự quyết định điều gì là có ý nghĩa để học tập”. Phương pháp này tạo sự cá nhân hoá học tập cho học sinh – việc vẫn khó diễn ra ở hiện tại.
Nhận diện ở góc độ thứ hai, liên quan đến nội dung, câu trả lời của ChatGPT là nhờ các thuật toán, việc sản sinh ra câu trả lời nhanh chóng là một cơ hội rất lớn với người học, giúp họ có thể tiếp nhận thông tin mọi lúc mọi nơi.
Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng đây mới chỉ là điểm khởi đầu, các tác động của công nghệ làm manh nha mô thức giáo dục mới. Mặc dù không phủ nhận giáo dục trực tiếp nhưng TS.Cường kỳ vọng ChatGPT sẽ là gợi ý để thay đổi mô hình học tập có tính vượt trội hơn, hỗ trợ môi trường giảng dạy, tạo cảm xúc thay thế giảng dạy truyền thống.
Để có cái nhìn toàn diện, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trường Đại học Giáo dục đã sử dụng ChatGPT trong dạy học môn Toán, Khoa học tự nhiên theo Chương trình GDPT 2018.
Sau nhiều lần sử dụng để xây dựng kế hoạch dạy học, thầy Nguyễn Chí Thành cho biết câu trả lời được tổng hợp từ nhiều nguồn, giáo viên có thể sử dụng nhiều ví dụ, bài tập mà ChatGPT cung cấp.
“Tuy nhiên, kế hoạch này chưa đáp ứng được mục tiêu, đưa ra các hoạt động không theo tiến trình, cấu trúc của dạy học chưa phù hợp với quy định hiện nay. Vì là những dữ liệu tổng hợp, nên sẽ có những thông tin cũ và không cập nhật nội dung mới. ChatGPT chưa thể trả lời hết những câu hỏi của học sinh, và vẫn cần sự huấn luyện của con người”, ông Nguyễn Chí Thành nói rõ.
Cũng tại toạ đàm, đại diện Khoa Quản trị chất lượng, Trường Đại học Giáo dục cũng đưa đến quan điểm sử dụng ChatGPT có một số hạn chế và lý do không nên sử dụng.
Theo đó, qua khảo sát và sử dụng có thể thấy được ứng dụng này thiếu khả năng tương tác cá nhân như giáo viên. Chat GPT có thể hỗ trợ các hoạt động học tập cơ bản như tìm kiếm thông tin và giải đáp câu hỏi. Tuy nhiên, nó không thể đánh giá được các kỹ năng mềm và khả năng tương tác xã hội của học sinh.
Ứng dụng này có thể cung cấp các câu trả lời chính xác cho các câu hỏi nhưng không thể giải thích chi tiết và cung cấp thông tin bổ sung.
Nếu học sinh dựa quá nhiều vào Chat GPT để tìm kiếm thông tin và giải quyết các vấn đề, họ có thể dễ dàng trở nên lười học và mất khả năng tự tìm kiếm và giải quyết vấn đề. Ngoài ra ứng dụng này không có khả năng hiểu và cảm nhận được tình cảm và nhu cầu của học sinh.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chatgpt-pha-hoi-nong-vao-cau-chuyen-lam-giao-duc-a594959.html