Sau khi bị HoSE huỷ niêm yết, gần 710 triệu cổ phiếu FLC đã chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký về UpCOM kể từ ngày 22/2.
Lý do chuyển sàn do CTCP Tập đoàn FLC bị hủy niêm yết theo Quyết định số 51 ngày 13/2/2023 của Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCOM theo quy định tại Điều 133 Nghị định số 155 của Chính Phủ.
Những tưởng gần 710 triệu cổ phiếu FLC sẽ chính thức được giao dịch trên UpCOM vào cuối tháng 2/2023 nhưng cho đến phiên giao dịch sáng ngày 22/2, mã FLC vẫn chưa được phép giao dịch trên sàn này.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho biết theo pháp luật, dù cổ phiếu bị huỷ niêm yết thì công ty có cổ phiếu bị huỷ niêm yết vẫn phải có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông.
Theo đó, việc cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết trên HoSE sẽ không gây ảnh huởng đến các quyền lợi cơ bản của cổ đông như: nhận cổ tức, mua bán cổ phần, chuyển nhượng cổ phần, nếu công ty phá sản được nhận một phần tài sản còn lại phù hợp với tỉ lệ sở hữu,…
Lãnh đạo của Yuanta Việt Nam cho rằng trước đây trên HoSE, các nhà đầu tư đa phần sở hữu cổ phiếu này với mục đích để “lướt sóng”, do đó việc cổ phiếu bị huỷ niêm yết, cổ đông nắm mã này trong tay sẽ chỉ chịu thiệt do không còn có thể thoải mái giao dịch mã này ở vùng giá “sốc” nữa và khó chuyển số cổ phiếu đang có thành tiền mặt.
Ở khía cạnh tích cực, ông Minh còn cho rằng việc cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết vào thời điểm này không khiến thị trường bị rung lắc quá nhiều. Nguyên do bởi mã này đã bị đình chỉ giao dịch từ tháng 9/2022, từ đó đến nay nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn tâm lý nên dù mã này bị huỷ niêm yết cũng không còn khiến thị trường bị “sốc”.
Về vấn đề cổ phiếu được chuyển lưu ký sang UpCOM nhưng vẫn chưa được phép giao dịch, ông Minh cho rằng do doanh nghiệp đang phải chịu sự ảnh hưởng từ vụ việc lãnh đạo cũ của Tập đoàn là ông Trịnh Văn Quyết bị bắt để điều tra, từ đó khiến các cơ quan quản lý sẽ mất nhiều thời gian hơn để xem xét cho phép mã FLC được giao dịch trên sàn UpCOM.
Bên cạnh đó, vì liên tục biến động nhân sự thượng tầng, FLC đến nay vẫn chưa thể công bố hàng loạt báo cáo tài chính kiếm toán – điều kiện bắt buộc để cổ phiếu được giao dịch trên sàn, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ cấp phép giao dịch của mã này.
Lấy ví dụ về mã ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros, dù đã chuyển từ HoSE sang sàn UpCOM từ tháng 8/2022 nhưng cho đến nay mã này vẫn chưa được chấp thuận đăng ký giao dịch do có liên quan trực tiếp tới tội danh “thao túng thị trường chứng khoán” của ông Trịnh Văn Quyết.
Ông Minh nêu quan điểm cổ phiếu FLC có nhiều khả năng được giao dịch trở lại nhiều hơn ROS bởi tập đoàn vẫn đang hoạt động bình thường, với số vốn điều lệ và tài sản nhất định, hiện FLC chỉ cần chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng và hướng dẫn của cơ quan quản lý.
Ngoài ra, vị chuyên gia chứng khoán còn dự báo trong trường hợp tích cực nhất, cổ phiếu FLC vẫn có khả năng được quay lại giao dịch trên HoSE nếu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của Sở chứng khoán.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/duoc-chap-thuan-chuyen-sang-upcom-flc-van-chua-the-giao-dich-a594755.html