Theo thông tin từ UBND xã Đông Quang, bắt đầu từ thứ 7 (4/2), toàn bộ khối mầm non xã Đông Quan, huyện Đông Sơn đã được đi học trở lại, chậm gần 1 tuần so với lịch học cụ thể mà Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã ban hành trước đó (từ 18/1 đến hết 29/1).
Tuy nhiên, do trường học mới vẫn chưa kịp hoàn thiện, chậm so với dự kiến của địa phương nên các cháu mầm non được tạm bố trí học tại các nhà văn hóa thôn trên địa bàn xã này.
Theo ghi nhận thực tế, sau khi có kế hoạch đi học lại, toàn bộ khối mầm non được địa phương bố trí học tại 5 điểm nhà văn hóa thôn, mỗi điểm có khoảng 40 cháu. Thực tế, cơ sở vật chất tại các nhà văn hóa tương đối tốt do vừa được xây mới trong các dự án nông thôn mới. Đồng thời, để phục vụ tốt việc dạy và học cũng như sinh hoạt thì tất cả đồ dùng cơ bản cũng được di chuyển về địa điểm tạm này để phục vụ cô trò.
Theo ông Hồ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đông Quang cho biết, do nhà trường đang thi công xây dựng một số hạng mục của trường mấm non mới, không đảm bảo an toàn cho các cháu nên khoảng 250 cháu học sinh Trường mầm non Đông Quang phải tạm nghỉ học.
“Ban đầu nhà thầu thi công dự kiến sẽ hoàn thành hạng mục sân bê tông của cơ sở mới trước ngày các cháu đi học lại sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do thời tiết nồm ẩm nên việc thi công không thể hoàn thành theo kế hoạch nên dẫn tới sự việc các cháu chậm tới trường. Sau khi xin ý kiến chúng tôi đã bố trí các cháu đi học lại từ ngày 4/2”, ông Trường phân trần.
Theo tìm hiểu, mặc dù trường mầm non của xã Đông Quang chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng khu nhà mới 12 phòng học nhưng đã cho sửa chữa, cải tạo lại khu nhà 2 tầng cũ có 6 phòng học, cùng khu vực sân trường mà các em đang học tập trước đó. Sự việc này gây nguy cơ mất an toàn cho các cháu khi qua lại khu vực này.
Trước đó, nhiều phụ huynh xã Đông Quang không hài lòng khi trẻ nghỉ học, điều này không chỉ ảnh hưởng tới việc học của các cháu mà còn ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày của nhiều gia đình, khi phải đi sớm về muộn, trong khi không có người trông coi, cơm nước cho con cái.
Trao đổi với ông Phạm Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Sơn về sự việc trên, ông Dũng cho biết, sau khi kiểm tra công tác thi công xây dựng tại trường, tuy nhiên thấy không đảm bảo an toàn cho học sinh nên phải cho nghỉ để thực hiện phương án thay thế.
“Sau khi đi kiểm tra ngày 29/1, nhận thấy tình trạng mất an toàn tôi đã chỉ đạo xã và trường xây dựng phương án cho các con ra nhà văn hóa thôn để học. Tuy nhiên, việc chuyển từ trường ra nhà văn hóa thôn liên quan đến việc ăn bán trú, hệ thống vệ sinh,… của các con nên thời gian bị chậm chễ. Việc này chúng tôi có kế hoạch để các cháu học bù”, ông Dũng cho biết.
Đồng thời, khi trao đổi về trách nhiệm cũng như thẩm quyền trong việc chậm chễ cho các cháu tới trường sau nghỉ Tết so với lịch chung của tỉnh, ông Dũng cho biết, việc này cũng vì an toàn của các cháu, phòng Giáo dục huyện đã xin ý kiến và được sự đồng ý của thường trực UBND huyện Đông Sơn để xây dựng phương án.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc công ty luật An Doanh tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, theo Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ban hành năm 2017, kế hoạch thời gian năm học được ban hành căn cứ theo từng địa phương và thẩm quyền thuộc Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết khắc nghiệt, thiên tai bão lũ… Việc chậm học không những sẽ ảnh hưởng tới các cháu mà còn ảnh hưởng tới cả sinh hoạt, công việc chung của cả gia đình. Vì vậy, các địa phương khi muốn thay đổi trong các trường hợp đặc biệt cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Theo Quyết định Số 2071/QĐ-BGDĐT ban hành năm 2017, Ban hành khung thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017 – 2018.
Điều 4. Trách nhiệm thực hiện
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định:
a) Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.
b) Thời gian nghỉ học và thời gian kéo dài năm học trong trường hợp đặc biệt.
2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học.
b)…
Việt Phương
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thanh-hoa-hoc-sinh-mam-non-mot-xa-duoc-nghi-tet-them-1-tuan-a594417.html