Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 6523/BNV-VTLTNN của Bộ Nội vụ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Lưu trữ (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Theo quy định tại Dự thảo, Nhà nước có chính sách thừa nhận quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ và các hoạt động liên quan đến tài liệu lưu trữ tư sẽ thực hiện trên cơ sở quyền của chủ sở hữu, Nhà nước chỉ can thiệp và/hoặc hạn chế khi các yếu tố lợi ích công cộng bị ảnh hưởng. Đây là cách tiếp cận hợp lý.
Tuy vậy, để đảm bảo rõ ràng trong các quy định liên quan đến quản lý tài liệu lưu trữ công (của Đảng, Nhà nước) với quản lý tài liệu lưu trữ tư, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số các quy định.
Chưa quy định rõ và thống nhất về cơ chế quản lý đối với tài liệu lưu trữ quý, hiếm
Khoản 1 Điều 13 Dự thảo quy định “tài liệu lưu trữ quý, hiếm không phân biệt hình thức sở hữu được đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ ở trung ương và cấp tính, được lựa chọn để đăng ký vào chương trình, danh hiệu của khu vực và thế giới”. Theo quy định này thì “được đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ” là “quyền” và người có tài liệu lưu trữ quý, hiếm có thể thực hiện quyền hoặc không, tức là có thể thực hiện đăng ký hoặc không đăng ký với cơ quan nhà nước.
Trong khi đó, khoản 2 Điều 16 Dự thảo lại quy định “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hiến tặng, ký gửi, đăng ký, bán tài liệu lưu trữ của mình cho Nhà nước. Tài liệu lưu trữ quý, hiếm phải được đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về lưu trữ”. Quy định này lại theo hướng cá nhân, tổ chức có tài liệu lưu trữ quý, hiếm bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Như vậy, ngay chính trong Dự thảo, các quy định là chưa rõ và chưa thống nhất về vấn đề đăng ký tài liệu lưu trữ quý, hiếm với cơ quan nhà nước là thủ tục bắt buộc hay là không? Đề nghị ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo rõ ràng trong chính sách”, VCCI kiến nghị.
Các trường hợp tài liệu lưu trữ không được tiếp cận
Khoản 2 Điều 32 Dự thảo quy định về các trường hợp tài liệu lưu trữ không được tiếp cận, cụ thể: Trường hợp thứ nhất, tài liệu thuộc Danh mục tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật và chưa được giải mật; Trường hợp thứ hai, tài liệu không thuộc Danh mục tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật nhưng “có nội dung thông tin nếu sử dụng rộng tãi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
VCCI nhận định, quy định tại trường hợp thứ hai là chưa thực sự rõ ràng, bởi vì cách thức nào để biết được tài liệu lưu trữ mặc dù không thuộc Danh mục tài liệu mật nhưng lại không được phép tiếp cận? Quy định thiếu rõ ràng có thể khiến việc khai thác các tài liệu lưu trữ gặp khó khăn, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ việc xác định các loại tài liệu thuộc trường hợp thứ hai như thế nào? Do cơ quan, tổ chức nào công bố?
Về tiếp cận tài liệu lưu trữ liên quan đến cá nhân, điểm b khoản 3 Điều 32 Dự thảo Luật quy định: “Tài liệu lưu trữ liên quan đến cá nhận được tiếp cận rộng rãi sau 40 năm nếu được cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp của cá nhân đó phép”.
VCCI cũng cho rằng điều này chưa rõ ràng, vì theo quy định trên, để được tiếp cận rộng rãi tài liệu liên quan đến cá nhân cần đáp ứng cả hai điều kiện gồm: sau 40 năm và cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp của cá nhân đó đồng ý.
“Điều này là chưa hợp lý, vì nếu cá nhân đó là chủ sở hữu của tài liệu lưu trữ, thì không cần phải quy định về mốc thời gian là 40 năm, tài liệu này có thể được tiếp cận bất kì thời gian nào, miễn là cá nhân/người đại diện hợp pháp của cá nhân cho phép.
Nếu cá nhân đó không phải là chủ sở hữu của tài liệu lưu trữ thì có thể hiểu, sau 40 năm, quyền của chủ sở hữu sẽ không còn được bảo hộ, nhưng điều kiện để tiếp cận tài liệu này vẫn phải có sự đồng ý của cá nhân có liên quan trong tài liệu. Điều này chưa thực sự phù hợp, trong một số trường hợp, cá nhân không còn có quyền đối với các nội dung trong tài liệu”, văn bản góp ý của VCCI nêu.
Bên cạnh đó, VCCI nhận định, thời hạn 40 năm quy định trên là chưa khớp với thời hạn thời hạn bảo hộ quyền tài sản theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ khiến việc thực hiện gặp một số khó khăn khi tài liệu lưu trữ thuộc sản phẩm là đối tượng của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Để đảm bảo tính rõ ràng và thống nhất, VCCI đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định về việc tiếp cận tài liệu liên quan đến cá nhân, trong đó có liên hệ tới quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Dự thảo đã bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới, so với Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư 2020. Theo quy định của pháp luật về đầu tư, việc bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ phải phân tích sự cần thiết, đánh giá tác động, đánh giá tính hợp lý, khả thi của việc bổ sung này. Tuy vậy, trong nội dung Tờ trình lại không thấy đề cập đến việc bổ sung các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới này – trong khi đây lại là một trong những quy định lớn của Dự thảo.
Đối với việc bổ sung các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Dự thảo, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
Đối với hoạt động lưu trữ tài liệu, Khoản 3 Điều 16 Dự thảo quy định “Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định điều kiện thành lập và hoạt động của tổ chức, cá nhân hoạt động lưu trữ tài liệu”. Quy định này được hiểu, để thực hiện hoạt động lưu trữ tài liệu, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng điều kiện thành lập và hoạt động. Theo quy định của pháp luật về đầu tư, đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, ngành nghề này lại khác “hoạt động dịch vụ lưu trữ” quy định tại Điều 38 Dự thảo và không được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được đề xuất bổ sung vào Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 quy định tại Điều 52 Dự thảo.
Quy định tại khoản 3 Điều 16 Dự thảo là chưa phù hợp về mặt thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh: Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020, Bộ trưởng không có thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh; Chưa thống nhất với quy định tại Dự thảo và pháp luật đầu tư khi xác định hoạt động lưu trữ tài liệu là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Để đảm bảo tính thống nhất và rõ ràng, đề nghị ban soạn thảo bỏ quy định “Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định điều kiện thành lập và hoạt động của tổ chức, cá nhân hoạt động lưu trữ tài liệu” tại khoản 3 Điều 16 Dự thảo.
Đối với các hoạt động dịch vụ lưu trữ, Khoản 1 Điều 38 Dự thảo quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm: Dịch vụ chỉnh lý tài liệu; Dịch vụ số hóa tài liệu lưu trữ; Dịch vụ bảo quản tài liệu lưu trữ; Dịch vụ tư vấn. Việc xác định các ngành nghề trên là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần được cân nhắc xem xét.
Nhà nước đang có chính sách “thừa nhận quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ; khuyến khích tổ chức, cá nhân… đóng góp, tài trợ cho hoạt động lưu trữ và thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ” (khoản 3 Điều 5 Dự thảo). Việc ràng buộc điều kiện kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ dường như đi ngược lại chính sách này.
Mặt khác, không nhận thấy lợi ích công cộng nào bị ảnh hưởng/tác động nếu không kiểm soát điều kiện của tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ lưu trữ tài liệu tư – đây là yếu tố quan trọng để xác định có cần thiết phải áp dụng điều kiện kinh doanh hay không. Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020 quy định “ngành nghề Đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Trong hoạt động lưu trữ tư, các bên có thể tự thỏa thuận về việc lưu trữ để đảm bảo an toàn của tài liệu. Nhà nước không nhất thiết phải can thiệp vào mối quan hệ này.
Hơn nữa, đối với các tài liệu lưu trữ quan trọng, giá trị của Nhà nước, Dự thảo quy định các tài liệu lưu trữ của Nhà nước sẽ do các cơ quan nhà nước thực hiện và các cơ quan, tổ chức “trách nhiệm xây dựng, bố trí kho lưu trữ, thiết bị, phương tiện cần thiết và thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ và bảo đảm việc sử dụng tài liệu lưu trữ” (khoản 1 Điều 27 Dự thảo).
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc không xác định các hoạt động trên là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong trường hợp cần thiết phải bổ sung vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đề nghị ban soạn thảo bổ sung các nội dung để chứng minh sự phù hợp với Điều 7 Luật Đầu tư 2020 và quy định rõ các điều kiện kinh doanh dự kiến áp dụng đối với các ngành nghề này để có thể nhận diện rõ hơn về chính sách, đánh giá tính hợp lý của các điều kiện kinh doanh.
Tuệ Minh
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vcci-can-quy-dinh-cu-the-cac-tai-lieu-luu-tru-khong-duoc-tiep-can-a594450.html