Hội thảo góp ý về sửa đổi bổ sung Nghị định 95 và 83 do VCCI tổ chức sáng 14/2 có sự góp mặt của hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối xăng dầu.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh thị trường xăng dầu vẫn đang diễn biến nóng bỏng suốt thời gian dài vừa qua khi hàng loạt vấn đề chưa được giải quyết như thiếu xăng bán lẻ, nhiều cửa hàng tự ý đóng cửa, không thông báo và chưa được sở công thương địa phương cho phép ảnh hưởng đến tâm lý và nguồn cung xăng dầu trên thị trường…
Tại hội thảo, đại diện của nhiều doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ đã có những đối thoại, góp ý về quản lý kinh doanh xăng dầu.
Mong muốn về mức chiết khấu tối thiểu
Đại diện cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, ông Giang Chấn Tây – Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh kiến nghị việc cần xác lập vị thế của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cao hơn. Bởi theo ông, cộng đồng bán lẻ tư nhân đang chiếm thị phần lớn chuỗi cung ứng, nhất là phủ khắp cho vùng sâu, vùng xa mà doanh nghiệp Nhà nước không thể kham nổi hết.
Gửi kiến nghị đến VCCI, Bộ Công Thương, ông Giang Chấn Tây mong muốn việc có quy định rõ ràng về mức chiết khấu tối thiểu.
“Cần xem chiết khấu như là phí xăng dầu mà doanh nghiệp bán lẻ thu hộ chứ không phải là vấn đề quá to tát. Thay vì trước đây nộp cho Nhà nước thì nay giữ lại để hoạt động và coi đây là công cụ để giúp doanh nghiệp bán lẻ hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới”, ông Tây bày tỏ.
Vị này phân tích, phần chiết khấu (thù lao) tối thiểu là phần cứng và là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu được đề xuất khi trong công thức giá cơ sở, nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu được ổn định, công bằng.
Phần chiết khấu còn lại là phần mềm – là sự cơ động, linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh dành thị phần.
“Đây chính là phần thị trường và là phần tăng thêm được hưởng của doanh nghiệp bán lẻ. Nếu không cho lấy nhiều nguồn thì doanh nghiệp bán lẻ sẽ không có phần mềm này và thị trường trở nên co cứng. Cho dù là Nhà nước quy định giá bán lẻ hay là thả nổi giá để tự doanh nghiệp quyết định thì ai dám chắc rằng các đầu mối sẽ cho chiết khấu cao hơn điểm hòa đầu đi vốn?”, ông Tây nói.
Nêu giải pháp để có chiết khấu, ông Tây cho rằng chi phí lưu thông trong công thức tính giá cơ sở cần phải được chia rõ phần phí phí và lợi ích ở cả 3 khâu, gồm doanh nghiệp đầu mối – thương nhân phân phối – doanh nghiệp bán lẻ.
Hiện nay chi phí lưu thông chung là 1.350 đồng/lít xăng, gồm có lợi nhuận định mức là 300 đồng và 1.050 đồng chi phí lưu thông/lít xăng. Ông Tây cho rằng, chỉ cần phân chia trong công thức giá cơ sở đã xây dựng ra thành 3 phần ở các khâu theo tỉ lệ phù hợp với sự đóng góp trong cả hệ thống.
“Vì do Nghị định không ghi rõ tỉ lệ nên doanh nghiệp đầu mối lại dùng để bù vào lỗ của chu kỳ trước”, ông Tây nói và đề nghị phân chia rõ tỉ lệ ở các khâu về chi phí lưu thông định mức và riêng khâu bán lẻ là cộng thêm 5%/giá bán thời điểm – tương đương với 1.180 đồng/lít theo giá hiện nay.
Ông Hà Thanh Tùng – Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang (Hà Giang) nói rằng, kinh doanh thì sẽ có lúc lỗ lúc lãi, nhưng lỗ chỉ diễn ra 1, 2 tháng nhưng doanh nghiệp bán lẻ đã lỗ cả năm nay.
Trong nội dung kiến nghị, ông Tùng đề nghị đơn vị soạn thảo “công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong khi xây dựng Nghị định”, điều này để giúp doanh nghiệp bán lẻ có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các thương nhân phân phối để đảm bảo sự công bằng.
Ông cũng kiến nghị đơn vị soạn thảo ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đám bảo không có phân biệt đối xử. Cụ thể, chi phi kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ được từ 3-3,5% nhân với giá bán lẻ bán ra.
Quy định rõ về nguồn nhập hàng được lấy
Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 được lấy ý kiến, Bộ Công Thương đã đề xuất tăng vị thế cho doanh nghiệp bán lẻ, khi cho họ được mua xăng dầu từ 3 đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu. Việc này nhằm đa dạng nguồn cung xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế của doanh nghiệp bán lẻ trong đàm phán mua hàng.
Song, ông Hoàng Trung Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ Hà Nội (APP) cho rằng, nếu chỉ cho thương nhân phân phối mua từ 3 đầu mối là vi phạm Luật thương mại, Luật Cạnh tranh. Ông cho rằng, mọi doanh nghiệp có quyền bình đẳng, mua bán những gì pháp luật không cấm.
“Anh không thể bắt tôi mua chỉ 3 ông, trường hợp các đầu mối này bắt tay với nhau, trong khi chỉ có 33 đầu mối với mối đầu mối có 5 cây xăng, tổng trị giá khoảng 100 tỷ đồng/đầu mối và nhìn thấy tác động của đầu mối tới thị trường xăng dầu rất rõ. Sửa đổi như vậy thì coi như không sửa, trao cho thương nhân đầu mối nhiều đặc quyền, đặc lợi vô hình, có thể dẫn tới méo mó thị trường xăng dầu”, ông Dũng nêu quan điểm.
Theo ông, hiện hơn 10.000 cửa hàng bán lẻ là của doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, 33 doanh nghiệp đầu mối khó có đủ năng lực “cáng đáng” được hết. Do đó, không thể bỏ loại hình thương nhân phân phối, để đại lý mua trực tiếp từ đầu mối được ông so sánh là “không khác gì việc bà con nông dân mang cá, mang rau trực tiếp ra chợ bán”.
Một cây xăng lấy hàng của một thương nhân hay của một đầu mối thì rất có thể lúc nào đó cũng sẽ bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Do vậy cần phải có ít nhất 3 đầu mối, mở rộng quyền và linh hoạt cho đầu mối bán lẻ thì thị trường xăng dầu sẽ bình ổn bởi “khủng hoảng, đen tối nào rồi cũng đến kỳ bình ổn”.
Ông Dũng cũng cho rằng, cần có sự hỗ trợ về tài chính của thương nhân phân phối để mua lô xăng dầu lớn từ vài nghìn tấn để dự trữ nhằm tháo gỡ những lúc khó khăn cục bộ. “Thương nhân đầu mối cũng là trung gian, vì sao không để doanh nghiệp bán lẻ ký hợp đồng trực tiếp với các nhà máy Nghi Sơn, Dung Quất?”, ông đặt vấn đề.
Quay lại 15 ngày điều chỉnh giá xăng dầu/lần
Từ kinh nghiệm của thương nhân phân phối và có 5 cây xăng bán lẻ, ông Hoàng Trung Dũng cho rằng, giá dầu thị trường cứ bình quân 10 năm biến động 1 lần là điều bình thường.
Do vậy việc điều hành giá xăng dầu nên để 15 ngày như trước đây, thay bằng 10 ngày như hiện nay. Trong trường hợp nếu giá xăng dầu có biến động từ 5% trở lên thì Bộ Công Thương đề xuất quyền điều chỉnh giá xăng dầu đột xuất thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
Ông Văn Tấn Phụng – Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Đồng Nai đề nghị, khi sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 nên đặt ngược vấn đề, tại sao trước đại dịch, thị trường xăng dầu hoạt động bình thường, còn sau 2 năm dịch bệnh, tình hình thế giới bất ổn đã bộc lộ hạn chế của chính sách điều hành và cần nhìn nhận hạn chế này để sửa đổi.
“Một cây xăng có tới 8 sở, ban, ngành điều chỉnh. Điều lạ là chúng tôi lỗ phải bán nhưng không được quyền ra giá mà do người khác ra giá. Nếu định hướng tới thị trường, khi nhu cầu cung cầu biến động liên tục cần phải có điều chỉnh. Ban soạn thảo nên lắng nghe, chắt lọc điều doanh nghiệp kiến nghị để điều chỉnh hợp lý nhằm giúp doanh nghiệp có thể sống, phát triển và đóng góp”, ông Phụng kiến nghị.
Theo ông Phụng, trước đây, doanh nghiệp bán lẻ được mua nhiều đầu mối nhưng bây giờ chỉ được mua ở 1 đầu mối. Các thương nhân trước đây được mua, giờ không được mua và là một trong những nguyên nhân khiến đứt gãy nguồn cung như vừa qua.
Từ thực tế này, ông Phụng đề nghị dự thảo sửa đổi Nghị định 95, doanh nghiệp được lấy nhiều đầu mối. Đồng thời, ông Phụng kiến nghị chu kỳ thay đổi giá thay đổi, kéo dài thành 15 ngày như trước đây.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/doi-thoai-ve-quan-ly-kinh-doanh-xang-dau-doanh-nghiep-mong-muon-gi-a593566.html