Quân đội Ukraine cho biết, các cuộc tấn công của Nga vẫn diễn ra dữ dội hôm 8/2 ở khu vực Donetsk và Luhansk ở miền Đông. Các lực lượng của Moscow tập trung vào các khu vực Kupiansk, Lyman, Bakhmut và Aviivka, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết trên Facebook.
Các cuộc không kích và pháo kích cũng nhằm vào các vùng Sumy, Kharkiv và Zaporizhzhia ở miền Bắc, Đông Bắc và miền Trung Ukraine. Reuters không thể xác minh độc lập các báo cáo chiến trường.
Sau những thắng lợi lớn của Ukraine trên thực địa vào nửa cuối năm 2022, Nga đã “giành lại thế chủ động” bằng cách phát động một cuộc tấn công mới trong chiến dịch ở Ukraine, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW).
Trong bản cập nhật tình hình chiến sự được công bố hôm 8/2, ISW cho biết rằng Moscow đã bắt đầu “cuộc tấn công lớn tiếp theo” vào Luhansk, nơi phần lớn do các lực lượng Nga kiểm soát.
Bản cập nhật lưu ý rằng “các hoạt động dọc theo tuyến Svatove-Kreminna” ở phía tây Luhansk đã tăng tốc trong tuần qua, dẫn đến “những bước tiến nhỏ dọc theo chiến tuyến Kharkiv-Luhansk”.
“Việc các đơn vị quan trọng của ít nhất 3 sư đoàn lớn của Nga được giao nhiệm vụ tham gia các hoạt động tấn công trong khu vực này cho thấy cuộc tấn công của Nga đã bắt đầu”, bản cập nhật cho biết. “Nhưng các lực lượng Ukraine cho đến nay vẫn đang ngăn cản các lực lượng Nga giành được những lợi ích đáng kể”.
Tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ cho rằng lần đầu tiên kể từ khi Ukraine giành thế chủ động vào tháng 8/2022, “các lực lượng Nga đang thiết lập các điều kiện chiến đấu”, đồng thời cảnh báo rằng không phải Nga sẽ nghiễm nhiên chiến thắng trận này vì nó có thể dẫn đến một cuộc phản công mới của Ukraine.
Tuần trước, ISW đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt ra hạn chót là tháng 3 để quân đội Nga giành được toàn quyền kiểm soát Luhansk và Donetsk, 2 trong số 4 khu vực ly khai Ukraine mà ông tuyên bố đã sáp nhập vào Nga vào năm ngoái.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ISW cũng cho biết rằng không có bằng chứng nào cho thấy Nga có “đủ sức mạnh chiến đấu” để đạt được các mục tiêu mà ông Putin đề ra trước hạn chót đó, đồng thời gợi ý rằng Ukraine sẽ phản công vào cuối mùa xuân hoặc mùa hè năm 2023 sau khi tích hợp xe tăng phương Tây.
Trong khi cuộc tấn công mới của Nga có thể tạo ra một bước ngoặt tiềm năng cho cuộc xung đột, ISW cho biết hôm 8/2 rằng các quan chức ở Moscow cũng đang tiếp tục “chuẩn bị ngành công nghiệp quân sự Nga cho một chiến dịch kéo dài ở Ukraine”.
Anh hứa đào tạo phi công Ukraine theo chuẩn NATO
Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 8/2 đã kêu gọi Anh và các nước phương Tây khác gửi đến Ukraine “đôi cánh vì tự do” – tức các máy bay chiến đấu – để giúp quốc gia Đông Âu lật ngược tình thế trước cuộc tấn công của Nga.
Nhà lãnh đạo Ukraine đã thực hiện chuyến công du bất ngờ tới thế giới phương Tây để tìm kiếm thêm sự ủng hộ cho đất nước mình trong bối cảnh xung đột với Nga sắp tròn 1 năm. Đây là lần thứ 2 ông Zelensky rời khỏi Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu.
Các nước phương Tây đã hứa cung cấp xe tăng, xe bộ binh bọc thép và các hệ thống tên lửa tầm xa, nhưng cho đến nay vẫn từ chối cung cấp chiến đấu cơ.
“Tôi kêu gọi các vị và thế giới, bằng những từ đơn giản nhưng quan trọng – máy bay chiến đấu cho Ukraine, đôi cánh cho tự do”, Tổng thống Zelensky nói với các nhà lập pháp Anh tại Cung điện Westminster.
Quả thực, tại London, ít nhất ông Zelensky đã giành được cam kết của “xứ sở sương mù” về việc đào tạo phi công Ukraine trên các máy bay chiến đấu tiên tiến của NATO từ Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Bây giờ câu hỏi đặt ra là London có thể gửi loại máy bay phản lực nào cho Ukraine, trong khi điều đáng nói là nếu quyết định như vậy được đưa ra, nó sẽ khởi động một quá trình lâu dài và có thể không đáp ứng được nhu cầu quân sự cấp bách của Ukraine hiện nay.
“Bước đầu tiên để có thể cung cấp máy bay tiên tiến là có những người lính hoặc phi công có khả năng sử dụng chúng. Đó là một quá trình mất thời gian. Chúng tôi đã bắt đầu quá trình đó hôm nay”, Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu tại một doanh trại quân đội ở Dorset, Tây Nam đất nước.
Anh cũng hứa sẽ tăng cường tốc độ giao hàng để giúp Ukraine chống lại cuộc tấn công của Nga.
Ngay sau London, Tổng thống Ukraine đã tiếp tục chuyến công du bất ngờ tới Paris. Ông đã hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Cung điện Elysee. Cuộc hội đàm cũng có sự tham gia của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
“Chúng tôi càng sớm có vũ khí hạng nặng và máy bay hiện đại thì cuộc xung đột này sẽ kết thúc càng nhanh và chúng ta sẽ có thể trả lại hòa bình cho châu Âu”, ông Zelensky cho biết trong một tuyên bố chung với ông Macron và ông Scholz.
Ông Macron đảm bảo với ông Zelensky về “quyết tâm sát cánh” cùng Ukraine “cho đến khi chiến thắng” trước các lực lượng Nga.
“Những gì đang diễn ra ở Ukraine là tương lai của châu Âu và chúng tôi nhận thức rất rõ điều đó”, nhà lãnh đạo Pháp nói. “Ukraine có thể tin tưởng vào Pháp, các đối tác và đồng minh châu Âu, để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Nga không thể và không được giành chiến thắng”.
Sau các tuyên bố, hãng thông tấn Nga TASS đã dẫn lời Đại sứ quán Nga tại Vương quốc Anh, cảnh báo rằng bất kỳ việc chuyển giao máy bay chiến đấu nào của Anh tới Ukraine sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị.
SpaceX ngăn Ukraine “vũ khí hóa” Starlink
SpaceX đã thực hiện các bước để ngăn quân đội Ukraine sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của công ty để điều khiển máy bay không người lái (drone) trong khu vực trong bối cảnh xung đột giữa quốc gia Đông Âu và Nga, Chủ tịch và COO SpaceX Gwynne Shotwell cho biết hôm 8/2.
Dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX – đã được cung cấp cho quân đội Ukraine thông tin liên lạc băng thông rộng để phòng vệ trong cuộc xung đột với quân đội Nga – “không bao giờ có nghĩa là vũ khí hóa”, bà Shotwell cho biết trong một hội nghị ở Washington, D.C., Mỹ.
“Tuy nhiên, người Ukraine đã tận dụng nó theo những cách không được định trước và không nằm trong bất kỳ thỏa thuận nào”, bà nói.
Phát biểu sau đó với các phóng viên, bà Shotwell đề cập đến các báo cáo rằng quân đội Ukraine đã sử dụng dịch vụ Starlink để điều khiển máy bay không người lái (drone).
Ukraine đã sử dụng hiệu quả các drone này để phát hiện các vị trí của kẻ địch, nhắm mục tiêu hỏa lực tầm xa và thả bom.
“Có những điều chúng tôi có thể làm để hạn chế khả năng làm điều đó của họ”, bà nói, đề cập đến việc Ukraine sử dụng Starlink để điều khiển drone. “Có những điều mà chúng tôi có thể làm, và đã làm”.
Bà Shotwell từ chối cho biết những biện pháp mà SpaceX đã thực hiện, nhưng khẳng định việc sử dụng dịch vụ Starlink cho drone đã vượt ra ngoài phạm vi thỏa thuận mà SpaceX có với chính phủ Ukraine, đồng thời cho biết thêm hợp đồng này nhằm mục đích nhân đạo như cung cấp Internet băng thông rộng cho các bệnh viện, ngân hàng và gia đình bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine.
“Chúng tôi biết quân đội đang sử dụng chúng để liên lạc, và điều đó không vấn đề gì”, bà nói. “Nhưng ý định của chúng tôi là không bao giờ để họ sử dụng nó cho mục đích tấn công”.
Đức cảnh báo NATO không xung đột với Nga
Mặc dù cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không được trở thành một bên trong cuộc xung đột của quốc gia Đông Âu với Nga, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hôm 8/2.
Trong một bài phát biểu trước Hạ viện Đức (Bundestag) trước thềm cuộc họp đặc biệt của Hội đồng châu Âu để thảo luận về cuộc xung đột, ông Scholz đã cảnh báo các nước NATO chớ nên tham gia “một cuộc cạnh tranh công khai để vượt mặt nhau về xe tăng chiến đấu, tàu ngầm, máy bay”.
Điều này sẽ gây tổn hại đến sự thống nhất của phương Tây, người đứng đầu chính phủ Đức nói.
“Chúng ta bảo vệ và tăng cường sự gắn kết này bằng cách chuẩn bị các quyết định một cách bí mật trước khi thông báo”, ông nói, đề cập đến quyết định gần đây của Đức và Mỹ về việc chuyển giao xe tăng chiến đấu.
Do các đối tác NATO ngày càng gây áp lực lên Đức trong việc cung cấp pháo hạng nặng cho Ukraine, vào cuối tháng 1, chính phủ Đức đã quyết định giao 14 xe tăng Leopard 2 và cho phép các đối tác tái xuất những chiếc Leopard do Đức sản xuất. Ngoài ra, việc xuất khẩu tới 178 xe tăng Leopard 1 cũ hơn sau đó đã được phê duyệt.
Mỹ cũng có động thái tương tự ngay sau đó, với việc Tổng thống Joe Biden tuyên bố chuyển giao xe tăng chiến đấu Abrams cho Ukraine.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sẽ mất nhiều tháng trước khi xe tăng của Đức và Mỹ được chuyển giao.
Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin hồi tháng trước đã cảnh báo rằng, việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ dẫn đến sự trả đũa bằng “vũ khí mạnh hơn”.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhắc lại yêu cầu của ông về việc cung cấp thêm vũ khí, cũng như máy bay chiến đấu, trong chuyến thăm London hôm 8/2.
Vương quốc Anh là nhà hỗ trợ lớn thứ hai của Ukraine sau Mỹ. Chỉ riêng năm ngoái, nước này đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá tổng cộng gần 2,8 tỷ USD và chính phủ Anh đã cam kết “duy trì mức tài trợ tương tự vào năm 2023”.
Tại cuộc họp sắp tới của Hội đồng châu Âu vào ngày 9-10/2, ông Scholz chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ được thắt chặt hơn nữa. Ông cho biết EU sẽ hỗ trợ Ukraine “cho đến khi còn cần thiết”.
Thêm một giả thuyết về vụ Nord Stream
Nhà Trắng hôm 8/2 đã bác bỏ một báo cáo rằng Mỹ chịu trách nhiệm về các vụ nổ vào năm ngoái trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 của Nga.
Bản báo cáo “Mỹ đã hạ gục đường ống Nord Stream như thế nào” do nhà báo điều tra từng đoạt giải Pulitzer Seymour Hersh viết và xuất bản trên trang blog Substack của ông. Trong bài đăng của mình, ông Hersh đã kể chi tiết về một loạt vụ nổ xảy ra vào tháng 9 năm ngoái trên các đường ống Nord Stream 1 và 2 được thiết kế để vận chuyển khí đốt của Nga tới Đức dưới Biển Baltic.
Theo ông Hersh, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho các thợ lặn chuyên nghiệp của Hải quân Mỹ cài đặt chất nổ điều khiển từ xa lên các đường ống sau khi cộng đồng an ninh quốc gia của Washington tranh luận về kế hoạch này trong 9 tháng.
Nhà Trắng đã phản đối câu chuyện ngay sau khi ông Hersh đăng nó hôm 8/2, gọi nó là “hoàn toàn sai sự thật”. Tuy nhiên, Nga đã kêu gọi Mỹ đưa ra lời giải thích chi tiết hơn.
Các vụ nổ vào ngày 26/9/2022 đã gây ra thiệt hại lớn cho 3 trong số 4 nhánh của 2 đường ống Nord Stream 1 và 2, vốn trị giá 20 tỷ USD và mất 15 năm để xây dựng.
Đối với Nga, nó dường như là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế dựa vào năng lượng của nước này, vì việc các đường ống bị hư hại sẽ ngăn cản dòng khí đốt Nga trị giá hàng tỷ USD chảy vào châu Âu.
Đối với châu Âu, nó làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng vốn đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Các quốc gia, đặc biệt là Đức, phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga, và việc từ bỏ những nguồn cung cấp đó đã tỏ ra khó khăn – và tốn kém.
Một số quốc gia được cho là có động cơ cho hành động này: Nga, Đức, Ukraine, Ba Lan, Anh và Mỹ. Các bên vẫn đổ lỗi cho nhau mà không đưa ra bằng chứng thuyết phục.
Minh Đức (Theo Reuters, Newsweek, La Prensa Latina, CGTN)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nga-bat-dau-cuoc-tan-cong-lon-ukraine-tim-kiem-doi-canh-vi-tu-do-a592933.html