noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủThế giớiĐộng đất ở Syria-Thổ Nhĩ Kỳ: 20 người trốn khỏi khu giam...

    Động đất ở Syria-Thổ Nhĩ Kỳ: 20 người trốn khỏi khu giam giữ phần tử IS

    Trận động đất mạnh nhất kể từ năm 1939 ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria đã khiến ít nhất 4.300 người thiệt mạng, hàng nghìn tòa nhà bị phá hủy…

    Các tù nhân đã thực hiện một cuộc nổi dậy ở Tây Bắc Syria hôm 6/2 sau một trận động đất thảm khốc, với ít nhất 20 người trốn thoát khỏi nhà tù giam giữ hầu hết các thành viên của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), một nguồn tin tại cơ sở này nói với AFP.

    Nhà tù quân cảnh ở thị trấn Rajo gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ khoảng 2.000 tù nhân, trong đó có khoảng 1.300 người bị tình nghi là phần tử IS, nguồn tin của AFP cho biết.

    Nhà tù này cũng giam giữ các tay súng từ lực lượng do người Kurd lãnh đạo.

    “Sau khi trận động đất xảy ra, Rajo bị ảnh hưởng, và các tù nhân bắt đầu nổi loạn và giành quyền kiểm soát các khu vực của nhà tù”, một quan chức tại nhà tù Rajo, nơi do phe thân Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, cho biết. “Khoảng 20 tù nhân đã bỏ trốn… họ được cho là những chiến binh IS”.

    Trận động đất mạnh 7,8 độ richter – kéo theo hàng chục cơn dư chấn trong khu vực – đã gây ra thiệt hại cho nhà tù, với các bức tường và cửa bị nứt, nguồn tin của AFP cho biết.

    Đài Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh cho biết họ không thể xác minh liệu các tù nhân có trốn thoát hay không, nhưng xác nhận có một cuộc nổi loạn.

    Động đất mạnh nhất kể từ năm 1939

    Một trận động đất mạnh đã xảy ra ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria trước bình minh ngày 6/2, khiến ít nhất 4.300 người thiệt mạng, hàng nghìn tòa nhà bị phá hủy và làm đảo lộn cuộc sống ở một khu vực vốn đã bị tàn phá bởi chiến tranh, khủng hoảng người tị nạn và suy thoái kinh tế.

    Thế giới - Động đất ở Syria-Thổ Nhĩ Kỳ: 20 người trốn khỏi khu giam giữ phần tử IS

    Các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ được thực hiện trong đống đổ nát ở Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2/2023. Ảnh: Anadolu Agency

    Thế giới - Động đất ở Syria-Thổ Nhĩ Kỳ: 20 người trốn khỏi khu giam giữ phần tử IS (Hình 2).

    Các nhân viên dịch vụ khẩn cấp đang nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn tại địa điểm một tòa nhà bị sập ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2/2023. Ảnh: NY Times

    Số người chết và bị thương dường như chắc chắn sẽ tăng lên khi các đội cứu hộ vật lộn với mưa và tuyết để tìm những người sống sót từ đống đổ nát, trong khi các gia đình lo sợ dư chấn đã cố gắng tìm nơi trú ẩn trong ô tô, lều trại, nhà máy và trường học.

    Trận động đất sáng sớm hôm 6/2 là trận mạnh nhất được ghi nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939, đạt cường độ 7,8 độ richter, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, và cũng được cảm nhận ở Síp, Ai Cập, Israel và Lebanon. Một cơn dư chấn mạnh 7,5 độ richter một lần nữa làm rung chuyển khu vực vào chiều cùng ngày, khiến các nỗ lực cứu hộ trở nên phức tạp hơn và reo giắc kinh hoàng cho hàng triệu người sống trong vùng động đất.

    Tại thành phố Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, Fatih Kaya đứng đối diện tòa tháp 16 tầng nơi gia đình anh trai anh sinh sống. Bây giờ tòa nhà đã sụp thành một đống đổ nát khổng lồ mà các nhân viên cứu hộ đang đào bới để tìm kiếm những người sống sót. Anh Kaya, 31 tuổi, nói: “Tôi không biết phải làm gì khác trong thời điểm này”.

    Tại thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 6/2 tuyên bố 7 ngày quốc tang.

    Thế giới - Động đất ở Syria-Thổ Nhĩ Kỳ: 20 người trốn khỏi khu giam giữ phần tử IS (Hình 3).

    Các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria, hay còn gọi là Mũ bảo hiểm Trắng, vận chuyển một nạn nhân được kéo ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở thị trấn Zardana, ngoại ô Idlib, ngày 6/2/2023. Ảnh: Times of Israel

    Tâm chấn của cả trận động đất và dư chấn lớn đều nằm gần thành phố Gaziantep ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đầu ngày 7/3, chính phủ báo cáo rằng 2.379 trường hợp tử vong đã được ghi nhận tại một khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ trải dài hơn 250 dặm (400 km), từ thành phố Adana ở phía Tây đến Diyarbakir ở phía Đông. Nhiều nghìn người khác được báo cáo là bị thương, khi con số được biết đã tăng lên suốt buổi tối. Hãng thông tấn nhà nước Anadolu báo cáo rằng số người thiệt mạng vì động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 2.921, với 15.834 người bị thương.

    Trận động đất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm khó khăn ở khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương – dọc biên giới phía nam với Syria. Và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát cao, vốn đã ăn sâu vào ngân sách các gia đình và gây ra sự thất vọng với đảng cầm quyền và người đứng đầu đảng này, ông Erdogan.

    Thiệt hại từ trận động đất kinh hoàng này có thể lên tới 1 tỷ USD, theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ. Giá trị của đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống trước khi phục hồi nhẹ, và thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc.

    Đỉnh điểm của sự tuyệt vọng

    Tại Syria, số người thiệt mạng đã vượt quá 1.450, theo báo cáo từ Bộ Y tế Syria và lực lượng cứu hộ tại các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát. Các bệnh viện chật kín người bị thương ở các thành phố Idlib, Latakia và Aleppo.

    Các thành viên trong các gia đình tuyệt vọng đào tìm những người sống sót bằng xẻng và tay không, trong khi đội cứu hộ sử dụng đèn pha ở một số nơi để đào bới xuyên đêm, trong giá lạnh.

    Ông Mikdat Kadioglu, giáo sư khí tượng học và quản lý thảm họa tại Đại học Kỹ thuật Istanbul cho biết: “Đây là một cuộc chạy đua với thời gian và tình trạng hạ thân nhiệt. Mọi người mặc quần áo ngủ và đã ở dưới đống đổ nát trong 17 giờ”.

    Thế giới - Động đất ở Syria-Thổ Nhĩ Kỳ: 20 người trốn khỏi khu giam giữ phần tử IS (Hình 4).

    Nhân viên cứu hộ bế một cậu bé mà họ cứu được từ đống đổ nát của một tòa nhà sau trận động đất ở Dana, một thị trấn ở Idlib do quân nổi dậy kiểm soát, đầu ngày 6/2/2023. Ảnh: Getty Images

    Liên hợp quốc (UN), Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Ấn Độ, Anh, Israel, Nga và thậm chí cả Ukraine, quốc gia đang kẹt trong xung đột, cùng nhiều quốc gia khác, đã gửi các đội tìm kiếm cứu nạn, chó nghiệp vụ, đội y tế và viện trợ nhân đạo tới khu vực xảy ra thảm họa. Nhưng rõ ràng là việc đánh giá toàn bộ mức độ thiệt hại, thống kê số người thiệt mạng, xây dựng lại nhà cửa và khôi phục cuộc sống của những người bị ảnh hưởng chỉ mới bắt đầu.

    Trận động đất xảy ra ở Tây Bắc Syria, nơi gần 3 triệu người phải di dời do nội chiến và đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nhiều năm không kích và bắn phá đã khiến cơ sở hạ tầng rơi vào tình trạng mong manh, với việc nhiều người phải sống trong những nơi trú ẩn tạm thời, lều trại và các tòa nhà bị hư hại.

    Ông Mark Kaye, phát ngôn viên của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, có hơn 1.000 nhân viên địa phương làm việc ở Tây Bắc Syria, cho biết: “Những gì chúng tôi có ở Syria là trường hợp khẩn cấp trong trường hợp khẩn cấp”.

    Khu vực bị ảnh hưởng ở miền bắc Syria bao gồm các khu vực do phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, bên cạnh các khu vực do chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kiểm soát.

    Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu vào năm 2011, những thảm họa không hồi kết đã bủa vây khu vực này của đất nước – hàng nghìn dân thường thiệt mạng, cơ sở hạ tầng bị hư hại trên diện rộng, thiếu nước và điện, sự lây lan của Covid-19 và dịch tả.

    Thế giới - Động đất ở Syria-Thổ Nhĩ Kỳ: 20 người trốn khỏi khu giam giữ phần tử IS (Hình 5).

    Quang cảnh tìm kiếm nạn nhân và những người sống sót giữa đống đổ nát của các tòa nhà bị sập sau động đất tại làng Besnia, Idlib, Tây Bắc Syria, ngày 6/2/2023. Ảnh: Getty Images

    Thế giới - Động đất ở Syria-Thổ Nhĩ Kỳ: 20 người trốn khỏi khu giam giữ phần tử IS (Hình 6).

    Ảnh chụp từ trên không cho thấy phần lớn Besnia đã biến thành đống đổ nát. Ảnh: Getty Images

    Ông Jomah Al Qassim, một nhân viên cứu trợ người Syria hiện đang ở bên kia biên giới ở Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, mô tả nó là “sự tích tụ của một đống khủng hoảng”. Ông nói: “Mọi người đã kiệt sức”.

    Ông Hamid Qutaymi, một nhân viên của Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria, tổ chức viện trợ tình nguyện của Syria còn được gọi là Mũ bảo hiểm Trắng, cho biết: “Những gì xảy ra ngày nay khó khăn hơn tất cả những năm đã qua, từ vụ đánh bom và mọi thứ chúng tôi đã trải qua”.

    “Chúng tôi đang ở đỉnh điểm của sự tuyệt vọng ngay bây giờ”, ông Raed Saleh, giám đốc của tổ chức Mũ bảo hiểm Trắng, nói đồng thời cho biết thêm rằng thiệt hại do trận động đất gây ra lan rộng hơn nhiều so với bất kỳ cuộc không kích nào. Nhưng ít nhất hôm nay, các đội tìm kiếm và cứu hộ có thể hoạt động mà không phải lo sợ về một cuộc không kích tiếp theo, ông nói, gọi nó là một điều tích cực nghiệt ngã.

    Minh Đức (Theo Malay Mail, NY Times, NPR)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU