Tổng công ty 36 – CTCP (UPCoM: G36) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu thuần gần 700 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng cao khiến biên lãi gộp giảm từ 6,3% về còn 5,6%; lãi gộp ghi nhận tăng 12% so với cùng kỳ lên 39,2 tỷ đồng.
Trong kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của G36 tăng gấp đôi lên gần 33 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm gần 38 tỷ đồng, ghi nhận ở mức âm 9,4 tỷ đồng. Hoạt động liên doanh liên kết của tập đoàn không ghi nhận trong khi cùng kỳ lãi hơn 28 tỷ đồng.
Kết quả, G36 báo lãi sau thuế gần 32 tỷ đồng trong quý IV/2022 – giảm nhẹ so với mức lãi hơn 34,5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021 chủ yếu đến từ doanh thu tài chính.
Doanh nghiệp cho biết, doanh thu tài chính tăng do ghi nhận khoản đột biến doanh thu tài chính khác 30,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản này.
Cả năm 2022, G36 ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.322 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng 15% so với cùng kỳ khiến lãi gộp giảm 12% về còn 124 tỷ đồng.
Trong năm, chi phí tài chính giảm gần một nửa về còn 51 tỷ đồng và công ty không ghi nhận khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết. Khoản thu nhập khác tăng 35% lên 411 triệu. Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế gần 24 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Năm 2022, Tổng công ty 36 đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.258 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13,1 tỷ đồng. Như vậy, dù vượt 83% chỉ tiêu lợi nhuận nhưng công ty mới chỉ hoàn thành 58% doanh thu.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của G36 đạt gần 4.938 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Trong đó, đa phần là tài sản cố định đạt 1.361 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn gần 1.318 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 35% lên 904 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh chính của doanh nghiệp ghi nhận âm kỷ lục ở mức 409,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 362,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 269,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 74,6 tỷ đồng.
Tài sản dở dang dài hạn cuối năm của doanh nghiệp tăng 30% lên 740 tỷ đồng đến từ chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Cụ thể, 271 tỷ đồng từ Dự án Khu TĐC Tây Bắc, Tp.Sapa, tỉnh Lào Cai; 218,2 tỷ đồng từ Dự án số 6-8 đường Chùa Bộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, Tp.Hà Nội; 150,7 tỷ đồng từ Dự án Công trình hỗn hợp và TS huyện Nghi Lộc.
Nợ phải trả ghi nhận đạt gần 3.838 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 3.903 tỷ đồng hồi đầu năm. Người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 26% còn 781,7 tỷ đồng; trong khi đó thuế và các khoản phải nộp nhà nước tăng 6,5 lần lên 98 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn tăng 18 lần lên 28,9 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của G36 gần như đi ngang so với đầu kỳ, đạt 1.099 tỷ đồng, trong khi đầu năm ghi nhận ở mức 1.077 tỷ đồng chủ yếu đến từ lợi nhuận chưa phân phối tăng gấp đôi lên 43,7 tỷ đồng.
Cuối tháng 8/2022, công ty đã dùng tài sản bảo đảm là 12,54 triệu cổ phiếu G36 thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch HĐQT để bảo đảm cho nghĩa vụ vay vốn đang tồn tại hoặc sẽ phát sinh tương lai của Tổng công ty 36 với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/2, mã G36 giảm nhe còn 7.100 đồng/cp.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dong-tien-cua-tong-cong-ty-36-am-ky-luc-o-muc-409-ty-dong-a592499.html