Thị giá giảm, lãnh đạo bị bán giải chấp, nhà đầu tư trắng tay
Thời gian gần đây, hiện tượng cổ phiếu của một số công ty bất động sản bị thông báo bán giải chấp ngày càng nhiều, thậm chí công ty chứng khoán cũng có thông báo bán giải chấp cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp lớn.
Bán giải chấp cổ phiếu (Force-sell) là việc công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để hạ tỉ lệ nợ về mức an toàn theo quy định của từng công ty. Đây là đối tượng nhà đầu tư mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, cổ phiếu có được từ giao dịch này được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay, còn gọi là giao dịch ký quỹ (vay margin).
Chị P.H (ngụ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) có chia sẻ với Người Đưa Tin, hiện chị đang giữ 50.000 cổ phiếu LDG, được chị H đầu tư bằng tiền thật và không sử dụng margin.
Gần đầy liên tục có thông tin ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư LDG bị bán giải chấp ra 3.818.000 cổ phiếu LDG để giảm sở hữu từ 11% về còn 9,41% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 8/11/2022. Trước đó, vị Chủ tịch này cũng bị bán giải chấp 4.080.747 cổ phiếu LDG. Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2022, Đầu tư LDG ghi nhận doanh thu đạt 6,83 tỷ đồng, giảm 94,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 5,67 tỷ đồng, giảm 83,7% so với cùng kỳ.
Chị H. cho hay đã đầu tư cổ phiếu từ mức giá 14.070 đồng/cổ phiếu hồi tháng 5/2022, đến nay thị giá đã giảm hơn 70% còn 3.900 đồng/cổ phiếu sau hàng loạt thông tin lãnh đạo bị bán giải chấp và kết quả kinh doanh quý III sụt giảm. Tuy nhiên chị không bán ra, vì biết cũng không còn được bao nhiêu, và chị tâm sự rằng xác định mất số tiền đã bỏ ra với tâm thế chán nản.
Không chỉ riêng LDG, nhóm cổ phiếu bất động sản nói chung đang trải qua giai đoạn giảm mạnh, khiến nhiều lãnh đạo và cổ đông lớn liên tục bị các công ty chứng khoán “call margin” như DIG, PDR, NVL…
Ngược lại với tâm thế chị H., ông T.M (ngụ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã sử dụng margin để đầu tư vào cổ phiếu HDC với mong muốn “hái quả ngọt” nhanh chóng. Tuy nhiên, với đợt sụt giảm mạnh của TTCK hồi đầu tháng 10 vừa qua đã khiến ông M. bị “call margin” liên tục và CTCK yêu cầu ông nạp thêm tiền hoặc bán bớt cổ phiếu để tỉ lệ vay đạt ngưỡng an toàn. Để không bị mất trắng, ông T. tiếp tục vay thế chấp 2 tỷ đồng bù vào tài khoản.
Sau đó, thị trường tiếp tục giảm sâu hơn nữa sau hàng loạt thông tin chủ doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu, không thể tiếp tục cầm cự, ông M. đã bán bớt phần nào cổ phiếu nhưng phần còn lại vẫn tiếp tục lỗ. Cuối cùng, ông cũng bị CTCK bán giải chấp cổ phiếu HDC.
Ngoài nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp cũng phải bán giải chấp. Bị công ty chứng khoán liên tục “call margin”, thị giá cổ phiếu HDC của CTCP Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco) về vùng giá thấp nhất trong vòng 17 tháng qua.
Ngày 26/10, ông Nguyễn Tuấn Anh, Thành viên HĐQT độc lập Hodeco, có báo cáo bán ra thành công 73.000 cổ phiếu HDC, giảm lượng cổ phần sở hữu xuống 139.115 cổ phiếu, tương đương tỉ lệ nắm giữ 0,13% vốn điều lệ. Nguyên nhân thực hiện giao dịch là bị công ty chứng khoán bán giải chấp.
Cùng lý do bị bán giải chấp, Công ty CP Đầu tư Thiên Anh Minh do ông Nguyễn Tuấn Anh giữ chức Chủ tịch HĐQT cũng vừa bán ra 68.600 cổ phiếu HDC.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 13/10, ông Tuấn Anh và CTCP Đầu tư Thiên Anh Minh bán ra lần lượt 34.900 và 32.900 cổ phiếu HDC cũng vì bị công ty chứng khoán bán giải chấp. Hồi tháng 6, công ty này buộc phải bán ra 200.000 cổ phiếu vì lý do tương tự.
Mức giảm đã ở chu kỳ cuối
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) giải thích, bản chất việc chủ doanh nghiệp bị bán giải chấp, nguyên do bởi khi doanh nghiệp tăng vốn quá nhiều, lãnh đạo không có khả năng tài chính để mua được cổ phiếu sẽ phải đi vay (sử dụng margin) để đầu tư. Tuy nhiên, khi thị trường giảm quá sâu, đến mức chủ doanh nghiệp cũng bị “call margin”, mà họ không thể nạp thêm tiền bù vào số lượng bị “call”, sẽ dẫn đến tình trạng buộc phải bán giải chấp.
Việc bán giải chấp này sẽ làm tăng cung cổ phiếu trên thị trường, khiến thị giá đã giảm lại càng giảm sâu hơn, giúp cho những nhà đầu tư bên ngoài có thể dễ dàng “bắt đáy”, mua được cổ phiếu với mức giá rẻ.
Qua quá trình theo dõi thị trường trong một thời gian dài, ông Khoa có đưa ra quan điểm, khi những cổ đông lớn như chủ doanh nghiệp bị “call margin”, đấy thường là giai đoạn cuối của chu kỳ bán giải chấp.
“Do đó, về cơ bản tôi nghĩ sẽ không còn tình trạng nhà đầu tư bị bán giải chấp nữa vì đây là giai đoạn cuối của chu kỳ giao dịch ký quỹ”, ông Khoa nhấn mạnh.
Được hiểu là, chủ doanh nghiệp sẽ là những cổ đông đầu tiên mua cổ phiếu mỗi khi có đợt phát hành mới, hơn nữa còn được mua với mức giá rẻ hơn so với phát hành ra thị trường. Chính vì vậy, khi mà đến chủ doanh nghiệp cũng bị “call margin”, nghĩa là thị giá cổ phiếu đã rơi rất sâu, và đây cũng là giai đoạn cuối của chu kỳ nhà đầu tư bị bán giải chấp cổ phiếu.
Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu bị có chủ doanh nghiệp bị bán giải chấp, ông Khoa cho rằng khi biết cổ phiếu đang ở cuối chu kỳ thì không nên bán ra nữa, trừ khi thị trường có một đợt giảm sâu hơn. Đồng thời nhà đầu tư nên chờ đợi thị giá hồi phục, bởi những cổ phiếu như vậy đều không có vấn đề gì liên quan đến nội tại doanh nghiệp.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/con-loc-ban-giai-chap-ve-cuoi-chan-song-nha-dau-tu-nen-lam-gi-a581451.html